Thêm mấy chuyện chép từ Lý Sơn

Ly kỳ chuyện giữ độc bản lệnh Hoàng Sa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc Viện Nghiên cứu Hán Nôm để mất bản gốc 25 cuốn sách cổ quý giá (vừa tìm thấy 1 cuốn), trong đó có những cuốn độc bản liên quan đến chủ quyền quốc gia khiến ai nấy giật mình. Tưởng những tài liệu quan trọng đến vậy được bảo quản, bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt? Chợt nhớ tới một chuyện ở Lý Sơn…

Tờ lệnh lịch sử

Lý Sơn vừa trải qua ngày mưa, con đường đang thi công dẫn vào nhà thờ họ Đặng ở thôn Đồng Hộ (An Hải) ngập trong bùn lầy, phải vòng vèo đường khác băng qua mấy vạt ruộng. Khi nãy ngồi ở ủy ban huyện với Phó Chủ tịch huyện Đặng Tấn Thành, người đang hương khói nhà thờ họ, nghe anh gọi điện cho “chú Tám”, rồi nói em sắp có cuộc họp, các anh cứ đến nhà trước đi, gặp chú Tám…

Chú Tám, tức ông Đặng Thanh Hải nay 71 tuổi tóc vẫn còn đen mun. Nhà ông ở kế bên, nghe có khách liền chạy qua. Rồi ông đưa khách lên tầng hai của ngôi nhà xây khang trang thăm gian nhà thờ. Lý Sơn này hiếm có nhà thờ gia tộc nào được bài trí nghiêm trang, bài bản như vậy.

Khuôn viên thờ tự bằng gỗ chia làm 3 ngăn, nhìn sang hai bên tường nổi bật hai khung gỗ lớn lồng kính bên trong hai văn bản chữ lớn trên giấy dó nền hồng. Đó chính là sao, bản phiên âm cùng bản dịch tờ lệnh của nhà vua điều binh ra bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa vào năm Minh Mạng thứ 15 (Giáp Ngọ 1834), được giao cho tổ tiên họ Đặng là đà công Đặng Văn Siểm. Bên dưới và xung quanh hai bên là bằng khen của Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao tặng cho gia tộc họ Đặng đã có công hiến tặng Nhà nước tài liệu quý có giá trị lịch sử-văn hóa liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng nhiều bằng khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở ban ngành, Hội đồng tộc Đặng Việt Nam,…

Ly kỳ chuyện giữ độc bản lệnh Hoàng Sa ảnh 1

TS Nguyễn Đăng Vũ tiếp nhận tờ lệnh Hoàng Sa từ gia tộc Đặng Lý Sơn, ngày 9/4/2009. Ảnh TL của TS Vũ

Đọc bản dịch của hai nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện và Nguyễn Đức Toàn, thì biết đây là sắc chỉ của vua Minh Mạng ngày 15 tháng 4 năm 1834, lệnh cho phái một đội gồm 3 thuyền tốt với 24 lính thủy thiện nghệ cùng vật dụng tu bổ vững chắc đến hạ tuần tháng Ba thuận theo thời tiết mà ra “xứ Hoàng Sa” làm nhiệm vụ canh giữ. Sắc chỉ ghi rõ giao ông Võ Văn Hùng (tộc Võ ở An Vĩnh, Lý Sơn, là người từng được cử đi Hoàng Sa những chuyến trước) đứng ra chỉ huy và tuyển chọn thủy ngư giỏi, và giao đích danh ông Đặng Văn Siểm làm nhiệm vụ đà công, tức là lái thuyền. Trong danh sách 11 người được giao nhiệm vụ trong tờ lệnh, thì có 7 người của Lý Sơn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, người trực tiếp được dòng họ Đặng tin tưởng giao bản gốc tờ lệnh quý này vào năm 2009, thì đây chính là sắc chỉ duy nhất còn nguyên vẹn bản gốc liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Là bằng chứng xác thực đặc biệt khẳng định từ thời Nguyễn chúng ta đã cai quản, khai thác và bảo vệ Hoàng Sa.

Ly kỳ chuyện giữ độc bản lệnh Hoàng Sa ảnh 2

Tờ lệnh Hoàng Sa được bàn giao và bảo vệ nghiêm ngặt trước khi rời Lý Sơn. Ảnh TL của TS Nguyễn Đăng Vũ

Ly kỳ chuyện giữ độc bản lệnh Hoàng Sa ảnh 3

Ông Đặng Thanh Hải và tác giả nơi nhà thờ họ Đặng. Ảnh: Trần Tuấn

Ly kỳ gần 200 năm bảo vệ di sản chủ quyền

Chuyện rằng, năm 1979, có một cán bộ hưu trí ở Lý Sơn đưa hai người không rõ lai lịch về đảo giới thiệu là “cán bộ Trung ương về nghiên cứu lịch sử”. Những người này yêu cầu các dòng tộc Võ, Dương, Phạm, Nguyễn, Trần có lưu giữ các văn bản pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa đầu thế kỷ XVII “giao nộp bản chính để đưa về Trung ương nghiên cứu khi nào xong trả lại”. Tin lời, các dòng họ đem giao các tờ giấy còn giữ được, nhưng mãi sau này không thấy ai đem trả.

