5 năm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo:

Lực cản từ đội ngũ và chính sách thiếu đồng bộ

Cơ sở pháp lý về tự chủ ĐH còn thiếu đồng bộ. Ảnh mang tính minh họa.
Cơ sở pháp lý về tự chủ ĐH còn thiếu đồng bộ. Ảnh mang tính minh họa.
TP - Những hạn chế, tồn tại của giáo dục Việt Nam được bộc lộ và đang là rào cản để giáo dục đổi mới

Hôm qua, 18/9, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “05 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN cho biết trong khuôn khổ các nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN về chín nhóm nhiệm vụ cơ bản của Nghị quyết 29-NQ/TW, các nghiên cứu đã khảo sát hơn 2500 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên từ cơ sở giáo dục mầm non đến cơ sở giáo dục đại học; trao đổi, phỏng vấn được trên 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia của các cơ quan trung ương, cơ quan bộ, ngành; phỏng vấn gần 1000 học sinh và sinh viên, 500 cha mẹ học sinh.

Chắt lọc những phát hiện chính, cùng một số thông tin có liên quan khác, nhóm nghiên cứukhoa học của ĐHQGHN đã tập hợp các cơ sở dữ liệu từ các bộ ngành và các cơ quan trong khoảng thời gian 5 năm. Các kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan và những xu hướng vận động tốt, nhưng cũng còn rất nhiều thách thức đang đặt ra cần cấp bách giải quyết ở cả tầm vĩ mô và tầm vi mô.

Chia sẻ với Tiền Phong bên lề hội thảo, cô Đàm Thu Hương, hiệu trưởng trường THCS Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết khi  Nghị quyết 29 đi vào thực tế, cán bộ quản lý đã là nắm bắt nhanh cơ hội, cách thức mới.  Bên cạnh đó có nhiều khó khăn thách thức là số lượng học sinh quá tải trong một trường, trong một lớp. Thứ hai  nhu cầu của phụ huynh học sinh cao hơn năng lực của giáo viên. Đặc biệt là giáo viên trẻ, mới có kiến thức, chưa có kinh nghiệm. Để theo kịp yêu cầu thực tế, giáo viên phải không ngừng bồi dưỡng nâng cao. Cũng theo bà Hương, ngay cả việc lựa chọn SGK cho chương trình mới sắp tới cũng không đơn giản. “Lựa chọn SGK  với giáo viên khó lắm. Vì từ trước đến nay, giáo viên đã quen với việc có một bộ SGK của NXB giáo dục Việt Nam và những thầy đã nổi tiếng” – bà Hương nói.

Trong khi đó, theo phân tích của nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội với chuyên đề giáo dục mầm non, phổ thông Việt Nam dần tiếp cận chuẩn quốc tế đã ghi nhận sự chuyển biến trong chính sách được ban hành theo hướng chuyển dần từ mục tiêu giáo dục tăng cường kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, chất lượng giáo dục phổ thông, ở một góc độ nào đó, được đánh giá tiệm cận chuẩn thế giới.

Tuy nhiên, còn một số hạn chế như một bộ phận cán bộ quản lý chưa năng động và sáng tạo; phải làm nhiều nhiệm vụ hành chính, sự vụ ngoài chuyên môn; Sự tự chủ, chủ động còn hạn chế; Khả năng thích ứng và sức ì của một bộ phận GV cản trở việc việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT cũng như tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

Cần có trung tâm khảo thí độc lập

Với chuyên đề đổi mới thi và kiểm tra, nhóm nghiên cứu cũng  chỉ ra những kết quả nỗ lực đáng ghi nhận cũng như những tồn tại hạn chế trong ban hành các chính sách của Bộ GD&ĐT. Trong đó khẳng định Bộ đang duy trì triết lý kiểm tra đánh giá vì sự phát triển năng lực của học sinh như tăng cường đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức; Kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng, nhấn mạnh định tính trong đánh giá quá trình; Tạo nhiều cơ hội cho học sinh thể hiện: tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau, đánh giá trình diễn; Đa dạng hoá loại hình kiểm tra đánh giá, thúc đẩy đánh giá quá trình thay vì chỉ tập trung vào đánh giá tổng kết.

Nhưng bên cạnh đó, hạn chế cũng không ít. Theo nhóm nghiên cứu, hạn chế thứ nhất là thiếu đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách kiểm tra đánh giá; Chương trình hiện hành vẫn nặng về kiến thức; Số học sinh trên lớp học quá đông khó triển khai đổi mới; Tâm lí thi cử nặng nề, công tác phân luồng trong đào tạo chưa hiệu quả.

Thứ hai, năng lực kiểm tra đánh giá của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Một bộ phận giáo viên thói quen cũ, ngại thay đổi; Một số chương trình đào tạo giáo viên trước đây chưa có chuyền đề riêng biệt về kiểm tra đánh giá.

Liên quan đến vấn đề đổi mới thi, kiểm tra đánh giá, có ý kiến đề xuất về việc thi trên máy. Nhưng trao đổi với Tiền Phong, PGG. Nguyễn Kim Sơn cho rằng máy tính chỉ là công cụ. Quan trọng nhất khâu thiết kế bộ đề. Bộ đề đó có đạt được mục tiêu  đánh giá được các chỉ số  năng lực cần đo hay không. Như vậy, khâu phát triển bộ đề, khẩu chuẩn hóa mới quan trọng. Hiện nay, nhiều địa phương có thể thực hiện được thi trên máy nhưng nhiều địa phương khó khăn không thể thực hiện được. Vì vậy, làm được phải có quyết tâm cao.

Tự chủ ĐH: Vướng chính sách

Với giáo dục ĐH, theo ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm  Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã có 23 cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự chủ. Sắp tới thí điểm bỏ bộ chủ quản với 3 trường ĐH trong số 23 cơ sở này.  Khi thực hiện cơ chế tự chủ, đầu tư từ ngân sách nhà nước không tăng, thậm chí giảm.  Với 23 trường được tự chủ, các trường phải lo toàn bộ kinh phí hoạt động nhưng kết quả của các trường không bị ảnh hưởng mà còn  có nhiều chuyển biến cả về tổ chức, nhân sự, nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định tự chủ ĐH chưa thực sự có chuyển biến rõ nét. Cơ chế tự chủ còn dừng ở mặt nguyên tắc nhiều hơn, khó triển khai vào thực tế. Cơ chế quản lý trong tự chủ như  hoạt động của hội đồng trường cần phải giải quyết trong thời gian tới như mối quan hệ giữa hội đồng trường và ban giám hiệu nhà trường;  hội đồng trường với cơ quan quản lý cấp trên cũng chưa phân định một cách tường minh. Mặt khác,  hoạt động bản thân tự chủ chưa tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ĐH thực sự chuyển mình, thực sự năng động hơn trong tổ chức hoạt động cũng như huy động nguồn lực xã hội. Vì vậy, hiện Quốc hội đang bàn sửa đổi Luật giáo dục ĐH để tháo gỡ những vướng mắc này.

Theo nhóm nghiên cứu của ĐH Quốc gia thì cơ sở pháp lý về tự chủ ĐH thiếu đồng bộ, chồng chéo, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu và vẫn còn có những quy định chưa phù hợp; Vai trò kiểm soát của Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước vẫn rất lớn trong các nội dung như: Bổ nhiệm chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng; Quyết định biên chế, lương; Định mức chi cho các nhiệm vụ khoa học.

MỚI - NÓNG