Ngày 28/9, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng “Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, - công chức, viên chức (CB-CCVC) đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới”.
Hàng loạt kế sách đã được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị Đà Nẵng đưa ra để chấn chỉnh tình trạng CB-CCVC né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thi hành công vụ.
“Bắt mạch” nỗi sợ của cán bộ Đà Nẵng
Ông Võ Công Chánh - Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng - cho biết, tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận CB-CCVC với nhiều biểu hiện khác nhau. Qua thực tế, có thể chia thành các nhóm né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm; không muốn làm vì không có lợi ích riêng và sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Cán bộ công chức làm việc tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. |
Theo Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng, tình trạng này thể hiện ở việc CB-CCVC không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không xác định hoặc xác định không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Có tình trạng cấp trên đùn đẩy cho cấp dưới; không trả lời hoặc trả lời không rõ quan điểm, chậm trễ trong việc tiếp thu, trả lời các vấn đề thuộc thẩm quyền khi được hỏi hoặc xin ý kiến dẫn đến công việc bị chậm trễ, tồn đọng…
Bên cạnh đó là sự thờ ơ, vô cảm, bàng quan, vô trách nhiệm trước các hành vi sai trái trong cơ quan, đơn vị và xã hội. Không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời, không hết trách nhiệm đối với các vấn đề bức xúc của nhân dân.
Từ sự nhận diện nêu trên, ông Chánh cho biết: Trong xử lý các vụ án, vụ việc, một số CB-CCVC không nắm kỹ quy định của pháp luật, hoặc cố ý làm trái nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Có những vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm phải xử lý theo quy định nhưng không xử lý mà xin ý kiến các cơ quan khác.
Trong thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của kiểm toán Nhà nước, các bản án hiện nay, ông Chánh cho biết: Có một số CB-CCVC thực hiện chưa nghiêm túc, cho rằng đó là trách nhiệm của những người tiền nhiệm, không xác định trách nhiệm của người kế nhiệm để triển khai thực hiện mà kiến nghị mặc dù đã có được trả lời cụ thể. Bản án đã có hiệu lực pháp luật của hai cấp nhưng một số đơn vị không chấp hành và triển khai thực hiện; chậm trong việc đề xuất cấp trên khắc phục hoặc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Công tác “hậu kiểm” chưa được chú trọng, còn buông lỏng lãnh đạo, quản lý…
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng - phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Thành). |
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy - thông tin, việc đùn đẩy né tránh tồn tại trong từng cơ quan, đơn vị. Qua khảo sát tất cả các cơ quan đơn vị kể cả khối đảng, mặt trận, đoàn thể xã hội, khối chính quyền kể cả cấp thành phố cho đến quận huyện, xã phường đều có. Việc này cũng thể hiện rõ qua thông báo nhắc việc, thông báo trễ hạn, quá hạn, thể hiện trong đơn thư, tin nhắn, khiếu nại của người dân, của doanh nghiệp.
Theo ông Vĩnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết vẫn do thể chế, một số quy định của cấp có thẩm quyền nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, tính chưa đồng bộ, chưa liên thông trong một số quy định vẫn còn nhiều, thủ tục còn rườm rà… Cùng với đó là việc xác định khung năng lực, xây dựng vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức còn nhiều bất cập. Trong khi, công tác đánh giá cán bộ còn có mặt chưa phản ánh đúng thực chất. Tiêu chí đánh giá cán bộ chưa dựa trên sản phẩm công việc, chưa gắn với việc quy hoạch và bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, vẫn còn tình trạng đánh giá chung chung.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng |
Cần hành lang pháp lý để giải tỏa tâm lý
Từ thực trạng nêu trên, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Chánh đề xuất một số giải pháp chấn chính tình trạng CB-CCVC đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Trong đó, tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật để các địa phương, đơn vị, cá nhân khi căn cứ vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.
“Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định rõ chức trách, nhiệm vụ yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ cán bộ công chức tùy theo vị trí công tác và chức vụ đảm nhiệm. Đồng thời phải có chế tài cụ thể, rõ hơn để xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ có những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích của bản thân lên trên, lên trước lợi ích của tập thể, cộng đồng”, ông Chánh kiến nghị.
Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng cũng nhấn mạnh việc cần thiết cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nói về tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. (Video: Nguyễn Thành). |
“Từng ngành, từng địa phương xây dựng quy trình hóa, cá nhân hóa trách nhiệm từng công việc, từng lĩnh vực. Phải lấy hiệu quả thực sự làm cơ sở đánh giá cán bộ. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống chính trị, nhấn mạnh việc phân công, giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ thời hạn”, ông Chánh cho biết.
Cùng với đó, ông Chánh đề xuất xây dựng hành lang pháp lý để cán bộ, đảng viên có điều kiện phát huy dũng khí cùng nội lực nhằm giải tỏa tâm lý “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” trong thực thi nhiệm vụ. Xây dựng cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời đối với những tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức đạt thành tích cao hoặc có cách làm hay, sáng tạo, đổi mới trong công tác… Đồng thời, cung cấp đường dây nóng của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương để người dân, doanh nghiệp kịp thời phản ánh về những hành vi vi phạm trong công tác quản lý, thực thi công vụ của CB-CCVC.
Ông Lương Công Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP Đà Nẵng - cho hay, hiện nay qua giám sát, cũng như tham gia giải quyết những vụ việc liên quan đến các dự án, đất đai trên địa bàn thì nhận thấy những công chức tham mưu giải quyết công việc có biểu hiện sợ trách nhiệm, không dám tham mưu giải quyết những thủ tục tiếp theo. Bởi các dự án, đất đai này có những sai sót do lịch sử trước đây để lại. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc giải phóng nguồn lực về đất đai để phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Tuấn kiến nghị cơ quan chức năng của Trung ương cho phép Đà Nẵng thực hiện các thủ tục tiếp theo của dự án, đất đai mà trước đây có những sai sót này để giải phóng nguồn lực về đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án. Những cán bộ, công chức tham mưu giải quyết và quyết định sau này chỉ chịu trách nhiệm pháp lý về các quyết định của mình.
Cán bộ cần nâng cao danh dự và lòng tự trọng
Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - khẳng định: Việc kịp thời nhận diện và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm là vô cùng quan trọng và cấp thiết đối với Đà Nẵng hiện nay.
"Những ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được Thành ủy tổng hợp, ghi nhận. Ban Thường vụ Thành ủy đã thảo luận và thống nhất chủ trương sẽ ban hành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 29 trên quan điểm kế thừa những nội dung còn giá trị và bổ sung những nội dung, giải pháp phù hợp với tình hình, yêu cầu mới để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống chính trị", ông Quảng cho biết.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị. |
Bí thư Đà Nẵng cũng kêu gọi CB-CCVC, nhất là người đứng đầu nêu cao danh dự và lòng tự trọng trong thực thi công vụ. Cần thấy rõ trách nhiệm của mình với nhân dân và sự nghiệp phát triển của TP.
Theo ông Quảng, CB-CCVC thành phố cần quyết tâm vượt qua khó khăn để làm đúng, đủ trách nhiệm của mình. Đồng thời, phải mạnh dạn đề xuất và quyết định tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại của nhiều năm trước đây hoặc những vấn đề mới nhưng có những mâu thuẫn trong quy định pháp luật. Qua đó, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra với động cơ trong sáng, vì lợi ích chung của người dân và vì mục tiêu phát triển Đà Nẵng.