Malcolm Turnbull: Từ cự phú chớp nhoáng thành thủ tướng

Dư luận kỳ vọng ông Malcolm Turnbull sẽ trở thành một chủ tịch biết đoàn kết nội bộ để giúp đảng Tự do chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới trước các phe đối lập.
Dư luận kỳ vọng ông Malcolm Turnbull sẽ trở thành một chủ tịch biết đoàn kết nội bộ để giúp đảng Tự do chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới trước các phe đối lập.
Bộ trưởng Truyền thông Australia Malcolm Turnbull đã có chiến thắng ngoạn mục trước Thủ tướng Tony Abbott để lên nắm quyền thay thế. Việc Malcolm Turnbull đánh bại đối thủ Tony Abbott để lên làm Chủ tịch đảng Tự do cầm quyền (và sau đó nhậm chức thủ tướng) được xem là “sự trả thù ngọt ngào”.

Việc Malcolm Turnbull đánh bại đối thủ Tony Abbott để lên làm Chủ tịch đảng Tự do cầm quyền (và sau đó nhậm chức thủ tướng) được xem là “sự trả thù ngọt ngào”.

Năm 2009, chính ông Turnbull “ngã ngựa” trước ông Abbott trong một cuộc đối đầu tương tự. Tuy nhiên, Đảng Tự do nổi tiếng với đường lối bảo thủ, nhưng ông Turnbull lại nổi tiếng với các quan điểm cởi mở.

Lên nắm quyền sau một đêm

“Vòng xoay ngựa gỗ” là cách nói ví von của nhiều hãng tin thế giới về sự biến động quá mức cần thiết của chính trường Australia trong mấy năm gần đây. “Cuộc đảo chính” mới nhất đã tiễn chân ông Tony Abbott ra khỏi ghế thủ tướng của xứ sở chuột túi và thế chỗ là người thách đấu Malcolm Turnbull. 

Ông Turnbull ban đầu từ chức Bộ trưởng Truyền thông để thách thức Thủ tướng Abbott trong một cuộc bỏ phiếu để bầu lãnh đạo mới của đảng Tự do cầm quyền sau khi tỷ lệ người dân không hài lòng với ông Tony Abbott tăng lên 63%. Thủ tướng Abbott đã chấp thuận “lời thách đấu” vì cho rằng cuộc bỏ phiếu cần thiết để Chính phủ Australia mạnh mẽ và ổn định hơn.

Tuy nhiên, theo kết quả bỏ phiếu, ông Malcolm Turnbull giành được 54 phiếu, còn ông Abbott chỉ được 44 phiếu, nghĩa là Australia sẽ có thủ tướng mới. Sau khi giành chiến thắng, ông Malcolm Turnbull hứa hẹn sẽ mang lại một phong cách lãnh đạo mới tôn trọng cử tri và khôi phục nội các chính phủ truyền thống nhằm đảm bảo mọi quyết định đưa ra đều có sự nhất trí của đa số thành viên.

Tân Thủ tướng cũng cho biết ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là tập trung thúc đẩy kinh tế với cam kết “thổi luồng gió mới” vào nền kinh tế Australia đang có dấu hiệu giảm sút, khẳng định tiếp tục duy trì các chính sách về khí hậu hiện nay và trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng tính.

Từ triệu phú thành thủ tướng

Là một cựu luật sư và doanh nhân thành công, Malcolm Turnbull là một trong những chính trị gia giàu nhất Australia, được miêu tả là triệu phú sống trong một biệt thự bên cạnh cảng Sydney. Ông nhiều lần có tên trong danh sách 200 người giàu có do Tuần san Business Review công bố. Sau khi học luật tại Đại học Sydney, ông giành học bổng Rhodes và tiếp tục học tại Đại học Oxford. 

Ông Turnbull từng làm việc như một nhà báo cho một số tờ báo trong một khoảng thời gian ngắn, trong đó có tờ Sunday Times ở Anh, trước khi bắt tay vào nghề luật. Một trong những thành tích lớn nhất của ông là bào chữa thành công cho cựu điệp viên người Anh Peter Wright trong vụ “SpyCatcher” năm 1980. Ông Wright viết hồi ký về thời gian làm việc cho Cơ quan Tình báo Anh (MI5), nhưng London cấm xuất bản quyển sách ở Anh. Malcolm Turnbull sau đó đã lật ngược thành công lệnh cấm này.

Trong những năm 1990, Malcolm Turnbull bắt đầu kinh doanh công nghệ và là đồng sáng lập một trong những nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất Australia tại thời điểm đó, OzEmail. Ông cũng điều hành một ngân hàng tư nhân và sau đó trở thành đồng chủ tịch chi nhánh Goldman Sachs giai đoạn 1997 - 2001. Năm 2004, ông Turnbull được bầu làm nghị sĩ cho hạt Wentworth, nơi ông sống cùng với vợ Lucy Hughes, người phụ nữ đầu tiên giữ chức Thị trưởng Sydney.

