Lưới trời lồng lộng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hai cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai là ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch và ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư vừa bị cơ quan điều tra bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ, liên quan đến vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Cũng liên quan vụ án này, trước đó, cuối tháng Tư vừa qua, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 9 bị can về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Những sai phạm xảy ra từ gần mười năm trước và hai cựu lãnh đạo kể trên cũng đã rời vị trí công tác nhiều năm nhưng vẫn không tránh khỏi bị truy cứu. Điều đó cho thấy, không ai có thể trốn trách nhiệm với những hành vi sai phạm và hậu quả do mình gây ra, càng không thể có cái gọi là “hạ cánh an toàn”.

Không chỉ các cựu lãnh đạo, nhiều cán bộ đương chức, đứng đầu bộ ngành, tổ chức, địa phương cũng đã và đang bị truy cứu, xử lý trách nhiệm với nhiều mức độ khác nhau bởi những sai phạm do mình gây ra. Trong 10 năm qua, tính đến cuối tháng 6 năm nay, có hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị xử lý kỷ luật. Riêng trong sáu tháng đầu năm nay đã có 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật với các mức từ khiển trách đến khai trừ Đảng. Nhiều cá nhân sai phạm cũng đã bị bắt và xử lý hình sự.

Ngay chiều qua, UBKT Trung ương cũng đã phát đi thông cáo báo chí kỷ luật và đề nghị kỷ luật hàng loạt cán bộ sai phạm, trong đó có nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và nhiều quan chức cấp cao khác.

Việc xem xét truy cứu trách nhiệm những cá nhân sai phạm hoặc để xảy ra sai phạm trong phạm vi quản lý của mình vẫn đang tiếp diễn, được tiến hành từ Trung ương đến địa phương. Tiếp xúc với cử tri Hà Nội giữa tháng 10 này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn phải tiếp tục; một số vụ trọng điểm cũng đang được làm rõ và rõ đến đâu xử lý đến đó. “Vì sự tiến bộ chung, vì để giáo dục người khác đừng đi vào “vết xe đổ”, Trung ương buộc phải làm và yêu cầu các cấp cũng phải làm và làm rất công tâm, khách quan, bài bản, đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước”, Tổng Bí thư nói.

Thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ của Tổng Bí thư cho thấy công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng khởi xướng, lãnh đạo sẽ tiếp tục, quyết liệt và không có vùng cấm. Những cán bộ dù ở chức vụ nào, khi vi phạm kỷ luật đều bị xử lý rất nghiêm khắc, nhất là cán bộ nắm trong tay quyền lực lại bè cánh, móc nối với nhau vì lợi ích nhóm.

Không chỉ làm sạch bộ máy, việc đấu tranh chống tiêu cực còn nhằm nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của hệ thống chính trị và niềm tin của Nhân dân vào chế độ.

Lưới trời lồng lộng, song kiểm soát quyền lực mới là vấn đề cốt lõi, cần được quan tâm. Khi và chỉ khi quyền lực được kiểm soát mới ngăn chặn, diệt trừ từ gốc những sai phạm do chính mặt trái của quyền lực sinh ra. Cùng với đó, cần hình thành được đội ngũ công bộc thấm được “đạo làm quan” của thời nay để hết mình phụng sự lý tưởng Cách mạng.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.