Theo tờ Indian Express, đề nghị trên của Mỹ được truyền tải một cách không chính thức đến Ấn Độ hồi đầu tháng 10, ngay sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ký với Tổng thống Nga Vladimir Putin thỏa thuận trị giá 5,4 tỷ USD để mua 5 hệ thống S-400 của Moscow.
Việc Ấn Độ đặt mua S-400 của Nga đã ngay lập tức khiến Mỹ tức giận, và đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên New Delhi theo Đạo luật chống đối thủ của Mỹ, gọi tắt là CAATSA.
Tuy nhiên, tờ Indian Express dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết nếu Ấn Độ quyết định mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ, thì Washington có thể sẽ xem xét lại về biện pháp trừng phạt.
Trước đó, Không quân Ấn Độ từng tuyên bố cần mua 114 máy bay chiến đấu thông qua đấu thầu. F-16 và F-18 là hai lựa chọn mà New Delhi xem xét.
Dù vậy, kể từ đó đến nay, chính quyền Ấn Độ vẫn chưa lên tiếng xác nhận với Washington về việc sẽ mua máy bay chiến đấu của Mỹ, tờ Indian Express viết.
Quân đội Ấn Độ dường như vẫn hoài nghi về khả năng của chiếc F-16. Ngoài ra, máy bay chiến đấu của Mỹ cũng sẽ không tương thích với tên lửa Brahmos được sản xuất tại Ấn Độ, do Ấn Độ cùng phát triển với Nga.
Giờ đây, Ấn Độ đứng trước 2 lựa chọn: giảm lệ thuộc vào vũ khí Nga, hoặc hợp tác với Mỹ trong các vấn đề quan trọng khác.
Hiện, Ấn Độ vẫn còn kế hoạch hợp tác quân sự với Nga, khi được cho là đang dự định mua xe tăng T-14 Armata và tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Moscow. Nước này cũng đang phát triển các tàu ngầm và máy bay chiến đấu thế hệ mới với đối tác Nga.
Theo CAATSA, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ấn Độ sẽ được công bố ngay sau khi New Delhi thanh toán số tiền mua S-400 cho Nga, tức cuối năm tài chính hiện tại của Mỹ.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói New Delhi sẽ sớm biết về các lệnh trừng phạt mà mình phải gánh chịu vì hành động mua S-400 của Nga.
Tuy nhiên, New Delhi vẫn tỏ thái độ khá cứng rắn, khi Tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ Bipin Rawat tuyên bố “dù có thể bị trừng phạt, New Delhi vẫn tuân theo chính sách độc lập”.