Đại diện Đoàn Thanh niên ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND:

Luôn quan tâm vấn đề nhân dân trăn trở

Anh Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Thành Đoàn TPHCM, Chủ tịch Hội Sinh viên TPHCM, giao lưu với bạn đọc.
Anh Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Thành Đoàn TPHCM, Chủ tịch Hội Sinh viên TPHCM, giao lưu với bạn đọc.
TP - Với chủ đề “Gửi gắm gì cho đại biểu của thanh niên - giới trẻ?”, buổi giao lưu trực tuyến giữa các ứng viên đại diện của Đoàn Thanh niên ứng cử đại biểu Quốc hội (QH), đại biểu HĐND với độc giả về những vấn đề giới trẻ, người dân quan tâm đã diễn ra tại TPHCM ngày 20/5. Không chỉ hứa hẹn, các ứng viên trẻ đưa ra những hành động cụ thể nếu trúng cử.

Tham gia giao lưu có anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; anh Bùi Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức T.Ư Đoàn; anh Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn TPHCM, Chủ tịch Hội Sinh viên TPHCM; chị Vương Thanh Liễu, Phó bí thư Thành Đoàn TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Đội TPHCM; chị Trương Lý Hoàng Phi, Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; anh Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập báo Tuổi trẻ.

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Là ủy viên trẻ nhất BCH T.Ư Đảng, nếu trúng cử là Đại biểu Quốc hội anh sẽ có những đề xuất gì để Quốc hội, Chính phủ có những chính sách, chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp? Trong điều kiện hiện nay thanh niên tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cho các dự án khởi nghiệp khó khăn?

Trả lời câu hỏi của bạn Cẩm Tú, anh Lê Quốc Phong cho biết, đây là vấn đề rất nhiều bạn trẻ quan tâm. T.Ư Đoàn đang tích cực hoàn chỉnh đề án chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” để triển khai trong quý 2/2016. “Nhiều địa phương đã có nhiều hỗ trợ cụ thể cho hoạt động khởi nghiệp của thanh niên. Nên khi triển khai chương trình của T.Ư Đoàn, chúng tôi sẽ kết nối để tận dụng, phát huy thế mạnh của từng địa phương, hỗ trợ phát triển. Bên cạnh các giải pháp phát huy khả năng của Đoàn - Hội, nguồn lực xã hội, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị chính phủ những cơ chế đặc thù cho thanh niên khởi nghiệp như về nguồn vốn, lãi suất, sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng với quá trình khởi nghiệp của thanh niên”, anh Phong nói. 

Trả lời câu hỏi: “Các đại biểu có ý thức được mình phải làm gì để đất nước phồn thịnh, dân bớt cực khổ?”, anh Bùi Quang Huy nói: “Đại biểu của QH là đại biểu của nhân dân. Vì vậy, trong việc tham gia quyết định các chính sách, các vấn đề quan trọng của đất nước cần phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Muốn vậy phải biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Một khi, hành động của mình xuất phát từ quyền lợi của nhân dân, đặc biệt là hành động của một đại biểu QH, người có trách nhiệm tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thì chắc chắn sẽ góp phần tham gia vào việc thúc đẩy sự  phát triển của đất nước. 

Về chương trình hành động và hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo, khát vọng khởi nghiệp được đông đảo độc giả đặt câu hỏi. Chị Trương Lý Hoàng Phi nói: “Chương trình hành động của tôi là luôn nỗ lực để góp phần xây dựng TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình và đồng thời là một trong những thành phố có điều kiện tốt nhất để khởi nghiệp”. Chị Phi cho biết, mới đây Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp ra mắt quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TPHCM, khuyến khích đầu tư cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, hướng đến việc cho vay ưu đãi dành cho các mô hình khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. “Nếu trở thành đại biểu HĐND nhiệm kỳ này, tôi sẽ lắng nghe thêm ý kiến của DN ở nhiều quy mô khác nhau. Từ đó, những hiến kế của tôi bao gồm việc phân khúc từng đối tượng DN ở các quy mô, ngành nghề khác nhau để có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Tôi cũng sẽ kêu gọi nguồn lực không chỉ từ chính quyền mà từ cộng đồng, các nguồn lực xã hội để giúp phát triển cộng đồng DN và khởi nghiệp”, chị Phi khẳng định.

Luôn quan tâm vấn đề nhân dân trăn trở ảnh 1

Trưởng ban tổ chức T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu. Ảnh: Duyên Phan.

“Nếu trúng cử Đại biểu QH, anh sẽ có những kiến nghị gì với cơ quan chức năng liên quan để giải quyết bài toán việc làm cho sinh viên khi ra trường?”.

“Nếu trở thành đại biểu QH, tôi quan tâm đến một số chính sách nhằm phát triển các DN, tạo công việc cho người lao động. Đồng thời, quan tâm đến các chính sách về phân luồng đào tạo, định hướng nghề nghiệp việc làm và đặc biệt các chính sách khuyến khích thanh niên khởi nghiệp. Nếu thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp đó, sẽ cải thiện đáng kể tình trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm”, anh Bùi Quang Huy nói.

