Lưu ý 'đặc biệt' với môn Toán trước ngày thi vào lớp 10 ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội đã sắp bắt đầu, cô Đồng Thị Yến- giáo viên trường THCS Minh Khai (Hà Nội), đã chỉ ra những nội dung cần ôn tập trong giai đoạn nước rút này và cách làm bài thi lớp 10 môn Toán để đạt điểm cao.

Chỉ còn 2 ngày nữa, hơn 80.000 học sinh trên toàn thành phố Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2023. Năm nay, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội gồm 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Tuyển vào các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 51.800 học sinh.

Cô Đồng Thị Yến, giáo viên môn Toán của trường THCS Minh Khai (Hà Nội) cho rằng, thời điểm này về mặt kiến thức học sinh đã được trang bị hết rồi, kết quả là phụ thuộc ở năng lực của các học sinh.

Giáo viên này cho rằng, với môn Toán, với câu hỏi tính giá trị của biểu thức, học sinh cần kiểm tra giá trị của biến có thỏa mãn điều kiện xác định hay không, rồi mới thay vào biểu thức, nên bấm máy tính để kiểm tra lại kết quả, tránh sai sót đáng tiếc cho ý dễ nhất trong bài thi.

Với câu hỏi rút gọn biểu thức, học sinh cần chú ý: Khi làm phép trừ với đa thức, nên để đa thức đó vào trong ngoặc rồi bỏ ngoặc theo quy tắc để tránh nhầm dấu; Không quên dấu gạch phân thức.

Ngoài ra, cần tránh lỗi viết sai tên biểu thức đã cho. Khi thấy kết quả rút gọn quá phức tạp, cần kiểm tra lại các bước rút gọn từ đầu xem có nhầm lẫn ở bước nào không.

Với câu hỏi phụ sau khi rút gọn biểu thức. Học sinh cần hiểu đúng yêu cầu của đề bài, từ đó mới xác định được cách làm, chẳng hạn: "dương" khác với "không âm", "Tìm x để biểu thức nhận giá trị nguyên" khác với "Tìm các số nguyên x để biểu thức nhận giá nguyên". Trong câu hỏi phụ này, nếu phát sinh biểu thức mới là căn thức hoặc biểu thức ở mẫu, học sinh phải đặt điều kiện cho biến. Khi tìm được giá trị của x, cần đối chiếu điều kiện để kết luận. Các em nên thử lại để kiểm tra một lần nữa.

Với dạng bài lập phương trình, hệ phương trình, để giải quyết dạng bài này, đầu tiên học sinh phải xác định nên lập phương trình hay hệ phương trình. Khi làm bài, học sinh lưu ý gọi ẩn chính xác. Chú ý ẩn cần có đơn vị, điều kiện. Nếu trong bài có đại lượng là hiệu thì điều kiện cho ẩn để hiệu dương. Sau khi biểu diễn các đại lượng chưa biết qua ẩn, để ra được phương trình hoặc hệ phương trình, học sinh phải có câu lập luận. Khi tìm được ẩn, các em không được quên bước đối chiếu với điều kiện và kết luận.

Dạng toán hình học thực tế, học sinh cần nắm vững công thức về hình trụ, hình nón, hình cầu; ôn lại công thức tính độ dài cung tròn, diện tích quạt tròn, tỉ số lượng giác của góc nhọn... để lấy điểm. Chú ý phân biệt hai dấu bằng và xấp xỉ, chỉ làm tròn kết quả khi đề bài yêu cầu.

Dạng bài về phương trình bậc hai chứa tham số, mối liên hệ giữa parabol và đường thẳng, đồ thị hàm số. Học sinh nắm cách vẽ đường thẳng, parabol, tính diện tích tam giác nhờ đồ thị; các bài toán cơ bản về mối quan hệ giữa hai đường thẳng, quan hệ giữa đường thẳng và parabol.

Ngoài ra, giáo viên này cũng lưu ý các em cũng cần chắc kiến thức về điều kiện có nghiệm của phương trình bậc hai, nghiệm đặc biệt, hai nghiệm trái dấu. Luôn nhớ: phương trình bậc hai phải có nghiệm mới có thể áp dụng Hệ thức Vi-ét. Với hệ thức liên hệ giữa hai nghiệm, cần chú ý điều kiện phát sinh nếu có mẫu số hoặc có căn thức, hoặc hai nghiệm là độ dài hình học...

Với dạng bài hình học tổng hợp vẽ hình: Học sinh nên vẽ nháp trước rồi mới vẽ vào bài, viết đầy đủ các điểm mà đề cho. Lưu ý, cần viết tên điểm sát với vị trí của điểm trên hình vẽ, tránh viết quá xa, khó theo dõi hoặc bị đường nối cắt qua. Nên chọn trang giấy vẽ hình sao cho không phải lật đi lật lại giấy nhiều lần khi làm bài, dễ nhầm lẫn. Bước vẽ hình rất quan trọng, bởi vẽ sai sẽ không được chấm điểm bài hình

Cô Yến cũng chỉ ra cách làm bài để đạt hiệu quả, tránh gây mất điểm là khi làm bài thi môn Toán, khi đọc đề học sinh nên gạch chân từ khóa (từ quan trọng) và không được viết sai đề.

Tuyệt đối học sinh tránh trình bày cẩu thả, làm tắt bước. Nên đọc qua toàn bộ đề, không đọc bỏ sót yêu cầu. Câu nào dễ làm trước, khó làm sau.

Mặt khác, cô Yến nhấn mạnh, học sinh cần phân bổ thời gian hợp lý. Khi đã làm đến mức điểm mà sức mình tối đa có thể đạt được cần tạm dừng bài, soát lại các bài đã làm, tránh làm sót ý mà khả năng có thể làm được.

Lưu ý 'đặc biệt' với môn Toán trước ngày thi vào lớp 10 ở Hà Nội ảnh 1

Lịch thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm 2024

MỚI - NÓNG