Nhiều người nói rằng thành tích không phải tất cả, và thắng thua là chuyện thường tình trong thể thao. Lưu Văn Hùng sẽ bác bỏ điều đó. Theo Trần Văn Sỹ, đồng đội cũ ở tuyển điền kinh Thanh Hóa, thì Lưu Văn Hùng luôn bước vào vạch xuất phát với quan niệm bất di bất dịch: “Hoặc chiến thắng, hoặc không gì cả”. Hoặc theo cách nói của chính anh: “Một là chơi, để thắng, hai là nghỉ”.
Lưu Văn Hùng trên đường chạy Tiền Phong Marathon 2022 tại Côn Đảo |
“Khi đã ở trên đường chạy, tất cả đều bị bỏ lại phía sau. Ưu tiên hàng đầu, và duy nhất, không gì khác ngoài danh dự bản thân và màu cờ sắc áo của đội tuyển”, VĐV điền kinh kỳ cựu Lưu Văn Hùng chia sẻ với báo Tiền Phong. Đây chính là cách để Lưu Văn Hùng trở thành nhà vô địch liên tiếp cự ly 10km của giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong.
Lưu Văn Hùng giành Cúp ở giải Marathon TP Hồ Chí Minh |
“Từ những năm đầu tôi tham dự, Tiền Phong Marathon đã là một giải đấu chuyên nghiệp và quy mô. Giờ thì Tiền Phong Marathon đã ở tầm cao mới, điều này thôi thúc tôi trở lại. Không phải để giành huy chương, mà để hòa vào bầu không khí sôi động và cổ vũ giải đấu ngày càng lớn mạnh”.
Lưu Văn Hùng
Không bao giờ hài lòng với bản thân, giành được tấm huy chương Vàng này Lưu Văn Hùng lập tức đặt mục tiêu đoạt tấm huy chương Vàng tiếp theo, và tiếp theo nữa. Ngay cả chấn thương nặng cũng không thể ngăn anh thống trị đường chạy. Năm 1997 khi đang ở đỉnh cao, bị rách gân Achilles cả hai gót chân và được cảnh báo về rủi ro khi phẫu thuật, Lưu Văn Hùng quyết định không mổ và chạy cùng cơn đau cho đến tận năm 2000.
“Năm 1997 ở giải vô địch quốc gia, ngay khi cán đích đầu tiên tôi cũng ngã quỵ”, Lưu Văn Hùng nhớ lại, “Mấy anh em trong đội phải dìu tôi lên phòng, sau đó mua cơm hộp mang lên vì tôi đau không thể đi lại được”. Ấy thế mà bằng nghị lực phi thường, tinh thần chiến đấu không mệt mỏi và khát khao chiến thắng thôi thúc, anh sớm trở lại đường đua và viết tiếp câu chuyện huyền thoại khởi phát từ năm 1990.
Hồi ấy Lưu Văn Hùng đang là sinh viên năm thứ ba trường Thể dục Thể thao tỉnh Thanh Hóa, đã bất ngờ được chọn dự thi giải Việt dã của báo Tiền Phong năm 1991. “Chỉ tập luyện 3 tháng trong điều kiện thiếu thốn, tôi coi việc tham gia là kỷ niệm đẹp trước khi tốt nghiệp, ai dè giành luôn huy chương Đồng”, anh kể. Thành tích này khiến Lưu Văn Hùng rẽ ngang, trở thành VĐV điền kinh chuyên nghiệp, từng đoạt huy chương Bạc giải Điền kinh quốc tế và dự Olympic 1992.
Tại Tiền Phong Marathon, Lưu Văn Hùng về nhì ở năm thứ hai tham dự, sau đó giành Vàng vào năm thứ ba. Kể từ đó anh không một lần ngoái lại phía sau. Cho đến khi giã từ sự nghiệp năm 2000, anh đã thiết lập cột mốc 8 năm liên tiếp giành huy chương Vàng ở Tiền Phong Marathon, một kỷ lục vẫn đang tồn tại đến tận bây giờ (VĐV Đỗ Quốc Luật mới cân bằng thành tích này vào năm ngoái).
Sau nhiều năm chuyển sang công tác huấn luyện, đào tạo nên những VĐV xuất sắc như Quách Công Lịch, Quách Thị Lan, Lê Trọng Hinh… Lưu Văn Hùng lại tái xuất ở Tiền Phong Marathon. Mặc dù đôi chân vẫn gây đau đớn, như anh chia sẻ, “mỗi khi nằm phải kê gối dưới gót chân mới ngủ được”, nhà vô địch năm xưa vẫn tham gia hệ phong trào cự ly 5km tại Côn Đảo 2022 và sắp tới ở Lai Châu.
“Giải Việt dã báo Tiền Phong không chỉ gắn với sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, mà còn là một phần quan trọng trong cả cuộc đời tôi’, Lưu Văn Hùng nói đầy tự hào, “Vì vậy tôi trở lại, một phần để sống lại những năm tuổi trẻ, phần để thắp lửa, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ”.