TPHCM: Vì sao Trương Huệ Vân được Viện Kiểm sát đề nghị giảm nhẹ?
Trương Huệ Vân (36 tuổi, Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) sẽ bị TAND TPHCM đưa ra xét xử cùng bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 84 bị cáo khác vào ngày 5/3. Huệ Vân bị cáo buộc giúp sức tích cực cho bà Lan chiếm đoạt tiền của SCB, gây thiệt hại gần 1.100 tỷ đồng.
Bà Trương Mỹ Lan (trái) và cháu ruột Trương Huệ Vân. Ảnh: Bộ Công an |
Viện Kiểm sát xác định, Trương Huệ Vân đã thành khẩn khai báo, là cháu ruột đồng thời được bà Trương Mỹ Lan nhận làm con nên "răm rắp làm theo chỉ đạo mà không thắc mắc gì". Đồng thời, Vân đã nhận thức rõ hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án; tự nguyện tác động gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả...nên được đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ khi lượng hình.
TPHCM: Nữ đại gia bị cha con ông Trần Quí Thanh chiếm đoạt hơn 880 tỷ
Viện KSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng, truy tố bị can Trần Quí Thanh (71 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Tân Hiệp Phát) và 2 con gái của ông là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Trong 4 bị hại, nữ đại gia Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch Công ty Kim Oanh) bị chiếm đoạt tài sản lớn nhất, với giá trị lên đến hơn 880 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, khi đang tìm kiếm nguồn tiền để vay đầu tư dự án, thông qua người móc nối, tháng 11/2019, bà Oanh được ông Thanh đồng ý gặp tại trụ sở Tân Hiệp Phát. Lúc này, ông Thanh ra điều kiện phải sang nhượng toàn bộ 2 dự án mới cho vay. Do không tìm được nguồn tài chính khác nên bà Oanh đồng ý vay của ông Thanh 500 tỷ đồng.
Ngay sau khi giải ngân, ông Thanh yêu cầu bà Oanh phải thanh toán ngay tiền lãi 3 tháng đầu là 31,5 tỷ đồng và không có biên lai, giấy tờ. Đến ngày 12/5/2020, đến hạn trả lãi lần 3. Do sơ suất, bà Oanh chậm trả một ngày nên ông Thanh từ chối nhận tiền.
Cũng chính vì "sơ suất" trên, ông Thanh cho rằng bà Oanh đã vi phạm thời hạn nộp tiền lãi, vi phạm cam kết nên "không mua lại được dự án". Khi đó, ông Thanh "phạt" bà Oanh 35 tỷ đồng, nếu không nộp thì mất quyền mua lại dự án. Tháng 8/2020, bà Oanh đã chuẩn bị đủ 500 tỷ đồng và đề nghị ký hợp đồng chuyển nhượng lại dự án. Tuy nhiên, phía ông Thanh nại ra các lý do vi phạm các điều khoản hợp đồng nên mất quyền mua lại, chuộc lại.
Theo kết luận định giá tài sản, thời điểm 17/8/2020, dự án Minh Thành có giá trị 843 tỷ đồng. Sau khi cấn trừ các khoản, ông Thanh và các ái nữ bị cáo buộc chiếm đoạt số tiền 428 tỷ đồng.
Tương tự, đối với dự án Nhơn Thành, phía cha con ông Trần Quí Thanh cũng yêu cầu phía Kim Oanh ký các cam kết bán lại nhằm che đậy việc trả lãi, ấn định thời gian trả nợ... Theo kết luận định giá, dự án Nhơn Thành tại thời điểm ngày 26/8/2020 có giá trị hơn 603 tỷ đồng. Sau khi trừ đi khoản vay, giá trị chiếm đoạt được xác định là 453 tỷ đồng.
Cuối năm 2023, ông Thanh cùng hai ái nữ đã nộp 183 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Đồng Nai: Cụ bà hơn 'Người cao tuổi nhất thế giới' 2 tuổi
Theo giấy tờ tùy thân, thiệp mừng thọ của Chủ tịch nước và chính quyền địa phương thì cụ bà Trịnh Thị Khơng (sinh năm 1905, ngụ tại xã Bình Lộc, TP Long Khánh, Đồng Nai) năm nay đã 119 tuổi.
Cụ Trịnh Thị Khơng |
Với số tuổi này, cụ Khơng đang là người cao tuổi nhất Việt Nam và cao tuổi hơn cụ bà người Pháp đang được Kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận cao tuổi nhất thế giới (sinh năm 1907) 2 tuổi.
Bình Dương: Cây trôm 150 tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
Cây trôm 150 tuổi trong khuôn viên trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cây trôm 150 tuổi ở Bình Dương được công nhận là Cây Di sản Việt Nam |
Việc xác định độ tuổi của cây chủ yếu theo truyền miệng của người dân và qua lời kể của các bậc cao niên, nhà giáo lão thành trong trường. Cây có chu vi thân chính 3,2m; chu vi gốc cây 5,2m; chiều cao khoảng 25m; đường kính tán khoảng 25m. Thân cây có bề mặt gồ ghề, xù xì, được bao bọc xung quanh bởi rất nhiều loại cây sống tầm gửi. Cây có nhiều nhánh rất to.
