Lý do khiến doanh nghiệp Việt không dễ chen vào chuỗi cung ứng của 'ông lớn' công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) trong những năm qua, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục chuyển một số khâu sản xuất vào Việt Nam nhưng các doanh nghiệp trong nước không dễ chen chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn này.

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề hội thảo Kết nối công nghiệp 4.0 do Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) tổ chức ngày 10/5, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cho rằng, dù có nhiều chính sách ưu đãi được đươc ra nhưng nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự vào được sâu chuỗi cung ứng của nhiều “ông lớn” công nghệ hàng đầu như Apple, Intel, Samsung…

Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, trong những năm qua, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục chuyển một số khâu sản xuất vào Việt Nam. Điển hình như Apple có nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, đã đặt hàng sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn như máy tính bảng, máy tính để bàn… thay vì chỉ sản xuất tai nghe như trước đây. Hoặc trong lĩnh vực sản xuất chip, một số ông lớn sản xuất chip trong chuỗi cung ứng của Apple cũng đang xem xét đặt nhà máy tại Việt Nam. Đây là cơ hội được đánh giá là rất lớn cho các doanh nghiệp ngành điện tử Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế trong hơn 10 năm trở lại đây cho thấy, sự tham gia của doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng còn rất hạn chế.

Nguyên nhân một phần là do các tập đoàn công nghệ toàn cầu dù có chuyển dịch sản xuất sang các nước nhưng họ đã kéo theo một loạt chuỗi cung ứng đi theo. Cùng với đó, với các doanh nghiệp trong nước, cũng như để trở thành mắt xích trong chuỗi thì doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua các quy trình đánh giá năng lực khắt khe về chất lượng sản phẩm và hoạt động nhà máy.

Tuy nhiên, dù cơ hội là có nhưng nắm bắt được hay không lại phụ thuộc vào năng lực của mỗi doanh nghiệp, chưa kể nhiều năm qua, Việt Nam đang yếu trong đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề cao làm việc trong ngành điện tử. Nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam vẫn kêu gặp khó khăn lớn trong tuyển dụng nhân sự lãnh đạo cũng như công nhân tay nghề có chất lượng cao. Những yếu tố trên đã khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cũng kém so với các doanh nghiệp nước ngoài.

“Đến giờ vẫn chưa nhìn thấy có nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng (các vendor) mới nào là doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple, mặc dù họ đã chuyển sản xuất sang Việt Nam, thực hiện lắp ráp iPad, laptop tại Việt Nam. Họ bê toàn bộ chuỗi cung ứng từ Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc sang, chứ không dùng doanh nghiệp Việt. Khi đánh giá năng lực doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, họ đưa ra tiêu chuẩn rất cao, doanh nghiệp Việt khó đạt. Họ chuyển sản xuất sang Việt Nam, sử dụng những tài nguyên không tái tạo được như điện, nước, đất đai của mình, nhưng lại bê chuỗi cung ứng từ nước khác về, doanh nghiệp Việt không có lợi gì, thậm chí còn tổn thất khi bị họ “nẫng” mất lực lượng lao động đã qua đào tạo. Việc lan tỏa đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không còn mấy ý nghĩa”, bà Hương phản ánh.

 Lý do khiến doanh nghiệp Việt không dễ chen vào chuỗi cung ứng của 'ông lớn' công nghệ ảnh 1

Công nhân đang hoàn thiện sản xuất thiết bị tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: Nguyễn Bằng

Một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp Việt khó đặt chân vào chuỗi cung ứng, theo đại diện VEIA, chính là việc những “ông lớn” công nghệ đầu chuỗi gặp khó khăn do thị trường toàn cầu suy giảm, không muốn tìm kiếm những nhà cung cấp mới là doanh nghiệp ở nước sở tại vì họ ngại điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. Trong khi họ vẫn được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khi hoạt động sản xuất, kinh doanh tại thị trường Việt. Chẳng hạn, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 10 năm đầu và giảm 50% trong 10 năm tiếp theo.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp điện tử lớn của Việt Nam cho hay, tình trạng thua ngay trên sân nhà là thực tế đang diễn ra với không chỉ các doanh nghiệp ngành điện tử mà nhiều doanh nghiệp ngành nghề khác của Việt Nam.

Theo vị này, doanh nghiệp Việt đối mặt rất nhiều thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp công nghệ lớn. Theo đó, vấn đề đáp ứng về về công nghệ, nhân lực và quản trị sản xuất, đảm bảo tiến độ và chất lượng hàng giao; đồng thời tuân thủ các quy định của người mua hàng (các công ty đa quốc gia)… luôn là những thách thức lớn.

Cùng với đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội với doanh nghiệp cung ứng FDI cũng có nhiều bất cập. Các doanh nghiệp FDI hầu hết kê khai là doanh nghiệp chế xuất và được hưởng các quy định ưu đãi của doanh nghiệp thuế xuất. Chưa kể khi cung cấp hàng cho doanh nghiệp đầu chuỗi hoặc xuất khẩu không phải chịu thuế xuất nhập khẩu trong khi doanh nghiệp nội khi cung cấp hàng cho doanh nghiệp đầu chuỗi phải chịu thuế và phải kê khai, quyết toán với hải quan.

“Doanh nghiệp FDI trong chuỗi hầu như được doanh nghiệp đầu chuỗi kéo vào Việt Nam từ sớm, trong khi doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi muộn hơn, chịu nhiều áp lực và thiệt thòi về đơn hàng, có sự phân biệt đối xử. Doanh nghiệp nội chịu chi phí đầu tư công nghệ, thiết bị cao, lại phải tạm nộp thuế nhập khẩu và VAT, là 1 gánh nặng cho chi phí doanh nghiệp. Chưa kể việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính kém hơn so với doanh nghiệp FDI”, vị lãnh đạo doanh nghiệp cho hay.

Một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp Việt khó vào được chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ lớn, theo đại diện VEIA, sau dịch COVID-19, do thị trường quốc tế cũng suy giảm sức mua, nhiều doanh nghiệp Việt không “chen chân” được vào chuỗi cung ứng của “ông lớn” đành ngậm ngùi đóng cửa, không có dòng tiền để trả lương, trợ cấp cho người lao động, chi phí thuê nhà xưởng, bảo dưỡng máy móc thiết bị khi dừng sản xuất…. Không ít doanh nghiệp ngành điện tử đang dần đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước như giảm lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn chưa phát huy hiệu quả trong hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp.

“Nên chăng, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những yêu cầu ràng buộc cụ thể như khi vào Việt Nam đầu tư kinh doanh, các doanh nghiệp FDI phải phát triển chuỗi các doanh nghiệp cung ứng trong nước. Cụ thể, trong 1 - 2 năm phải phát triển được 30 hoặc 60 hay 100 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cho họ. Cùng đó, cần có các chính sách để giúp doanh nghiệp tái sản xuất, mở rộng thị trường và tiếp cận cơ hội kinh doanh quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, đại diện VEIA kiến nghị.

MỚI - NÓNG