Lý do Trung Quốc không chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân

Người dân Triều Tiên theo dõi tin tức về vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của nước họ hôm 3/9. Ảnh: Yonhap.
Người dân Triều Tiên theo dõi tin tức về vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của nước họ hôm 3/9. Ảnh: Yonhap.
TP - Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải vừa khẳng định Bắc Kinh sẽ không chấp nhận Triều Tiên trở thành nước có vũ khí hạt nhân. Giới phân tích chỉ ra ít nhất 3 lý do đằng sau quan điểm này.

Phát biểu của ông Thôi được đưa ra cuối tuần trước, trong bối cảnh nhiều chuyên gia và nhà quan sát đề xuất các cường quốc trên thế giới nên chấp nhận thực tế Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và nên điều chỉnh chính sách theo hướng bảo đảm Bình Nhưỡng sẽ không sử dụng chúng.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc cực kỳ lo ngại các nước láng giềng của họ có được kho vũ khí hạt nhân đáng tin cậy vì điều đó cũng đe dọa an ninh của Trung Quốc. Ở Bắc Kinh cũng có lo ngại rằng một cuộc chạy đua vũ trang khu vực sẽ diễn ra khi Hàn Quốc và Nhật Bản cảm thấy bản thân họ cần phải sở hữu vũ khí hạt nhân trước mối đe dọa từ Triều Tiên.

Chính sách của Hàn Quốc là tiến tới một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, sau khi họ đã từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân vào những năm 1970. Nhưng các chuyên gia vẫn tin rằng Seoul vẫn có năng lực kỹ thuật và thiết bị để làm ra loại vũ khí này.

Hàn Quốc khẳng định chính sách của họ vẫn không thay đổi. Nhưng ông Deng Yuwen, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Charhar, một cơ quan tư vấn chính sách cho chính phủ Trung Quốc, viết trong một bài bình luận rằng Seoul và Washington đang thảo luận việc đưa vũ khí gắn đầu đạn hạt nhân của Mỹ trở lại Hàn Quốc. “Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào mà phải chấp nhận việc Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân”, ông Deng viết.

Trung Quốc là một nước ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân bị nhân rộng. Nhật Bản, Mỹ và 185 quốc gia thành viên khác của Liên Hợp quốc cũng ký kết.

Nếu Trung Quốc chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân sẽ gây ngạc nhiên cho những cường quốc hạt nhân mới nổi khác như Ấn Độ và Pakistan, khi hai nước này không được chấp nhận theo quy chế không phổ biến vũ khí hạt nhân.

“Nếu những cường quốc hạt nhân mới nổi khác như Ấn Độ, Pakistan và Israel chưa được chấp nhận là nhà nước hạt nhân theo quy chế không phổ biến vũ khí thì tại sao Triều Tiên là trường hợp ngoại lệ?”, ông Yue Gang, một đại tá nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc, chất vấn.

Ông Deng nói rằng chính quyền Triều Tiên khó đoán và táo bạo, và Bắc Kinh sợ các chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể làm rò rỉ phóng xạ sang nước họ. Trong tình huống xấu nhất, Triều Tiên có thể dùng vũ khí hạt nhân chống lại Trung Quốc, ông Deng nói.

“Tôi nghĩ Mỹ cần nhắc nhở Trung Quốc rằng tên lửa Triều Tiên có thể bay theo mọi hướng”, ông Robert Manning, chuyên gia về an ninh quốc tế tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn chính sách tại Mỹ, đánh giá.

Tại cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) tại New York, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 18/9 nói rằng vòng luẩn quẩn trên bán đảo Triều Tiên đang quẩn hơn và việc khôi phục đối thoại hòa bình là điều quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Mỹ hé lộ lựa chọn quân sự an toàn cho Hàn Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 18/9 tiết lộ rằng Mỹ có lựa chọn quân sự đối với Triều Tiên mà không khiến Seoul bị tấn công trả đũa bi thảm. Nhưng ông Mattis từ chối tiết lộ những lựa chọn ấy là gì và có liên quan đến việc sử dụng biện pháp tấn công chết người hay không, Reuters đưa tin.

Trước đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói rằng Hội đồng Bảo an LHQ đã hết lựa chọn có thể kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên, và rằng Mỹ có thể phải chuyển vấn đề này cho Lầu Năm Góc.

Bất kỳ cuộc xung đột nào trên bán đảo Triều Tiên đều dễ dàng dẫn đến cảnh đổ máu chưa từng xảy ra kể từ sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 (khiến hơn 50.000 người Mỹ và hàng triệu người Triều Tiên thiệt mạng, và cuối cùng kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn). Seoul nằm trong tầm bắn của pháo Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng được cho là không chỉ sở hữu các loại vũ khí hạt nhân và vũ khí truyền thống mà còn có kho vũ khí sinh học và hóa học đáng kể.

Khi được hỏi liệu có giải pháp quân sự nào Mỹ có thể sử dụng với Triều Tiên mà không khiến Seoul gặp nguy hiểm, ông Mattis nói: “Có. Nhưng tôi sẽ không nói chi tiết”.

Những giải pháp quân sự mà ông Trump có thể sử dụng hiện nay mà không gây chết người có thể là vây hãm trên biển nhằm thực thi các biện pháp trừng phạt, tấn công mạng hoặc đưa vũ khí mới đến Hàn Quốc, nơi Mỹ đang có 28.500 quân đồn trú.

Hàn Quốc cũng đã nêu khả năng đưa vũ khí hạt nhân quay lại nước này. Ông Mattis thừa nhận đã bàn vấn đề đó với người đồng cấp Hàn Quốc, nhưng từ chối cho biết liệu lựa chọn đó có phải đang được cân nhắc hay không.

Trong khi đó, quân đội Mỹ hôm 18/9 cho biết họ đang cùng Hàn Quốc thực hiện các cuộc diễn tập thả bom trên bán đảo. Việc triển khai máy bay ném bom B-1B và chiến đấu cơ F-35 trên bán đảo được coi là sự phô diễn sức mạnh nhằm răn đe Triều Tiên.

Dù lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ gia tăng khẩu chiến nhưng giới quan sát cho biết chưa thấy dấu hiệu Mỹ triển khai thiết bị quân sự để báo hiệu một cuộc xung đột quân sự sắp xảy ra.

Tây Ban Nha vừa tuyên bố Đại sứ Triều Tiên tại nước này có thời gian từ nay đến cuối tháng 9 để rời đi. Trước đó, ba nước khác là Mexico, Peru và Kuwait cũng thông báo đã yêu cầu các đại sứ Triều Tiên về nước, sau khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Bước đi này của các nước chắc chắn sẽ khiến Mỹ hài lòng vì Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị các nước giảm mức độ quan hệ với Triều Tiên để gia tăng cô lập nước này.

MỚI - NÓNG