Bình Thuận: Giang hồ Thảo 'lụi' được giảm án
Ngày 28/2, TAND tỉnh Bình Thuận đã mở phiên toà xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Văn Thảo (còn gọi Thảo lụi, 61 tuổi, ngụ phường Bình Hưng, TP Phan Thiết, Bình Thuận), Lê Minh Khôi (42 tuổi, ngụ phường Đức Long, TP Phan Thiết và Phan Anh Kim (còn gọi Hưng Chùa, 51 tuổi, ngụ phường Xuân An, TP Phan Thiết) về tội “Huỷ hoại tài sản”.
Các bị cáo tại phiên tòa |
Sau khi xem xét các tình tiết liên quan, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, tuyên bị cáo Nguyễn Văn Thảo 1 năm 3 tháng tù (giảm 3 tháng); tuyên bị cáo Lê Minh Khôi mức án 9 tháng tù (giảm 1 tháng) và Phan Anh Kim 9 tháng tù (giảm 3 tháng).
Theo cáo trạng, khoảng 15h ngày 3/10/2019, nghe tin anh Mã Tấn Phương thuê người xây tường rào trên khu đất thuộc khu phố 5 (phường Phú Hài, TP.Phan Thiết), Thảo gọi Phương, Kim, Danh, Khôi đi ra khu đất nơi nhóm thợ đang xây để đập phá tường rào. Tại đây, Thảo lớn tiếng yêu cầu đập phá bức tường, còn đồng phạm đã dùng tay, chân xô đạp, dùng gạch táp lô đập phá làm bức tường dài 38m bị sập đổ hoàn toàn.
Bình Thuận: Hàng chục cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn
Tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 2, Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm - Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết đến nay có trên 30 trường hợp cán bộ, công chức, công an, quân đội vi phạm nồng độ cồn.
Tất cả trường hợp này đều được Công an tỉnh Bình Thuận gửi thông báo về nơi công tác, kể cả các cán bộ đã nghỉ hưu vẫn được thông báo về nơi cư trú và nơi sinh hoạt Đảng để làm kiểm điểm. Kết quả kiểm điểm được gửi báo cáo ngược về cho Công an tỉnh Bình Thuận để cập nhật, báo cáo Bộ Công an
Bình Phước: Xử lý, khắc phục tình trạng nước sinh hoạt liên tục 'đổi màu'
Trong khoảng 1 tháng qua, liên tiếp xảy ra các sự cố liên quan đến hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Đồng Xoài khiến nguồn nước sạch sinh hoạt của người dân bị 'đổi màu,' đóng cặn.
Ngày 29/2, ông Ngô Hồng Khang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đồng Xoài đã chỉ đạo Phòng Quản lý Đô thị thành phố, Công ty Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bình Phước và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, khắc phục xử lý sự cố nước máy sinh hoạt có cặn đen, bị bẩn đục gây bức xúc dư luận.
Trước đó, từ ngày 17-1, tại thành phố Đồng Xoài đã liên tiếp xảy ra các sự cố về chất lượng dịch vụ cung cấp nước sạch. Chủ yếu là tình trạng nước đục có cặn đen. Trong đó sự cố xảy ra từ tối ngày 9-2 đến ngày 15-2, tức từ ngày 30 đến ngày 7 tết Nguyên đán Giáp Thìn, đã ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân tại một số khu vực dân cư thuộc địa bàn phường Tân Phú, Tân Xuân, Tân Thiện.
Lý do Bà Rịa - Vũng Tàu dừng chợ quê An Nhứt
Ngày 28/2, UBND huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động khu ẩm thực chợ quê An Nhứt ở xã An Nhứt kể từ ngày 1/3 vì chưa đảm bảo an toàn.
Theo UBND huyện Long Điền, dù khu ẩm thực đã góp phần tạo sinh kế cho người có hoàn cảnh khó khăn, mang lại dịch vụ cho phát triển du lịch cộng đồng khu vực nông thôn, nhưng đã có các vấn đề cần giải quyết khi hoạt động thực tế.
|
Cụ thể, khu ẩm thực chợ quê An Nhứt chưa có các giải pháp cụ thể về bãi đậu xe, dẫn đến nhiều ô tô đậu ép sát vào lề đường quốc lộ 55, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đồng thời, khu ẩm thực không có vật che chắn với kênh thủy lợi để đảm bảo an toàn cho người dân, thực khách và nhất là trẻ em. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cho khu vực và kênh mương thủy lợi chưa cụ thể.
Khu ẩm thực chợ quê An Nhứt hoạt động phiên đầu tiên vào tháng 1/2024 với 22 hộ dân tham gia, bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Họ là hộ nghèo, công nhân vừa bị mất việc làm. Người trông giữ xe miễn phí cũng là hộ vừa thoát nghèo.