Ly cà phê trên rẫy

Nông dân tranh thủ uống cà phê lúc giải lao.
Nông dân tranh thủ uống cà phê lúc giải lao.
TP - Bây giờ đi dọc các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh xuyên Tây Nguyên, dễ dàng thấy cảnh từng tốp nông dân tranh thủ giờ nghỉ giải lao nhâm nhi ly cà phê thơm ngậy, thói quen mà nhiều năm trước ít nông dân nào có. 

Khuôn mặt rám nắng, quệt vội mồ hôi, cầm ly cà phê nhấm nháp, ông Nguyễn Thanh Phú (51 tuổi, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) cười tươi: “Nhâm nhi ly cà phê vào mỗi buổi sáng là thói quen từ lâu của nhiều người sống nơi phố thị. Nông dân như chúng tôi gần 20 năm lam lũ, chỉ biết trồng rồi bán cà phê để trang trải cuộc sống trong gia đình. Vài năm trở lại đây tôi mới quen uống cà phê. Bây giờ sáng nào đi làm cũng mang theo một ly, khi mệt nghỉ uống cho sảng khoái”.

Ông Nguyễn Văn Hoan (huyện Cư Mgar) cho biết: “Nông dân chúng tôi quanh năm chẳng có mấy ngày thực sự nghỉ ngơi, nên uống cà phê trước kia bị coi như thú vui xa xỉ, chỉ dành cho dân thành phố. Bây giờ cuộc sống khá hơn, chúng tôi mới bắt đầu biết hưởng thụ chút chút. Tôi thích cà phê đen pha phin nguyên chất nên tự tay chọn những quả chín mọng phơi khô, xát nhân, rang giòn, rồi xay thành bột để tết uống, hoặc gửi về quê  làm quà. Ngày thường chỉ uống cà phê hòa tan, khuấy vội cho nhanh”.

Ngồi cạnh ông Hoan, ông Nguyễn Văn Cường uống một hơi hết ly cà phê, vội vã: Đến tuổi chớm già, có thời gian nhàn rỗi anh em chúng tôi sẽ ngồi thưởng thức vị đắng của ly cà phê đen, không phải uống vội cà phê hòa tan như bây giờ.

Đồng bào Ê Đê có cách pha chế cà phê rất độc đáo. Mặc dù vùng đất Đắk Lắk chủ yếu trồng cà phê vối (robusta) nhưng các gia đình Ê Đê thường trồng thêm một ít cây cà phê chè (arabica) vì loại cà phê này rất thơm và ngon.

Chị H’Rung (xã Ea Tar, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) chia sẻ, khác với người Kinh, người Ê Đê trước khi nấu cơm sẽ pha cà phê cho cả gia đình thưởng thức, sau đó mới lên nương rẫy. Buổi sáng không uống thì cả ngày không tỉnh táo để làm việc.

Để có ly cà phê thơm ngon, phụ nữ Ê Đê lựa chọn những trái cà phê chín mọng tách vỏ, hong phơi trên gác bếp, sau đó lấy xuống xát sạch, rang chín cùng với mỡ gà, muối và chút rượu trắng trong hơn 20 phút. Các cô gái trẻ hơn trong gia đình thì gùi trái bầu khô đi lấy nước sạch ở bến nước gần buôn làng. Sau đó dùng chày và cối gỗ giã cà phê thành bột mịn, loại tạp chất trước khi bỏ vào nồi nấu bằng nước đang sôi. Lúc này hương vị cà phê lan tỏa khắp căn nhà dài Ê Đê truyền thống.

Chị H’ Phăm (Buôn Trinh, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) cho biết: “Cà phê của chúng tôi không pha thêm bất cứ chất gì, mỗi ly cà phê được chuyền tay nhiều người cùng uống chung mới vui, thể hiện sự gắn kết cộng đồng của người Êđê”.

Mùa hoa trắng muốt 

Nhiều người đã từng thấy mùa cà phê chín đỏ mọng, từng uống những ly cà phê đen đậm đà, từng ngỡ ngàng thấy cả thảm hoa cà phê nở trắng tinh khiết khoe sắc dịu dàng. Nhưng mùa hoa cà phê Tây Nguyên chỉ nở rộ khoảng 2-3 đợt vào cuối đông, đầu xuân khi cây được tưới đủ nước.

Hoa cà phê không nở từng bông hay từng cây riêng lẻ. Chỉ qua một đêm, rẫy cà phê đang một màu xanh ngắt đã biến thành những tấm thảm trắng bồng bềnh trải khắp các triền đồi, vườn, rẫy, tạo nên nét đẹp đặc trưng của vùng đất đỏ bazan. Sải bước giữa những hàng dài cà phê, không khí trong lành cộng với mùi hương thoang thoảng, thanh khiết, ngọt ngào khó tả mang lại cho ta cảm giác bình yên và khoan khoái. Mùi hương ấy quyến rũ bầy ong khắp nơi bay về vờn phấn, tạo ra những giọt mật thơm ngon, đặc sánh ngọt ngào là đặc sản nơi đây.

Giữa mênh mông của rừng cà phê nở đầy hoa trắng ta có thể bắt gặp những nụ cười hồn hậu, chân chất của những người nông dân làn da rám nắng len lỏi dưới gốc cà phê cắt cành, xới cỏ. Hoa cà phê mang niềm vui và hy vọng cho người trồng cà phê một năm được mùa. Hoa cũng tàn nhanh như khi bừng nở. Chỉ khoảng vài ngày, rừng hoa trắng chuyển thành những quả nhỏ màu xanh xinh xinh, bắt đầu một niên vụ mới.

Theo báo cáo của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, niên vụ 2014 - 2015 toàn tỉnh có 204 nghìn hécta cà phê, chiếm 70% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày và chiếm 33% tổng diện tích gieo trồng của tỉnh.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.