Phương án trên được 13/14 (chiếm 92,85%) thành viên Hội đồng thông qua. Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người lao động) đưa ra mức đề xuất tăng 11,1%, còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (đại diện giới chủ) đưa ra mức tăng 4-5%.
Chiều 2/8, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, kiêm Chủ tịch Hội đồng cho biết, năm nay kinh tế còn khó khăn, nên mức tăng lương 7,3% là chấp nhận được. Theo đó, mức này vừa đảm bảo cải thiện cuộc sống người lao động, vừa hỗ trợ doanh nghiệp (DN) giảm gánh nặng chi phí và tăng sức cạnh tranh.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết, phía Tổng Liên đoàn chưa hài lòng mức tăng trên nhưng cũng chia sẻ. Còn ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng nêu quan điểm: Để đáp ứng được mức tăng lương trên DN sẽ phải nỗ lực rất lớn. Tuy vậy, mức tăng lương này sẽ thúc ép DN thay đổi quản trị, công nghệ để tăng năng suất, cạnh tranh, tiết kiệm chi phí cho tăng lương.
Theo ông Huân, mức tăng lương trên mới đáp ứng 90% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, nhu cầu sống tối thiểu luôn thay đổi, và tăng lên cùng với kinh tế phát triển. Vì vậy, ông Huân cho biết, khi điều chỉnh Bộ luật Lao động vào năm 2017, các quy định về lương tối thiểu cũng sẽ nghiên cứu để thay đổi. Về phần DN, ông Huân tính toán, mức tăng lương mới sẽ khiến chi phí DN năm 2017 tăng 0,3-2,7%, tăng cao nhất là các DN dệt may, da giày, thủy sản…
Với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 bình quân 7,3%, lương tối thiểu vùng 1 năm tới sẽ tăng lên thành 3,75 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng/tháng so với năm 2016 ); vùng 2 là 3,32 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng); vùng 3 tăng 2,9 triệu đồng (tăng 200 nghìn đồng); vùng 4 là 2,58 triệu đồng (tăng 180 nghìn đồng). Phương án này sẽ được trình Thủ tướng xem xét ký ban hành. Nếu được thông qua, mức lương mới sẽ áp dụng từ 1/1/2017.