Xuống cấp nghiêm trọng
Cuối năm 2021, UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện Dự án bảo tồn biệt thự số 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài, được kỳ vọng sẽ giúp hồi sinh một di sản kiến trúc Pháp. Căn biệt thự có kiến trúc theo kiểu Pháp đã bị bỏ hoang nhiều năm nay và đang xuống cấp nghiêm trọng. Chính quyền phải dựng cột sắt và mái tôn để tạm thời che chắn chờ phương án trùng tu.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những biệt thự hiếm hoi được đưa vào diện bảo tồn. Trong khi đó, hàng loạt biệt thự đã và đang dần bị biến dạng nhưng vẫn “bất động” nhiều năm.
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại biệt thự Pháp trong ngõ 57B Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm), biệt thự đang có 12 hộ dân sinh sống. Mỗi hộ dân chỉ có khoảng 10 - 20 m2, một số hộ sống ở tầng 2 đã phải gia cố lại xà gồ gỗ đã mối mọt, trên mái phải đóng tôn để chống dột. Mái ngói gần như đã hư hỏng toàn bộ có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Khu biệt thự Pháp này được xây dựng từ năm 1905 với tổng diện tích hơn 2.000m2 đất. Ngoài 12 hộ dân đang sống tại biệt thự rộng 200m2 thì diện tích còn lại là giếng, sân vườn. Hiện chỉ còn lại giếng nước, khu vực sân vườn đã bị lấn chiếm để xây nhà cửa.
Theo người dân ở đây, biệt thự Pháp tuổi đời 100 năm đã xuống cấp trầm trọng nhưng không được sửa chữa. “Người dân chỉ biết chắp vá những chỗ hỏng hóc, chúng tôi rất mong mỏi cơ quan chức năng có đợt trùng tu tổng thể để người dân bớt khổ”, một người dân nói.
Biệt thự cũ tại phố Phan Chu Trinh được chính quyền làm rào tạm để tránh ngói rơi xuống đường đi |
Tại biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng), ông Hải đại diện tổ dân phố tại đây cho biết, ngôi nhà có tuổi đời ngót nghét 100 năm, là nơi sinh sống của 15 hộ dân. Ở đây có nhà sống ở gầm cầu thang gỗ với diện tích 10m2, không bao giờ thấy ánh sáng mặt trời. Người ở tầng trên thì mưa thấy ướt, gió thấy lạnh vì mái dột nát, hư hỏng. Dù người dân, tổ dân phố đã nhiều lần kiến nghị về việc sửa chữa, thế nhưng vẫn không được phản hồi.
Ông Hải thông tin: “Khi chúng tôi kiến nghị về việc hỗ trợ sửa chữa, Sở Xây dựng Hà Nội đã có rà soát nhưng báo lại rằng đây là nhà thuộc Bộ Quốc phòng, Hà Nội không quản lý. Trong khi đó Bộ Quốc phòng là đơn vị nào quản lý chính người dân cũng không hay biết”.
Tập trung bảo tồn, cải tạo biệt thự có giá trị
Đại diện UBND phường Phan Chu Trinh cho biết, biệt thự tại phố Phan Chu Trinh thuộc nhóm 3, loại hình nhà công kết hợp tư nhân. Một số hộ đã được cấp sổ đỏ nhưng một số hộ vẫn đang thuê của Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
Việc cải tạo những biệt thự này đang gặp khó khăn do không đạt được đồng thuận của tất cả các hộ dân. Kể cả khi nhất trí các phương án cải tạo thì cũng rất khó để các hộ dân đóng góp kinh phí để sửa chữa.
“Hiện nay phường đã hỗ trợ người dân làm lưới chắn mái ngói rơi xuống bên dưới. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ người dân để kiểm định, cải tạo, đảm bảo an toàn tại các khu biệt thự đã xuống cấp”, đại diện UBND phường đề xuất.
Trái ngược với những căn biệt thự nhiều hộ gia đình cùng sinh sống, nhiều biệt thự cũ do cá nhân sở hữu lại được sửa chữa, trùng tu, thậm chí xây mới. Có thể kể đến biệt thự số 67 Trần Quốc Toản, 36 Quang Trung (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm). Đây là 2 biệt thự nhóm 2 (biệt thự có giá trị kiến trúc). Biệt thự 67 Trần Quốc Toản bị phá hoàn toàn và được UBND quận Hoàn Kiếm cấp phép xây dựng mới, trong khi biệt thự 36 Quang Trung được chủ đầu tư cải tạo thêm nhiều hạng mục.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị đã có tờ trình UBND thành phố trong năm 2022 sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; lập phương án, dự toán, hồ sơ; thẩm định dự án bảo tồn; tổ chức mời thầu chỉnh trang 32 biệt thự thuộc thành phố quản lý và 12 công trình kiến trúc khác. Dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành, đánh giá kết quả thực hiện. Ngân sách thực hiện từ nguồn đầu tư công thành phố.
Riêng đối với các biệt thự thuộc sở hữu của tư nhân, nhà nước sẽ hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách, hồ sơ, công tác kiểm định và quản lý quy hoạch, kinh phí sẽ do cá nhân sở hữu biệt thự tự bỏ ra.
Đối với những biệt thự dạng nhiều hộ sở hữu, ông Vũ Đức Thắng, Phó Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội đang tiến hành rà soát để xem xét bán cho người dân đang ở đó theo dạng thuê vì nhiều lý do chưa mua được thời gian trước đó.
Những căn này không bán theo giá thị trường mà theo chính sách ưu đãi của Chính phủ; bán theo chính sách hoàn giá từ ngày xưa tới giờ và bán cho người ở thuê theo Nghị định 61, giống như việc thanh lý nhà tập thể ở khu Thành Công, Giảng Võ...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc bán biệt thự cho người dân không giúp giải quyết vấn đề cải tạo, bảo tồn các biệt thự này. Trong khi chờ cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, người dân vẫn nơm nớp sống với nỗi lo nguy hiểm rình rập từ những căn biệt thự cũ nát có thể đổ sập bất cứ lúc nào.