'Ma trận' vạch kẻ đường xương cá: Cần xóa vạch, tổ chức lại giao thông

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi báo Tiền Phong có các bài phản ánh về “Ma trận” vạch kẻ xương cá đánh bẫy người đi đường, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT - Chủ đầu tư dự án đường Vành đai 3 và cầu Thanh Trì vừa cho biết, tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3 đang sai thiết kế.

Là đơn vị xây dựng cầu Thanh Trì và tuyến đường Vành đai 3 cả dưới thấp và trên cao đoạn từ Mai Dịch đi cầu Thanh Trì và từ cầu Thanh Trì đi QL5, trao đổi với PV Tiền Phong ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT cho biết, dự án đã xây dựng xong từ năm 2012 và bàn giao cho thành phố Hà Nội quản lý, khai thác đến nay.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thời gian qua, người dân đi ô tô và xe máy khi tiếp cận Vành đai 3 trên cao tại nút giao Pháp Vân (quận Hoàng Mai) và cầu Thanh Trì từ hướng QL5, vì không có điểm mở của vạch sơn để tiếp cận nên phương tiện thường xuyên phải đè lên vạch xương cá, thậm chí là vạch liền để sau đó đi vào làn của mình. Biết rằng theo quy định thế là sai nhưng khi đã đi vào các nút giao này người tham gia giao thông, đặc biệt là xe máy sẽ bị tiến hóa lưỡng nan - đi kiểu gì cũng sai. Trước các bức xúc của người dân và báo chí phản ánh, thông tin về việc này lãnh đạo Sở GTVT trả lời báo Tiền Phong rằng, các vạch này do đơn vị thực hiện dự án kẻ, sau đó bàn giao lại cho thành phố Hà Nội tiếp quản.

'Ma trận' vạch kẻ đường xương cá: Cần xóa vạch, tổ chức lại giao thông ảnh 1

Xe máy và cả ô tô thường xuyên đi vào vạch xương cá vì không còn phù hợp với tình hình giao thông mới nhưng lại không được điều chỉnh tại cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3

Về việc này, ông Phạm Thanh Bình xác nhận, Ban QL dư án Thăng Long đã kẻ các vạch này theo phương án tổ chức giao thông của dự án, sau thông xe đã bàn giao cho thành phố Hà Nội, đại diện đơn vị đứng ra tiếp nhận và Sở GTVT. Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh, theo thiết kế của dự án, đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch đến cầu Thanh Trì và từ cầu Thanh Trì đi QL5 chỉ dành cho ô tô lưu thông, khai thác tiêu chuẩn cao tốc. “Vậy nhưng khi được bàn giao cho thành phố Hà Nội, từ giao thông trên cầu Thanh Trì và cả đường dẫn từ QL5 lên cầu Thanh Trì đều được tổ chức sai thiết kế khi cho ô tô xe máy đi chung hỗn hợp, thậm chí trên cầu Thanh Trì, làn đường khẩn cấp và làn đường dành cho xe 2 bánh còn bố trí cho cả ô tô đi chung” lãnh đạo Ban QL dự án Thăng Long cho biết.

"Giăng bẫy" gây bức xúc

Với hệ thống vạch kẻ xương cá tại nút Pháp Vân và đường dẫn lên cầu Thanh Trì từ hướng QL5, đại diện Ban QL dự án Thăng Long cho biết, do thiết kế dự án không có làn đường cho xe máy, do vậy tại các phần diện tích phía trong cùng tiếp giáp với làn đường khẩn cấp ở các nút giao, thường được phủ hết vạch xương cá. Việc này là để đảm bảo cho ô tô đi thẳng, đi đúng làn, tránh xung đột, va chạm giao thông…

Từ thực tế trên, Ban Thăng Long đưa ra gợi ý, sau khi tiếp nhận Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan như CSGT, Thanh tra giao thông tổ chức cho xe máy đi vào đường dẫn cầu Thanh Trì từ hướng QL5 thì phải xóa bỏ một số vị trí vạch kẻ liền và vạch xương cá để tạo điều kiện cho xe máy tiếp cận nút giao.

Tuy nhiên, theo thực tế của PV Tiền Phong thời gian qua, do việc xóa hoặc kẻ lại các vạch sơn, trong đó có vạch xương cá tại các nút giao đi lên cầu Thanh Trì ít, thậm chí chưa có, dẫn đến phương tiện xe máy mỗi khi từ QL5 hoặc QL1 (cầu Phù Đổng) tiếp cận đường dẫn lên cầu Thanh Trì thường phải đi vào vạch xương cá hoặc đi vào làn dừng khẩn cấp. Trong trường hợp đi lên nút giao mà không muốn đè, đi vào vạch xương cá, phương tiện xe máy rẽ ngay vào làn xe ở giữa đường thì sẽ đi vào làn xe ô tô - vi phạm lỗi sai làn. Do vậy, tại các làn đường dẫn lên cầu Thanh Trì hướng QL5, QL1 hiện nay, người tham gia giao thông bằng xe máy đi kiểu gì cũng sai.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, từ vạch kẻ sơn, trong đó có vạch xương cá của chủ đầu tư, sau khi tiếp nhận nếu thành phố Hà Nội có phương án điều chỉnh hoặc tổ chức giao thông lại phải xử lý các vạch kẻ sơn, xương cá cho phù hợp với tình hình giao thông mới. Tổ chức lại giao thông, trong đó có cho cả xe máy đi lên làn đường khai thác cao tốc nhưng lại không điều chỉnh vạch sơn là đánh đố, chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình. Hơn nữa việc này thời gian qua còn “tiếp tay” một số lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự trên đường lợi dụng để giăng bẫy xử phạt người đi đường, gây bức xúc cho người dân.

MỚI - NÓNG