Ma trận

Ma trận
TP - Không ngoài dự đoán của giới quan sát, sau kỳ thi đại học, cao đẳng 2012 là thời điểm các trường đại học, đặc biệt các trường được xếp vào tốp giữa và tốp dưới bắt đầu cuộc đua “tranh giành” miếng bánh thí sinh để lấp đầy chỉ tiêu được phân bổ.

> Xét tuyển hàng nghìn chỉ tiêu nguyện vọng 2

Năm nay, khác với mọi năm, Bộ GD&ĐT giao các trường tự chủ trong việc xét tuyển. Do vậy, không có xét tuyển nguyện vọng 2, 3 nữa. Việc xét tuyển kéo dài đến khi nào đủ chỉ tiêu,không giới hạn về thời gian, không quy định điểm nguyện vọng sau cao hơn trước.

Nên 70% nguyện vọng 1 đã được các trường tốp trên “nuốt trọn” trong khi điểm sàn của Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa ra nhằm ngăn các trường tuyển ồ ạt khiến cuộc đua tuyển sinh của nhóm tốp giữa và tốp dưới thêm phần gay cấn.

Đã xuất hiện những quảng cáo học bổng “khủng”, những điều kiện thoạt nghe không thể tốt hơn: miễn học phí, miễn phí ký túc xá, ăn uống và chăm sóc sức khỏe. Thậm chí nếu không được cấp học bổng sẽ được vay tiền không lãi suất và được phép hoàn lại trong vòng 5 năm sau khi tốt nghiệp.

Nếu nhìn vào những quảng cáo ấy, chắc chắn sẽ có người thốt lên, đi học bây giờ sao sướng thế. Nhưng xét kỹ những điều kiện trao học bổng của một số trường, có thể nói những suất học bổng này chủ yếu để quảng cáo, thu hút sự quan tâm của thí sinh hơn là ý muốn khuyến học thực sự.

Ví như trường ĐH Nguyễn Tất Thành đưa ra học bổng Học bổng tài năng vượt khó, hỗ trợ 100% học phí và 10 triệu đồng/năm với điều kiện điểm đầu vào đạt 22 điểm, thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Học bổng tài năng hỗ trợ 100% học phí cho thí sinh trúng tuyển với mức 22 điểm.

Trong khi ấy, năm nay thủ khoa của trường thi khối D1 vào ngành tài chính ngân hàng đạt 20,5 điểm.

Như vậy, nếu tính theo điều kiện mà trường đưa ra thì ngay cả thủ khoa cũng không thể chạm đến học bổng. Đó là chưa nói đến điều kiện phải có hoàn cảnh khó khăn.

Tương tự , ĐH Kinh tế- Tài chính TPHCM treo thưởng học bổng toàn phần trị giá khoảng 360 triệu đồng. Tuy nhiên để nhận được học bổng, thí sinh vừa phải có điểm thi ĐH từ 21 điểm trở lên và mỗi năm học đạt điểm trung bình các môn học từ 7,0 điểm trở lên.

Với cách treo thưởng này, thí sinh dù đạt 21 điểm cũng phải đợi hết năm học đầu tiên và có đạt 7,0 điểm mới nhận được học bổng.

Mức học bổng của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có suất đến gần 500 triệu đồng.

Thế nhưng, trường lại đưa ra 2 điều kiện mà rất ít thí sinh đạt được là phải đạt điểm thi 26 điểm (chưa tính điểm ưu tiên) và có kết quả học tập 3 năm liền từ lớp 10, 11 và 12 đạt từ 9,5 trở lên, đồng thời có chứng chỉ TOEFL 61 iBT của ETS - Hoa Kỳ không quá 2 năm.

Trong khi đó, đã có những dấu hiệu cho thấy dường như một số trường đại học tốp giữa và tốp dưới đang cố tình chấm lỏng tay ở những môn tự luận nhằm thoát khỏi cái vòng kim cô “điểm sàn” của Bộ Giáo dục-Đào tạo.

Đưa ra “bánh vẽ” học bổng để kéo thí sinh, cố tình chấm thoáng trong các môn có thể chấm thoáng, các trường nhằm đến điều gì? Chắc chắn vẫn là mục tiêu lợi nhuận.

Đặc biệt, trong giáo dục, chừng nào lợi nhuận vẫn còn được đặt lên hàng đầu thì hơi khó để nói đến chất lượng và sự phát triển bền vững.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG