Năm nay các điểm đến nước ngoài gần Việt Nam được đông đảo du khách Việt lựa chọn bởi chi phí hợp lý, điểm đến mới lạ.
Chị Hà Anh (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang lên kế hoạch cho chuyến du lịch cuối năm nay với bạn bè. Khi tra cứu tour du lịch Thái Lan 5 ngày dịp cuối năm, mức giá chỉ dao động khoảng 7-8 triệu đồng, bằng 2/3 so với tour Phú Quốc.
"Tôi thấy việc chi khoảng 10 triệu đồng để đi nước ngoài đáng giá hơn cho một chuyến trong nước với mức giá tương tự", chị Hà Anh cho biết.
Giá thành của du lịch Thái Lan đang thu hút người Việt (Ảnh: Reuters). |
Theo khảo sát thực tế, các đại lý du lịch, công ty lữ hành công nhận tour đi nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đang có mức giá rẻ hơn so với tour du lịch trong nước.
Đại diện một đại lý trên phố Hàng Bồ, Hà Nội chia sẻ rằng tour đi Thái Lan 5 ngày thời điểm cuối năm có giá khoảng 8 triệu đồng/người. Trong khi đó, đi Đài Loan (Trung Quốc) 5 ngày hơn 10 triệu đồng và tour khám phá cả 2 nước Singapore và Malaysia chỉ khoảng 10 triệu đồng. Các tour này đều bao gồm giá vé máy bay và khách sạn 4 sao.
Bên cạnh đó, một số tour đến các quốc gia xa hơn như châu Âu hay Mỹ cũng có mức giá phù hợp với nguồn tài chính của nhiều người. Ví dụ, đi 5 nước Đức - Luxembourg - Pháp - Bỉ - Hà Lan 9 ngày 8 đêm có giá 50,9 triệu đồng/người; tour du lịch đi Mỹ thời gian 8 ngày 7 đêm khoảng 53,9 triệu đồng. Từ mùa thu đến cuối năm, quang cảnh ở các nước ôn đới sẽ tạo trải nghiệm mới lạ cho du khách với các trải nghiệm như trượt tuyết.
"Tính từ đầu năm đến nay, tỷ lệ khách tới đại lý tìm hiểu về tour quốc tế tăng khoảng 60-70%", đại diện đơn vị lữ hành trên cho biết.
Trải nghiệm trượt tuyết khiến nhiều du khách muốn khám phá châu Âu (Ảnh: The New York Times). |
Ngoài ra, việc các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay thẳng từ Việt Nam đi các nước cũng tạo thuận lợi cho sở thích du lịch nước ngoài.
Trên thực tế, lượng khách du lịch Việt Nam đến một số thị trường châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan tăng nhanh theo từng ngày.
Ông Puripan Bunnag - Phó Chủ tịch Cục Hội chợ và Triển lãm Thái Lan - cho biết, tính đến tháng 5 năm nay khách Việt Nam sang Thái Lan khoảng 400.000 lượt, con số này hiện giờ đã có thể lên đến 600-700.000 lượt.
Không chỉ Thái Lan, lượng khách Việt Nam đến Hàn Quốc cũng tăng trưởng mạnh. Đến cuối tháng 9, có khoảng 310.000 khách Việt Nam đến Hàn Quốc, phục hồi 85% so với trước thời điểm COVID-19 (khoảng 500.000 lượt). Dự kiến hết năm nay con số này đạt 420.000 lượt.
Chỉ trong tháng 9, lượng khách du lịch Việt Nam tới Australia tăng 29% so với tháng trước đó. Các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác chuyến bay thẳng tới thành phố Sydney.
Hầu hết hãng bay Việt Nam đều có chuyến bay thẳng tới Australia (Ảnh: Vietjet Air). |
Nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cho rằng xu hướng du lịch của người dân hiện nay là tới những địa điểm nổi tiếng trên mạng xã hội và ít tốn kém chi phí. Việc xuất hiện nhiều tour nước ngoài giá rẻ cùng với tâm lý muốn xuất ngoại của người Việt khiến lượng du khách đổ đi nước ngoài tăng mạnh.
Trong khi thị trường du lịch quốc tế đang diễn ra sôi động, công ty lữ hành trong nước ghi nhận doanh số ảm đạm, giảm tới 70% so với năm ngoái. Nguyên nhân khiến lượng khách Việt không mặn mà với du lịch nội địa là do giá vé máy bay quá cao, đi kèm phí tham quan ở một số nơi liên tục tăng.
Điển hình, từ ngày 1/11, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) sẽ tăng gấp đôi giá vé vào cổng và chèo đò. Cụ thể, vé tham quan áp dụng cho người lớn sẽ có mức điều chỉnh từ 120.000 đồng/người lên 250.000 đồng/người.
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động tăng giá vé vào đầu tháng 11 (Ảnh: Vietnam Discovery). |
Với thiên đường du lịch một thời mang tên Phú Quốc, hiện lượng khách bị sụt giảm 40-50%. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì cuộc làm việc với các doanh nghiệp, Hiệp Hội Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc, các hãng hàng không về cơ chế vé máy bay và giải pháp kích cầu du lịch trong thời gian tới.
Theo các doanh nghiệp lữ hành, kinh tế khó khăn cũng khiến nhu cầu du lịch của người dân không tăng nhanh như giai đoạn 2022 khi vừa mở cửa. Hơn nữa, sau đại dịch COVID-19 tâm lý của người tiêu dùng thay đổi, thắt chặt dòng tiền và hướng đến tiêu dùng bền vững.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch, các nhà hàng, khách sạn ở nhiều điểm đến du lịch trong nước gặp tình trạng thiếu hụt nhân sự. Nhiều đơn vị kinh doanh đã tăng giá nhưng không đảm bảo chất lượng dịch vụ. Điều này ảnh hưởng tới trải nghiệm của du khách khi thực hiện các kỳ nghỉ.
Các công ty lữ hành cho rằng để kích cầu du lịch nội địa cần tạo ra các gói du lịch hấp dẫn, đa dạng hóa trải nghiệm du lịch nội địa cũng như mang lại cơ hội cho các địa phương phát triển ngành công nghiệp du lịch...