Lý do Nga triển khai thêm 4 ‘rồng lửa’ S-400 đến Syria

Máy bay Nga đưa "rồng lửa" S-400 đến Căn cứ Không quân Khmeimim ở Syria. Ảnh cắt từ video
Máy bay Nga đưa "rồng lửa" S-400 đến Căn cứ Không quân Khmeimim ở Syria. Ảnh cắt từ video
TPO - Theo các video do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp, quân đội nước này vừa triển khai thêm các hệ thống tên lửa phòng thủ S-400, được mệnh danh là “rồng lửa” đến các cơ sở quân sự ở Syria.

RT trích dẫn video của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy có tổng cộng 4 hệ thống tên lửa phòng không S-400 được triển khai đến Syria. Cụ thể, hai chiếc được đưa bằng máy bay đến Căn cứ Không quân Khmeimim thuộc tình Latakia, còn hai chiếc còn lại được chuyển đến cơ sở hàng hải của Nga tại Tartus.

 Nga triển khai 2 "rồng lửa" S-400 đến Căn cứ Không quân Khmeimim. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga

S-400 là hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất đang được Nga sử dụng. Nó có thể đánh chặn tất cả các vật thể bay trong phạm vi trên 400 km, bao gồm máy bay, tên lửa đạn đạo… Theo nhà sản xuất Almaz Antey, một "rồng lửa” S-400 có thể tấn công 36 mục tiêu cùng một lúc.

Năm 2015, Nga đã triển khai hệ thống này tới Khmeimim để đảm bảo an toàn cho máy bay của họ trong quá trình hoạt động chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Việc triển khai này diễn ra sau khi một máy bay ném bom S-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.

 Nga triển khai 2 "rồng lửa" S-400 đến cơ sở hàng hải tại Tartus. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga

Hệ thống S-400, cùng một số thiết bị phòng không khác, vẫn ở lại căn cứ ở Syria sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh rút bớt binh lính vào cuối tháng 12/2017. Moscow giải thích, các hệ thống này có vai trò bảo vệ cho các máy bay chiến đấu và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga còn lưu lại các căn cứ.

Giới quan sát đánh giá, việc Nga điều thêm các “rồng lửa” S-400 đến Syria nhằm củng cố khả năng phòng thủ của các cơ sở quân sự Nga tại đất nước Trung Đông này. Nhất là trong bối cảnh, Khmeimim bị tấn công hai lần trong chưa đầy hai tuần vào hồi cuối năm 2017, đầu năm 2018; và cơ sở hàng hải tại Tartus cũng trở thành mục tiêu của phiến quân vào hôm 6/1.

Bên cạnh đó, Nga cũng muốn S-400 có thể góp phần củng cố sức mạnh quân sự của mình tại Syria, trong bối cảnh Mỹ duy trì sự hiện diện tại đây dù đã hoàn thành sứ mệnh đẩy lùi IS, cũng như xung đột Thổ Nhĩ Kỳ-Kurd đang leo thang tại biên giới phía bắc Syria.

Theo Theo RT
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.