> Lương doanh nghiệp: Nơi ngất ngưởng, chỗ khó sống
Mức lương tối thiểu của doanh nghiệp vừa được điều chỉnh từ ngày 1-10-2011 đã bị coi là lạc hậu. Ảnh: Phong Cầm. |
Méo mặt vì lương thấp
Ở Hà Nội, hai xã Kim Chung và Vân Nội (thuộc huyện Đông Anh) là nơi tập trung nhiều công nhân thuê trọ. Công nhân nơi đây chủ yếu làm việc cho các doanh nghiệp FDI đóng tại KCN Thăng Long. Nhiều công nhân khi được hỏi đều cho biết, dù mức lương cơ bản đã tăng lên 2 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không đủ sống.
Lương Thị Hồng (Tam Dương, Phú Thọ) làm việc tại Cty Panasonic với mức lương 4,3 triệu đồng/tháng (gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp). Hồng và bạn cùng phòng làm việc theo kíp, mỗi kíp từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Làm việc quần quật cả ngày nhưng mức lương hiện nay không đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày.
Theo Hồng, tính ra, tiền thuê phòng trọ mỗi tháng mất 1 triệu đồng, tiền ăn tằn tiện lắm cũng mất 1,5 triệu, rồi tiền xăng xe... thì khoản thu nhập từ lương hầu như không còn. “Với mức lương hiện nay chúng tôi chỉ đủ sống ở mức tối thiểu, hầu như không tiết kiệm được đồng nào để gửi về quê hỗ trợ gia đình. Sống bấp bênh, tuổi ngày một cao và không biết đến khi nào mới có cơ hội lấy chồng” - Hồng lo lắng.
Hà Thị Thương (Tam Nông, Phú Thọ) là công nhân của Cty Daiwa. Hiện, ngoài lương tối thiểu gần 2,5 triệu đồng/tháng, Cty trả thêm gần 500 nghìn tiền phụ cấp xăng xe, phụ cấp chuyên cần cho công nhân. Với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, Thương cũng như các bạn cùng phòng chỉ đủ trang trải hằng tháng.
“Dù lương thấp, không đủ sống nhưng tôi cũng phải bám trụ vì về quê không có việc làm. Lương thấp, nên có được cuộc sống ổn định, lấy được chồng đối với công nhân xóm trọ là một giấc mơ”, Thương nói.
Không chỉ có Hồng và Thương mà nhiều công nhân tại Hà Nội cho biết, đa số doanh nghiệp FDI đều trả lương cao hơn mức lương tối thiểu của nhà nước quy định. Mỗi lần nghe tăng lương lại lo lắng đến thót tim. “Thực tế, chúng tôi có được tăng lương đâu vì lương tối thiểu Cty đã trả cao hơn mức quy định mới nên thực tế tổng lương được lĩnh vẫn không tăng. Thế nhưng, nghe tin tăng lương, bà chủ nhà đã tăng giá phòng trọ, rồi tiền điện, nước... cứ thế tăng vù vù” - Nhóm công nhân làm việc cho Cty Panosonic cho biết.
Quy định lương tối thiểu quá lạc hậu
Ông Phạm Văn Thanh - Trưởng phòng Lao động chính sách tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, nếu so sánh với mức lương bình quân, hiện lương của doanh nghiệp FDI trả cho công nhân thấp hơn cả doanh nghiệp trong nước. Hiện lương bình quân năm 2011 của các doanh nghiệp trong nước là 4,65 triệu đồng/tháng, trong khi doanh nghiệp FDI là 4,03 triệu đồng/tháng.
Theo ông Thanh, mức lương báo cáo của doanh nghiệp FDI chưa chắc đã chính xác. Vì thực tế, khó kiểm tra lương trong các doanh nghiệp FDI. Nguyên nhân là do quy định mức lương tối thiểu hiện nay quá thấp, trong khi đó đa số doanh nghiệp FDI đều căn cứ vào mức lương tối thiểu để trả lương cho công nhân.
“Tính trung bình, doanh nghiệp FDI đã trả cao hơn mức tối thiểu, ngoài ra họ còn hỗ trợ tiền đi lại, ăn, tiền làm thêm cho công nhân... Như vậy, rõ ràng là họ không vi phạm. Mà không vi phạm thì làm sao xử lý. Trong khi đó ai cũng biết lương công nhân làm việc trong các doanh nghiệp FDI đã quá lạc hậu so với thị trường” - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, hiện Hà Nội có hơn 117.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 97.000 doanh nghiệp trong nước, còn lại là doanh nghiệp FDI. Sau thời điểm tăng lương tối thiểu lên 2 triệu đồng/tháng (1-10-2011), trên địa bàn Hà Nội chỉ có hai doanh nghiệp FDI xảy ra đình công. Lý do đình công vì chủ sử dụng tăng lương tối thiểu nhưng lại giảm các khoản trợ cấp khác. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, trong quý I này, chắc chắn nhiều doanh nghiệp FDI sẽ thiếu công nhân.
“Với hơn 110 nghìn lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp FDI, nếu mức lương, thưởng, trợ cấp không thỏa đáng, công nhân sẽ bỏ việc, nhảy việc và chắc chắn sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng” - ông Thanh nói.
Lý giải vì sao lương công nhân trong doanh nghiệp FDI thấp hơn so với doanh nghiệp trong nước, bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thực tế có quá nhiều doanh nghiệp FDI báo cáo thua lỗ. Trong năm 2011, theo kết quả cuộc điều tra khảo sát về tiền lương, thưởng đối với 1.700 doanh nghiệp FDI đóng tại 17 tỉnh, thành phố thuộc khu vực kinh tế trọng điểm, có tới 60% doanh nghiệp FDI cho biết là làm ăn thua lỗ?
Theo kết quả khảo sát về tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động khu vực doanh nghiệp vừa được Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) công bố cho thấy, 35,6% số người lao động được hỏi cho biết thu nhập của họ không đủ chi tiêu; 44,7% cho rằng phải chắt chiu, dành dụm và thật tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống; 17,9% khẳng định tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình; chỉ 1,9% cho biết đủ trang trải cuộc sống và có phần tích luỹ.
Theo ông Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, hiện lương của doanh nghiệp Nhà nước làm ăn có lãi có thể đạt bình quân tới 8 đến 10 triệu đồng/tháng, cao hơn khoảng 3 lần so với doanh nghiệp khu vực FDI. Những kết quả nói trên cũng là cơ sở để cơ quan này tham mưu với Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc điều chỉnh lương tối thiểu và cơ chế trả lương khu vực doanh nghiệp, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt là đối với doanh nghiệp FDI. |