> Diễn viên Hồng Sơn qua đời
> Diễn viên Hồng Sơn: 'Tôi day dứt với con gái nhiều...'
Đạo diễn Khải Hưng: Điện ảnh mất một người diễn có nghề
Tôi biết anh Hồng Sơn không phải từ phim truyền hình. Ấn tượng đâù tiên của tôi về anh chính là bộ phim “Người đàn bà nghịch cát”, anh diễn bằng đôi mắt rất giỏi.
Hồng Sơn vốn là con nhà giàu, trước đây chúng tôi không có nhiều thời gian gặp nhau, cho đến khi anh ấy sa vào nghiện ngập. Một hôm anh đứng trước cửa phòng tôi, lúc đó tôi là giám đốc VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam). Tôi hỏi: “Thấy mọi người nói em bị nghiện, đúng không?” Sơn không trả lời. Sơn ngỏ ý vay tôi 100 ngàn đồng, số tiền đó hồi ấy khá lớn. Tôi bảo: “Anh sẽ tặng Sơn số tiền này nhưng nếu Sơn dùng tiền để hút thì anh nghĩ Sơn đã xúc phạm đến nghề nghiệp của mình”. Sơn rưng rưng và không nhận tiền nữa. Từ đó bẵng đi một thời gian, tôi biết Sơn đi cai nghiện. Một ngày, anh lại gõ cửa phòng tôi. Lúc này trông anh hồng hào, béo tốt, Sơn đề nghị: “Nếu anh có vai, anh cho em tham gia nhé”. Tôi đã giới thiệu Sơn với tất cả các đạo diễn và anh bắt đầu đóng phim truyền hình.
Hồng Sơn làm trực tiếp với tôi phim “Nhà có nhiều cửa sổ”, tôi chọn anh đóng vai một người bị HIV và cũng dính dáng đến ma tuý. Tôi hỏi: “Sơn đóng vai này có sợ động chạm đến quá khứ của mình và ngại khán giả suy nghĩ không?”. Sơn bảo: “Em không sợ” và nhận lời. Tôi cho rằng người đóng đạt nhất trong phim đó chính là Hồng Sơn. Thật ra trong kịch bản phân cảnh người con phát hiện ra người cha bị HIV rất ngắn nhưng do Hồng Sơn diễn quá đạt cho nên chúng tôi quyết định kéo dài đoạn đó để anh diễn. Tôi thấy Hồng Sơn mất đi là một thiệt thòi với nghề diễn. Vì mất đi một người diễn có nghề.
Diễn viên Thu Hương- vợ cũ của Hồng Sơn:Trách anh sao được, chỉ thương!
Anh Hồng Sơn bản chất là người tốt, một con người sống đơn giản không lý trí mạnh mẽ như nhiều người đàn ông khác. Anh đam mê công việc, quan hệ với bạn bè không tính toán, vụ lợi. Đạo diễn Cường Việt nói: “Sơn sống bản năng và hoang dã”. Tôi thấy đúng.
Tính bản năng và hoang dã khiến cho anh ấy được nhiều người quí mến. Nhưng với quan điểm sống như thế áp đặt trong gia đình thì những người chung sống cùng anh chịu nhiều thiệt thòi.
Anh ấy sống quá vô tư, chú ý nhiều đến bạn và chơi. Tôi đã nói nhiều nhưng anh vẫn thế. Có lẽ khi anh sinh ra đã được đổ vào cái khuôn như vậy. Anh biết sai nhưng không sửa được.
Mới đầu tôi cũng trách anh ghê lắm, thấy sống với anh thiệt thòi, cảm thấy cô đơn, tình cảm sứt mẻ. Xin cho con học, cũng tôi. Một mình lặng lẽ. Không có chồng chia sẻ. Ngày khai giảng của con anh không quan tâm. Hồn nhiên lắm. Ngày nghỉ không phải diễn anh ngủ đến gần trưa. Tôi tự thuê người giúp việc, sắp đặt việc cho người ta... Cảm thấy tủi thân, ức… Nhưng thời gian trôi qua, không ở với nhau nữa, những cảm giác ấy đã nhạt nhoà, tôi không còn trách anh vì biết tâm địa anh là tốt. Con gái tôi cũng vậy. Thương bố lắm.
Hồng Sơn trong phim Ma làng. |
Khi anh ra đi không nói được điều gì vì rơi vào hôn mê. Trước đó anh nói nhiều. Anh phải nhập viện vì một cú ngã. Tôi hỏi: Anh đi uống rượu với ai mà say đến mức ngã? Anh đáp: Không đi đâu, tự nhiên ngã ở trong nhà. Tôi nghĩ ngay anh đã có bệnh. Anh hoang dã lắm, không quan tâm gì đến bệnh tật của mình. Anh mệt thì ngủ. Ngủ dậy lại thấy khỏe, lại sống, lại vui. Nằm trong viện, anh thèm thuốc lá. Anh xin tôi được hút, tôi không cho, vì bác sỹ cấm. Anh xin hút thuốc không được, quay ra nài nỉ, thậm chí anh vẽ đường cho tôi ra ngoài quán nước mua một vài điếu, mua cái bật lửa giấu vào túi áo, rồi mang vào cho anh hút. Những giây phút cuối anh vẫn cứ hồn nhiên như vậy, trách anh sao được, chỉ thương.
Diễn viên Lê Chí Kiên - Nhà hát Múa rối Thăng Long: Kỷ niệm ngày bỏ thuốc
Tôi thân với Hồng Sơn từ năm 1981, ăn mòn bát mòn đũa ở nhà nhau. Ngày xưa ở Hà Nội anh rất giàu và tốt. Nên lúc anh đi cai nghiện, chúng tôi đưa đi. Về Vân Đình, thuê một người cửu vạn, để đi theo Hồng Sơn, Hồng Sơn đi đâu, cửu vạn theo đấy. Chúng tôi nói dối chủ tịch xã ở đó, anh Sơn là nhà văn. Vừa nói được ba hôm, phim “Người Hà Nội” chiếu, lộ ra anh ấy là diễn viên, chứ không phải nhà văn. Ba tháng sau chúng tôi quay lại thanh toán tiền cho chủ nhà. Anh Sơn bảo: Chú phải cho anh mỗi tháng 500 ngàn nữa, sau phim “Người Hà Nội” chiếu, anh nổi tiếng quá, anh đang có tình cảm với một cô ở quê, cho anh 500 ngàn tình phí. Hơn 8 tháng sau anh cai được nghiện lần thứ nhất. Anh về Hà Nội. Rồi anh lại có tiền một cách may mắn và nghiện lại. Đi cai tiếp hai năm ở Sơn Tây. Cứ ngày 10 tháng 10 hằng năm chúng tôi lại gặp nhau uống rượu kỷ niệm ngày anh bỏ thuốc. Đếm trên đầu ngón tay hình như anh đã bỏ được nàng tiên nâu 10 năm rồi.
Anh xin hút thuốc không được, quay ra nài nỉ, thậm chí anh vẽ đường cho tôi ra ngoài quán nước mua một vài điếu, mua cái bật lửa giấu vào túi áo, rồi mang vào cho anh hút. Những giây phút cuối anh vẫn cứ hồn nhiên như vậy, trách anh sao được, chỉ thương. |