Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đón 8,9 triệu lượt khách quốc tế.
Đoàn khách Trung Quốc đến Khánh Hòa hồi tháng 3. Ảnh: Xuân Hoát. |
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường "gửi" khách lớn nhất tới Việt Nam với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 29% tổng lượng khách). Thị trường Trung Quốc đã vượt mốc 1 triệu lượt, xếp ở vị trí thứ hai. Dù đạt vị trí thứ hai về số lượng khách đến Việt Nam, nhưng thị trường truyền thống Trung Quốc mới phục hồi 28%. So với thời điểm trước dịch COVID-19, khách từ thị trường Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Giai đoạn 2015-2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt.
Ông Đoàn Ngọc Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế MTV Việt Nam cho biết: “Năm nay, lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam chưa có gì khởi sắc, gần như không đạt chỉ tiêu đề ra".
Ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và dịch vụ Hòn Gai chi nhánh Quảng Ninh - đơn vị chuyên đón khách Trung Quốc - nhấn mạnh, thời điểm trước dịch, mỗi tháng công ty có thể đón 20-30 nghìn khách. Sau khi Trung Quốc mở cửa du lịch trở lại, những người làm du lịch sẵn sàng tâm thế và sản phẩm để phục vụ, tuy nhiên, thực tế luôn khác xa kỳ vọng.
“Khách Trung Quốc thường đi đoàn rất đông với mức chi tiêu cao nên chúng tôi rất kỳ vọng vào thị trường này. Tuy nhiên, lượng khách ghi nhận thực tế không cao. Khách Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay được chia làm hai kiểu. Thứ nhất là khách vừa du lịch vừa kết hợp tìm đối tác, cơ hội đầu tư số còn lại là du khách chi trả cao. Cả hai loại khách đều không nhiều”, ông Nguyễn Hà Hải nêu.
Nguyên nhân được chỉ ra là kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, vì vậy, người dân ưu tiên phục hồi kinh tế hơn là du lịch. Đồng thời, suy thoái kinh tế cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng chi tiêu cho du lịch của người dân trên toàn thế giới.
Lấy đà hút khách quốc tế
Một số chuyên gia du lịch cho rằng, Việt Nam có sự hụt hơi trong quá trình phục hồi du lịch và thúc đẩy đón khách quốc tế. Để lấy lại phong độ, ông Lê Công Năng, CEO Cty du lịch Wondertour cho rằng, cần xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia gắn với sự độc đáo về trải nghiệm, liên kết với các giá trị văn hoá, lịch sử. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước nên quy hoạch sản phẩm du lịch trên cơ sở phân tích, đánh giá lợi thế của từng địa phương.
“Để có sức hút bền vững, các sản phẩm du lịch cần có cá tính riêng mang dấu ấn Việt nói chung, dấu ấn địa phương nói riêng. Nghiên cứu và phát triển kinh tế du lịch về đêm tại các thành phố du lịch lớn cũng rất quan trọng. Việc này không chỉ làm gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch mà còn giúp tăng nguồn thu cho địa phương”, ông Năng nói.
Các sản phẩm du lịch về đêm ngày càng thu hút nhiều du khách quốc tế. |
Khi thị trường yếu, có thể hỗ trợ khách du lịch trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách trợ giá hoặc quà tặng qua các công ty lữ hành uy tín. Đây là chiến thuật được nhiều quốc gia áp dụng, nhất là với khách du lịch Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan.
Các chuyên gia nhận định, từ thực tế lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam, những tháng cuối năm, du khách Trung Quốc sẽ tăng nhưng không đột biến. Dự kiến đến Quý II/2024, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam mới hồi phục được như thời điểm trước dịch.
“Lượng khách này đến từ du khách cao tuổi, đã nghỉ hưu, thời điểm cuối năm họ dành thời gian du lịch với mục đích tránh rét, nghỉ dưỡng. Lượng khách này thường đến một số tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh…”, ông Nguyễn Hà Hải dự báo.
Để sẵn sàng đón các đoàn quốc tế phục hồi và bùng nổ mạnh mẽ hơn, các đơn vị lữ hành hoàn thiện sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường các chương trình khuyến mại, đồng thời tổ chức các chương trình xúc tiến tại các thành phố tiềm năng của Trung Quốc. Thách thức không chỉ đặt ra với thị trường Trung Quốc, những người làm du lịch Việt Nam phải quan tâm tới các sản phẩm, giải pháp đặc thù để thúc đẩy nhiều thị trường quốc tế khác.
Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, nước này đón gần 11 triệu lượt khách Trung Quốc trong năm 2019, chiếm hơn 1/4 tổng lượng khách quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm 2023, khách Trung Quốc chỉ còn 2,2 triệu lượt. Trung Quốc lần đầu tiên vắng mặt trong danh sách các thị trường lớn nhất gửi khách đến Thái Lan. Trên mạng xã hội, nhiều du khách Trung Quốc bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh, trật tự ở Thái. Khoảng 60 nghìn khách du lịch Trung Quốc đã hủy chuyến đi đến Thái Lan sau vụ xả súng ở Siam Paragon đầu tháng 10 vừa qua. Singapore, Malaysia cũng ghi nhận lượng khách Trung Quốc giảm đáng kể.