M&A ngân hàng: Cuộc chơi mới?

Làn sóng sáp nhập mới sẽ có xu thế yếu về với khỏe. Ảnh: Như Ý
Làn sóng sáp nhập mới sẽ có xu thế yếu về với khỏe. Ảnh: Như Ý
TP - Nếu như “cuộc chơi” mua bán sáp nhập trước đây chỉ dành cho các ngân hàng nhỏ, vốn sức khỏe yếu buộc phải hợp nhất thì nay các thương vụ M&A ngân hàng không chỉ đơn thuần nhằm giải cứu mà còn hướng tới một tham vọng lớn hơn: tạo ra những ngân hàng có quy mô lớn sánh tầm khu vực, nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh lành mạnh.

Làn sóng thứ hai


Tại diễn đàn M&A Việt Nam 2014 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, ông Bùi Huy Thọ - Phó Vụ trưởng Vụ quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trước đây lãi suất cao, tình hình kinh tế khó khăn, nhiều ngân hàng biểu hiện hoạt động yếu kém và NHNN đã nhanh chóng khoanh vùng và yêu cầu tái cơ cấu. Đến nay thị trường tài chính đã ổn định và chứng kiến nhiều thương vụ sáp nhập thành công. 

Những người trên thị trường gọi đó là làn sóng thứ nhất, và làn sóng thứ hai bắt đầu được hình thành. Tức việc sáp nhập ngân hàng không chỉ diễn ra ở ngân hàng yếu kém mà còn giữa các ngân hàng “khỏe mạnh” với nhau để tăng quy mô và lợi thế cạnh tranh. 

Ông Thọ lưu ý, thực tế, tại đại hội cổ đông của nhiều ngân hàng vừa qua cũng đã công bố việc tìm kiếm các tín dụng khác để sáp nhập. Đây được xem xu hướng tất yếu và hứa hẹn sẽ có thêm nhiều thương vụ mới trong thời gian tới. 

Cùng chung nhận định, ông John Ditty- Tổng giám đốc KPMG Việt Nam & Campuchia Việt Nam cho rằng, nhóm ngành tài chính trong đó có ngân hàng vẫn là trọng tâm M&A hiện nay. Đặc biệt, nếu nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại thì M&A trong lĩnh vực tài chính càng đặc biệt trở nên sôi động.

Sau thương vụ thành công mà HDBank công bố sáp nhập DaiABank, nhà băng này cũng công bố mua lại Công ty Tài chính Việt-Societe Generale (SGVF). DHBank còn được biết đến là đang tìm đối tác chiến lược nước ngoài. 

Ông Hạ Bá Trực, Giám đốc đầu tư HDBank cho biết: rất nhiều ngân hàng hiện nay đang gặp phải vấn đề nợ xấu, nhưng đây chỉ là khó khăn tạm thời. Hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, yếu tố quan trọng là năng lực tài chính và vốn. Do đó, thông qua M&A, HDBank đã nâng cao được năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh của mình.

Ông lớn “ra tay”

Đầu tháng 8/2014, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức cam kết hỗ trợ nguồn vốn cho Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). Theo nội dung thỏa thuận, ngoài thanh khoản thì Vietcombank còn tham gia vào các mặt quản trị, điều hành để nâng cao hiệu quả hoạt động tại VNCB. 

Đây không phải là lần đầu tiên ngân hàng lớn tham gia vào tái cấu trúc các ngân hàng nhỏ. Còn nhớ thương vụ hợp nhất đầu tiên của ba ngân hàng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa, Ngân hàng Đệ Nhất đã có sự tham gia của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Khi đó, ngoài việc hỗ trợ thanh khoản, BIDV được phép tham gia toàn diện vào ngân hàng mới sau hợp nhất từ Hội đồng quản trị, Ban điều hành và các phòng bộ phận quan trọng khác.

Gần đây nhất là giữa tháng 4/2014, mặc dù trong tờ trình gửi đến cổ đông, Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vẫn xin chủ trương sáp nhập với một ngân hàng khác và phương án tái cơ cấu ngân hàng thông qua sáp nhập với Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đã bị gỡ bỏ. 

Nhưng trước đại hội, thị trường rộ lên thông tin về kế hoạch sáp nhập với Vietinbank đã được tiết lộ trong nội dung tài liệu và Vietinbank là đối tác tham gia tái cơ cấu ngân hàng này theo mô hình “ngân hàng trong ngân hàng”. Cho đến nay, PGBank vẫn chưa có thông tin nào thêm về việc tái cấu trúc của mình.

Chia sẻ với Tiền Phong tại Diễn đàn M&A Việt Nam, một chuyên gia ngân hàng cho hay: Nếu như trước đây, các ngân hàng nhỏ yếu kém tìm cách tự “giải cứu” mình bằng việc sáp nhập lại với nhau. Thì có thể thấy, tương lai việc tham gia của các “ông lớn”trong hệ thống ngân hàng vào quá trình tái cấu trúc sẽ trở thành xu thế trong thời gian tới.

Theo vị này, xu thế ngân hàng lớn tham gia tái cấu trúc ngân hàng nhỏ hiện nay là khá rõ ràng. Đây không chỉ là việc những ngân hàng lớn “làm thay” NHNN mà nó có thể hình thành một làn sóng thứ hai trong tái cấu trúc ngân hàng. 

Các thương vụ M&A có thể diễn ra giữa những ngân hàng này để vừa “dọn dẹp” ngân hàng hiệu quả thấp, vừa tăng quy mô nâng cao hiệu quả cho những ngân hàng lớn giúp ngân hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực.

Trong nửa đầu năm 2014, các ngân hàng đã lần lượt tiết lộ các kế hoạch về việc sáp nhập của mình. Từ những ngân hàng nhỏ như Sourthernbank, DongAbank, PG Bank, VietABank đến cả những ngân hàng lớn, hoạt động bền vững như Sacombank, Eximbank, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank). Một lãnh đạo của NHNN cho biết sẽ khuyến khích các ngân hàng lớn cùng tham gia vào công tác tái cấu trúc ngân hàng nhỏ, yếu, thay vì để NHNN đứng ra mua cổ phần và tự vực dậy các ngân hàng trên.

MỚI - NÓNG