Malcolm Turnbull nhanh chóng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng hơn trong Quốc hội và đảng Tự do, cũng như làm việc cho nhiều ủy ban khác nhau. Năm 2008, ông Turnbull được bầu làm lãnh đạo đảng Tự do. Nhưng một năm sau, vị trí này bị thách thức và để thua ông Abbott với chỉ 1 phiếu chênh lệch. Sau đó, sự tín nhiệm dành cho ông Turnbull giảm sút nghiêm trọng khi ông tấn công chính trị gia Kevin Rudd bằng cách công bố e-mail cho thấy ông Rudd tham nhũng. Tuy nhiên, sau đó e-mail này bị phát hiện do một công chức hàng đầu làm giả, khiến hình ảnh của ông Turnbull bị hủy hoại nghiêm trọng.

Với vai trò Bộ trưởng Truyền thông, Malcolm Turnbull được đánh giá cao về công việc và nắm bắt tốt các chính sách công. Ông cũng được biết đến là một nhà hùng biện xuất sắc, thường xuyên giành lợi thế trong các cuộc tranh luận và được người dân mến mộ.

Malcolm Turnbull được xem là ứng viên sáng giá hơn cho chiếc ghế thủ tướng khi ông có vẻ cởi mở và bớt bảo thủ hơn ông Abbott. Tuy nhiên, Malcolm Turnbull chưa thực sự được các thành viên trong đảng Tự do yêu thích bởi ông có xu hướng cánh tả trong khi đảng muốn hướng sang cánh hữu. Ông cũng bị chỉ trích vì không tham khảo ý kiến các thành viên trước khi tuyên bố quan điểm của mình về nhiều vấn đề xã hội.

Malcolm Turnbull: Từ cự phú chớp nhoáng thành thủ tướng ảnh 1

Bộ trưởng Truyền thông Australia Malcolm Turnbull (phải) đã có “cuộc đảo chính” ngoạn mục Thủ tướng Tony Abbott để lên nắm quyền thay thế.

Nhiệm vụ khó khăn

Người dân Australia vô cùng ngỡ ngàng khi qua một đêm thức dậy đã có thủ tướng mới. Không ít người tỏ ra bất ngờ, song đối với nhiều người thì chuyện “đảo chính không đổ máu” không còn xa lạ ở xứ sở chuột túi do trong 5 năm qua có tới 4 lần thay đổi thủ tướng kiểu này. 

Ông Tony Abbott phải ra đi sau hai năm dẫn dắt, đưa Liên minh Tự do - Quốc gia lên cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Australia tháng 9/2013. Hai năm là khoảng thời gian đủ dài để chứng tỏ năng lực điều hành đất nước, song cái người ta nhìn thấy lại là một chính quyền Abbott “vật lộn” với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và có những quyết định đi ngược lại lời hứa với cử tri.

Tỷ lệ thất nghiệp cao (6,5%), ngành khai khoáng mất vị trí là ngành đem lại lợi nhuận lớn nhất được coi là cú sốc đối với nền kinh tế Australia, cùng với đồng nội tệ giảm mạnh so với USD là những nguyên nhân buộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Australia giảm lãi suất thấp kỷ lục, còn 2%. Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế lùi về mức 2%/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn (3,25%), khiến Australia đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái.

Tân Thủ tướng đã vạch ra nhiều phương pháp tiếp cận một số chính sách, mà ưu tiên hàng đầu là một hướng đi rõ ràng cho nền kinh tế Australia ngay sau khi lên nắm quyền. Ông nhấn mạnh yêu cầu bức thiết nhằm lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp để vực dậy nền kinh tế quốc gia, bên cạnh những cải cách quan trọng ở lĩnh vực thuế. 

Malcolm Turnbull cho biết ông muốn nhìn thấy sự linh hoạt hơn ở nơi làm việc, giảm thiểu các thủ tục rườm rà để mang lại hiệu quả công việc như cách mà nghiệp đoàn cắt giảm các khoản thanh toán và điều kiện. Ông sẽ chấn chỉnh mối quan hệ lao động để kinh tế Australia linh hoạt và hiệu quả hơn. Tân Thủ tướng khẳng định rằng ông có thể thực hiện những điều này nhưng vẫn bảo đảm điều kiện làm việc của người lao động không bị đe dọa.

Chuyện quyền lực đã được ấn định. Dư luận kỳ vọng ông Malcolm Turnbull sẽ thành công không chỉ trên cương vị thủ tướng mà cả một chủ tịch biết đoàn kết nội bộ để “lịch sử sẽ không lặp lại” với một chiến thắng cho đảng Tự do trong cuộc bầu cử sắp tới. 

Và dù ông Tony Abbott khẳng định sẽ không “phá” người kế nhiệm nhưng chiếc ghế của ông Turnbull cũng sẽ dễ dàng bị lung lay nếu tỉ lệ ủng hộ ông có bất cứ dấu hiệu nào không khả quan sau các cuộc thăm dò dư luận trong thời gian tới. Số phận của Malcolm Turnbull không chỉ phụ thuộc vào cuộc hạ bệ chóng vánh trước đó, mà còn nằm ở triển vọng của các cuộc bầu cử tiếp theo trong bối cảnh sức ép đang gia tăng từ các đảng đối lập và niềm tin của chính người dân về một lãnh đạo “không nên chỉ biết hứa suông”...

Theo Theo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng
MỚI - NÓNG