Đó là thông tin được Bộ Tài chính cho biết tại hội nghị với bộ, ngành, địa phương sơ kết tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài (vốn ODA) 6 tháng đầu năm.
Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - cho biết, tổng dự toán vốn ODA được giao cho bộ, ngành gần 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ước tính 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này chỉ đạt 27,2%, tương đương 3.225 tỷ đồng. Còn tới 6 bộ ngành chưa giải ngân được bất cứ đồng vốn nào.
Là một trong 3 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn ODA cao nhất, Bộ Giao thông vận tải cho biết, năm nay được giao 4.958 tỷ đồng vốn dự án ODA. Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải giải ngân 40,7%. Đã có 14/19 dự án ODA đã giải ngân vốn.
Đối với địa phương, 50 tủng thành trên cả nước được giao hơn 34.000 tỷ đồng vốn ODA. Trong nửa đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của địa phương trên cả nước khoảng 6,32%. Tuy nhiên, chỉ có 8 địa phương giải ngân trên 15%, còn tới 13 địa phương chưa giải ngân được đồng nào.
Bộ Tài chính tổ chức hội nghị với bộ, ngành, địa phương sơ kết tình hình giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm. |
Theo các bộ ngành, địa phương, nguyên nhân của việc giải ngân vốn ODA thấp là do chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan, hồ sơ xin ý kiến chưa đầy đủ...
Nêu đề xuất tại hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cơ quan chức năng điều chỉnh quy định về thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; thẩm định thiết kế - dự toán triển khai sau thiết kế cơ sở theo hướng phân cấp, phân quyền cho người quyết định đầu tư chịu trách nhiệm hoặc phân cấp cho địa phương nhằm rút ngắn thời gian.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhấn mạnh đến sự tăng của giá vật liệu đã tác động đến dự toán xây dựng.
Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
“Cơ quan chủ quản cần rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis (Hệ thống Thông tin Quản lý ngân sách và kho bạc) để các dự án có cơ sở giải ngân”, Bộ Tài chính cho biết.