Chỉ có hai họ tộc Đặng Văn Siểm và Phạm Hữu Nhật là cố tình không giao nộp. Tiếp đến năm 1983, lại có hai người từ ngoài Bắc vào Lý Sơn đến nhà thờ tộc Đặng ở thôn Đồng Hộ tìm cách đánh cắp tráp đựng tài liệu, gia phả, nhưng lúc bấy giờ ông Đặng Văn Thanh, cháu nội cụ Đặng Văn Siểm cùng dòng họ do cảnh giác từ trước nên đã chủ động cất giấu trên trần nhà, mấy người này không tìm thấy đành bỏ đi.

Năm 2003, anh Đặng Tấn Thành, con trai ông Đặng Văn Thanh mang tài liệu trên đến nhờ ông Huỳnh Giáo, một bậc túc nho trên đảo để nhờ dịch ra tiếng Việt. Và biết đó là tài liệu quý hiếm dòng họ mình còn lưu giữ, là bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Thời điểm này, tiếp tục có hai người lạ mặt từ xa đến nhà ông Đặng Lên (em trai ông Đặng Văn Thanh) lùng sục tài liệu trên, nhưng không được. Từ đó công an huyện bắt đầu cử người túc trực quanh nơi này.

Những năm sau đó nổi lên tình hình Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông. Đầu tháng 4/2009, chuẩn bị lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Lý Sơn. Nhớ lại văn bản “gia bảo” vô giá về chủ quyền Hoàng Sa mà gia tộc đã thay nhau gìn giữ từ 6 đời nay, anh Đặng Tấn Thành tìm gặp Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, lúc đó là Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, người nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực này...

Hỏi về lai lịch cái tên Đồng Hộ đã có từ rất xưa này, ông Tám bảo cũng chưa rõ nguồn gốc. Sau ngày thống nhất, nơi đây từng đổi tên là thôn Bắc (An Hải), nhưng sau lấy lại tên cũ. Ông Tám ước đoán có lẽ do có cái giếng Hộ (tương truyền do vua Gia Long sai đào khi ra Lý Sơn) và tọa lạc ngay cánh đồng nên ông bà xưa gọi là Đồng Hộ. “Nhưng tui thì cho rằng Đồng Hộ chính là ủng hộ. Từ tổ tiên tới con cháu nơi này luôn đồng sức đồng lòng với đất nước”, ông Tám cười.

Tiến sĩ Vũ giờ đây sau hơn 10 năm khi nhớ lại vẫn không nén được cảm xúc. Đó là khi được gia tộc họ Đặng mở cho xem cái tráp cổ, đọc những dòng đầu tiên ông đã ứa nước mắt. Ông lập tức lên tàu ra đảo, và rồi tin vui về văn bản quý lan rộng cả nước. Một kế hoạch đặc biệt được chuẩn bị cho lễ đón tờ lệnh Hoàng Sa độc bản này từ Lý Sơn về đất liền an toàn. Lễ cúng trang trọng diễn ra tại nhà thờ tộc Đặng với đông đủ con cháu, cùng kính cáo tổ tiên rằng đã làm tròn phận sự với đất nước. Tờ lệnh quý sau đó được niêm phong đặt trong một chiếc cặp kim loại chống nước, chống cháy, và được…khóa dính vào tay một chiến sĩ cảnh sát cơ động, xung quanh là lực lượng bảo vệ áp tải nghiêm ngặt. Tài liệu ngay sau đó được chuyển ra cho Bộ Ngoại giao quản lý…

Chỉ lên tấm bằng tôn vinh lồng khung kính trên tường, ông Tám cho biết, nhà thờ họ Đặng nằm trên đất hương hỏa ông bà từ nhiều năm nay đã là Di tích lịch sử văn hóa của dòng họ Đặng Việt Nam. Giỗ Cụ Đặng Văn Siểm nhằm ngày 9/9 âm lịch hàng năm, bà con đồng tộc từ nhiều miền đất nước thường về đây hương khói…

MỚI - NÓNG
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
Những vị trí xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam
TPO - Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư để xây dựng 8 trạm dừng nghỉ đầu tiên trên cao tốc Bắc - Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam (CTVN) vừa cho biết, các nhà thầu đang khẩn trương thống nhất vị trí, diện tích cụ thể để xây dựng và xong cơ bản các trạm này, phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán.