Cao hơn trượt giá 1,5%
Tại phiên họp thứ 3, mức đề xuất tăng LTT của Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) là 5%, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là 8%. Sau quá trình thương lượng, đại diện giới chủ và người sử dụng lao động đưa 2 phương án để tiến hành bỏ phiếu. Trong đó phương án tăng 6,5% của VCCI đạt 8/14 phiếu; phương án tăng 7% của Tổng liên đoàn Lao động đạt 6/14 phiếu.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch HĐTL Quốc gia, sau 3 phiên thảo luận, khoảng cách tăng lương đã thu hẹp dần. Mức tăng này đưa tiền lương từ vùng I đến vùng IV lần lượt là: 3,98 triệu; 3,53 triệu; 3,09 triệu và 2,76 triệu đồng. Dù đã chốt, nhưng đại diện người lao động và chủ doanh nghiệp đều chưa hài lòng với mức tăng trên. Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động cho biết muốn mức tăng thấp nhất cũng phải bằng năm ngoái là 7,3%. Theo ông Chính, khảo sát của Tổng liên đoàn tại 17 tỉnh, thành cho kết quả hơn 51% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; hơn 20% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không đủ sống và chỉ 16% người lao động có thể có tích lũy.
“Nếu mức tăng thấp như trên thì lộ trình lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu theo Điều 91 Bộ luật Lao động phải lùi lại sau năm 2018. Hơn nữa, mức tăng này chỉ nhích hơn mức trượt giá, mức sống tối thiểu của NLĐ vẫn chưa đảm bảo”, đại diện NLĐ cho biết.
Ông Hoàng Quang Phòng - Đại diện VCCI cho biết, mức tăng trên vẫn khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Trước kỳ họp, doanh nghiệp đều khuyến nghị không tăng lương tối thiểu năm nay. Suốt 10 năm, lương tối thiểu đã liên tục tăng, nếu cứ tiếp tục tăng thì doanh nghiệp khó xoay xở. “Trong 7 tháng qua, có trên 50.000 DN giải thể, trong khi số DN thành lập mới chỉ hơn 70.000 DN. Như vậy cứ 3 DN thành lập, 2 DN rời khỏi thị trường. Chúng tôi không muốn con số này tiếp tục tái diễn nên đề xuất chỉ tăng trên dưới 5%”, ông Phòng cho biết.
Ông Doãn Mậu Diệp cho biết, phương án tối thiểu được thống nhất của đại diện giới chủ, NLĐ và được vận hành theo thị trường. Ở Việt Nam, lương của NLĐ gồm LTT và các phụ cấp phúc lợi xã hội khác như chuyên cần, thưởng, nâng cao tay nghề. “Chỉ số giá tiêu dùng năm nay dự kiến tăng 5% nên mức tăng LTT vẫn có 1,5% tăng vượt lên so với trượt giá. Mức LTT cân đối để DN có thể phát triển, tích luỹ và phát triển, tạo việc làm cho NLĐ”, ông Diệp nói.
Lương tối thiểu “cõng” nhiều thứ phí cao
Đánh giá về việc tăng LTT, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty cổ phần may Hưng Yên cho rằng, đa số DN Việt Nam trả lương cho NLĐ vượt mức LTT. Năm 2016, Cty may Hưng Yên trả lương bình quân cho NLĐ gấp đôi lương tối thiểu, ở mức 7,8 triệu/người/tháng.
“Tăng LTT cần thiết nhưng mức đóng bảo hiểm xã hội quá cao khiến NLĐ không được hưởng nhiều từ mức tăng này. Thậm chí khi tăng LTT, lương thực hưởng của NLĐ bị giảm xuống vì DN trong nước đã trả hết khả năng tăng lương lại phải cõng thêm mức tăng của các loại phí. Lương thực hưởng của NLĐ sẽ bị bớt ra để chi trả các loại phí bảo hiểm xã hội, phí công đoàn”, ông Dương nói.
Theo các DN ngành dệt may, lương chiếm tới 70% doanh thu. Tăng LTT 6,5% sẽ khiến phí công đoàn tăng lên gần 2% doanh thu của DN. Điều này khiến lương DN chi trả cho NLĐ bị giảm xuống để bù các loại phí. “Cty tôi đã trả hết khả năng là 7 triệu/người/tháng. Nếu tăng LTT, thu nhập thực hưởng của NLĐ cũng không đủ 7 triệu đồng mà chỉ được khoảng 6,9 triệu đồng/người/tháng, do phải đóng thêm các loại phí”, chủ một DN ngành may mặc cho biết.
Nhiều DN đầu tư trực tiếp nước ngoài cho biết, LTT là căn cứ để họ trả lương cho NLĐ. Theo Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, LTT trong khu vực 1 của Việt Nam đang vượt quá các nước khu vực như Philippines. Những năm gần đây, Malaysia, Thái Lan đã hạn chế tăng lương tối thiểu nên chênh lệch so với Việt Nam đang được rút ngắn lại. Nếu bao gồm cả chi phí thuê lao động (chi phí bảo hiểm xã hội và phí công đoàn) vào LTT thì LTT của Việt Nam đã vượt Thái Lan.
“Tăng lương tối thiểu cần thiết nhưng mức đóng bảo hiểm xã hội quá cao khiến người lao động không được hưởng nhiều từ mức tăng này. Thậm chí khi tăng lương tối thiểu, lương thực hưởng của người lao động bị giảm xuống vì doanh nghiệp trong nước đã trả hết khả năng tăng lương, lại phải cõng thêm mức tăng của các loại phí”.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty cổ phần may Hưng Yên