Anh Lâm Đình Thắng cho biết, Hội SV TPHCM trăn trở trước thực trạng rất nhiều sinh viên ra trường (khoảng 15.000 người) nhưng không tìm được việc làm hiện nay. Hội Sinh viên TPHCM đã và đang thực hiện những nội dung góp phần hạn chế tình trạng này. “Để giải quyết thực trạng này, cần nhiều cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy để có thể có hiệu quả mạnh mẽ hơn. Do đó, nếu trúng cử đại biểu QH, tôi sẽ kiến nghị: Đổi mới nội dung và phương thức đào tạo sinh viên theo hướng gắn sát với thực tiễn và yêu cầu xã hội; Xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động và phát triển cũng như hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tạo ra nhiều việc làm hơn cho thanh niên; Kiến nghị tổ chức các hoạt động nâng cao kỹ năng thực hành xã hội và ngoại ngữ để nâng cao nội lực cho thanh niên trong quá trình hội nhập. Nếu trúng cử, tôi sẽ tham gia đề nghị những cơ chế phân quyền và tạo điều kiện nhiều hơn cho thành phố có thể quyết liệt thực hiện những mục tiêu của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả”.

Luôn quan tâm vấn đề nhân dân trăn trở ảnh 2

Các đại biểu tham gia buổi giao lưu.

Luôn quan tâm vấn đề nhân dân, thanh niên trăn trở

“Việc xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển là một yêu cầu rất cấp bách hiện nay. Là đại biểu của thanh niên, anh sẽ làm gì liên quan đến vấn đề này?”

Anh Lê Quốc Phong đáp: “Tôi xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện, đặc biệt là những luật liên quan đến thanh thiếu nhi. Quá trình xây dựng luật đòi hỏi đại biểu QH phải bám sát thực tiễn, lắng nghe đầy đủ những phản ánh, nguyện vọng của bà con cử tri, tìm hiểu kỹ các vấn đề liên quan để có thể đóng góp, quyết định những vấn đề cụ thể để luật sau khi ban hành thực sự có ý nghĩa với đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, thúc đẩy sự phát triển đất nước. Nếu không trúng cử, với nhiệm vụ hiện nay, tôi cũng sẽ góp ý, đề nghị những vấn đề liên quan để các cơ quan chức năng và Quốc hội có thêm thông tin để xây dựng, hoàn thiện pháp luật”. 

Trước kỳ vọng của cử tri với các tân đại biểu QH tương lai sẽ sống và cảm nhận cuộc sống của dân, thường xuyên nắm bắt được những gì mà người dân bức xúc, mong muốn. Chị Vương Thanh Liễu nói: “Nếu là đại biểu QH, chắc chắn chúng tôi sẽ thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng không chỉ qua báo đài, mà phải thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, gần gũi với người dân để lắng nghe và phản ánh, kiến nghị những tâm tư nguyện vọng chính đáng, hợp pháp đến Quốc hội và Cơ quan chức năng để giải quyết. Bên cạnh đó, theo dõi, giám sát việc giải quyết những tâm tư nguyện vọng đó của cử tri đã thỏa đáng hay chưa. Mặt khác, tôi hy vọng cử tri tiếp tục gửi gắm cho chúng tôi những tâm tư nguyện vọng không chỉ của bạn mà của những người xung quanh bạn biết, đây là kênh thông tin quý giá để chúng tôi có thể thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình”.

Anh Bùi Quang Huy cho biết, nếu trúng cử, anh sẽ trở thành đại biểu QH chuyên trách. “Bên cạnh việc thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến cử tri dưới nhiều hình thức, tôi tham gia có trách nhiệm trong công tác lập pháp của Quốc hội trên cơ sở vận dụng kiến thức pháp luật. Tôi luôn quan tâm đến những vấn đề mà các tầng lớp nhân dân, thanh niên đang trăn trở, bức xúc như bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; chống tham nhũng, lãng phí; Đề xuất các chính sách nhằm phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; đảm bảo lợi ích cho nông dân và người tiêu dùng; các chính sách nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo môi trường sống tốt cho người dân…”.

Một độc giả đặt vấn đề: “Nếu thành đại biểu HĐND mà tiếp nhận được đơn tố cáo của người dân về tiêu cực của lãnh đạo thành phố là người có chức vụ báo Tuổi Trẻ có dám viết bài hay không?”, anh Tăng Hữu Phong nói: “Nếu đơn thư tố cáo của người dân sau khi xác minh là đúng sự thật, có đầy đủ hồ sơ, cơ sở pháp lý thì báo Tuổi trẻ sẵn sàng đăng tải để góp phần cùng các cơ quan chức năng đấu tranh với những tiêu cực đó”.

T.Ư Đoàn phát động quyên góp ủng hộ người dân vùng thiên tai

Ngày 20/5, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức lễ phát động quyên góp ủng hộ người dân ở vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL.

Ngay sau lễ phát động, cán bộ công chức, viên chức và người lao động cơ quan T.Ư Đoàn đã ủng hộ số tiền gần 200 triệu đồng và sẽ tiếp tục vận động và tiếp nhận quyên góp ủng hộ từ các cá nhân, đơn vị cho đến hết ngày 10/6 và tổ chức các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người dân ở các địa phương nêu trên trước ngày 30/7.

Trước đó, T.Ư Đoàn phát động chương trình “Nước ngọt nghĩa tình”, vận động nguồn lực tặng 12 máy lọc nước lợ thành nước ngọt, 250 bồn chứa nước và 12.000 lít nước đóng chai và 1.600 suất quà (mỗi suất trị giá 250 nghìn đồng), 160 xe đạp… cho người dân, học sinh các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Cà Mau, An Giang với tổng kinh phí trên 3,4 tỷ đồng. Tại các tỉnh ven biển miền Trung có cá chết hàng loạt gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Trung tâm tình nguyện Quốc gia (T.Ư Đoàn) đã vận động nguồn lực tặng 4.000 suất quà trị giá trên 2 tỷ đồng cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, kêu gọi thanh thiếu niên và người dân chung tay dọn vệ sinh, thu gom rác bảo vệ môi trường ở các khu vực ven biển. 

Hà Thanh

MỚI - NÓNG