Vụ giết người ở Malaysia:

Luật sư Việt Nam không được bào chữa cho Đoàn Thị Hương

Chị Đoàn Thị Hương bị cảnh sát dẫn giải tại tòa.
Chị Đoàn Thị Hương bị cảnh sát dẫn giải tại tòa.
TPO - Ngày 3/3, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLS) cho biết, luật sư Việt Nam sẽ không thể bào chữa trực tiếp cho Đoàn Thị Hương trong vụ giết người ở Malaysia nhưng đã xây dựng phương án hỗ trợ tư pháp.

Trước đó, ngày 1/3, chị Đoàn Thị Hương (SN 1988, ở Nghĩa Hưng, Nam Định) bị 1 tòa án tại Malaysia kết tội mưu sát với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Theo cáo trạng, ngày 13/2, Hương và 1 nữ nghi phạm người Indonexia cùng 4 người khác (đã lẩn trốn) có chung âm mưu sát hại ông Kim Chol (quốc tịch Triều Tiên).

Ông Chol bị 2 nữ nghi phạm đầu độc bằng chất VX – 1 loại vũ khí hóa học tại sân bay Kuala Lumpur KILA2 và tử vong sau đó. Tại tòa, Hương cho rằng mình vô tội, bị người khác lừa gạt. Phiên tòa tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 13/4 để công tố viên thu thập thêm chứng cứ.

Cùng ngày, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã gửi công văn sang Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đề nghị 2 bộ tạo điều kiện cho LĐLS cử luật sư sang hỗ trợ pháp lý cho Hương. Luật sư Thịnh cho biết cần ý kiến chính thức từ 2 bộ bởi đây là trường hợp nghi phạm ở lãnh thổ ngoài Việt Nam.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng xây dựng phương án ban đầu để nhóm luật sư hỗ trợ Hương triển khai hoạt động. Tuy nhiên, luật sư Việt Nam sẽ không thể bào chữa trực tiếp cho Hương.

Ông Thịnh nói: “Mình sẽ hỗ trợ pháp lý bằng cách cung cấp cho luật sư Malaysia những tài liệu, căn cứ, chứng cứ có thể đảm bảo quyền lợi tốt nhất của Đoàn Thị Hương… Việc này các luật sư phải dùng kỹ năng, nghiệp vụ của mình để phối hợp với luật sư nước bạn; phải khai thác nội dung, tình tiết vụ việc để có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp tốt nhất cho Hương. Phương án cụ thể sẽ được xây dựng sau khi có văn bản đồng ý chính thức, giờ chúng tôi chỉ phác thảo 1 số nét như vậy”.

Luật sư Việt Nam không được bào chữa cho Đoàn Thị Hương ảnh 1

Căn nhà của gia đình chị Hương tại Nam Định

Theo ông Thịnh, hiện tại giữa Việt Nam và Malaysia chưa có hiệp định hỗ trợ tư pháp song phương nên các cơ quan tư pháp 2 bên cần chủ động phối hợp với nhau. Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ có trách nhiệm bảo vệ quyền con người, quyền công dân trên cơ sở tôn trọng luật pháp Malaysia.

Ông phân tích: “Vai trò của luật sư Malaysia hiện rất quan trọng trong việc giúp tòa xét xử nhưng để họ làm tốt rất cần luật sư Việt Nam tham gia hỗ trợ. Vấn đề đặt ra là Hương có phạm tội mưu sát hay không? Hành vi của Hương có phải bị lừa gạt bởi 1 nhóm khác hoặc vô ý trong trường hợp này? Chúng ta phải làm rõ nếu bị lừa gạt hoặc không nhận biết những hậu quả hành vi của mình thì đó là tình tiết giảm nhẹ… Chúng ta phải làm những gì tốt nhất cho công dân Việt Nam kể cả họ có là người thế nào”.

Chiều 3/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết hiện các cơ quan chức năng đang rốt ráo xử lý trường hợp của Đoàn Thị Hương. Tuy nhiên, do đang phối hợp nội bộ nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí và người dân. 

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.