Luật sư phân tích vụ án oan 11 năm đau khổ của Hàn Đức Long

Ông Hàn Đức Long và vợ mình - bà Nguyễn Thị Mai.
Ông Hàn Đức Long và vợ mình - bà Nguyễn Thị Mai.
TP - Họ cột tội ông Long chủ yếu dựa vào lời khai nhận tội của chính ông Long. Các vật chứng thu giữ được tại hiện trường vụ “giết người” và “hiếp dâm trẻ em” không cho phép kết luận như vậy. Nhân chứng không có. Tóm lại là chẳng có chứng cứ gì.

Tử tù Hàn Đức Long được minh oan đang là đề tài thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với luật sư Đinh Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về những vấn đề pháp lý từ vụ án này.

Cột tội mà không đủ chứng cứ

Với 02 Quyết định đình chỉ điều tra bị can và 01 Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam của Viện KSND tỉnh Bắc Giang, theo luật sư, ông Hàn Đức Long đã chính thức được minh oan chưa?

Mặc dù kết thúc điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang vẫn kết luận ông Long đã thực hiện các hành vi “hiếp dâm”, “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”, song xét thấy hồ sơ vụ án không đủ căn cứ để truy tố ông Long, Viện Kiểm sát cùng cấp ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Long là đúng thẩm quyền. Quyết định của Viện KSND tỉnh Bắc Giang chính là quyết định minh oan cho ông Hàn Đức Long, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Kết quả điều tra lại vẫn khẳng định đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hàn Đức Long. Chẳng lẽ Công an tỉnh Bắc Giang đã đưa ra một kết luận hoàn toàn vô căn cứ?

Tôi không được nghiên cứu hồ sơ vụ án, nên không thể có câu trả lời đầy đủ. Tuy nhiên, qua phát biểu của các luật sư đồng nghiệp tham gia bào chữa cho ông Long được báo chí đăng tải, tôi cho rằng Công an tỉnh Bắc Giang đã đưa ra bản kết luận điều tra cột tội ông Long mà hoàn toàn không có các chứng cứ pháp lý để chứng minh.

Luật sư có thể nói rõ hơn?

Trước đây, họ cột tội ông Long chủ yếu dựa vào lời khai nhận tội của chính ông Long. Các vật chứng thu giữ được tại hiện trường vụ “giết người” và “hiếp dâm trẻ em” không cho phép kết luận như vậy. Nhân chứng không có. Tóm lại là chẳng có chứng cứ gì.

Được phép suy đoán trong hoạt động điều tra

Người ta hay nhắc đến “niềm tin nội tâm” khi điều tra phá án. Theo ông, đó có phải là lý do cơ quan điều tra vẫn bảo lưu quan điểm ông Long là hung thủ?

“Niềm tin nội tâm” là thứ chỉ được phép tồn tại trong “nội tâm” các cán bộ tiến hành tố tụng. Còn các quyết định tố tụng chỉ được phép đưa ra dựa trên các tài liệu, chứng cứ hợp pháp và khách quan.

Các cán bộ điều tra có được phép suy đoán không, thưa ông?

Trong hoạt động tố tụng hình sự, các cán bộ tiến hành tố tụng được phép suy đoán, nhưng theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Khi các tài liệu, chứng cứ chông chênh 50 - 50, trường hợp đó họ được phép suy đoán và phải theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.

Thế còn vụ “hiếp dâm” đối với 2 người lớn thì sao, thưa ông?

Đến giờ chúng ta cần khẳng định “vụ án” này không xảy ra trong thực tế.

Theo ông, hai người phụ nữ đã làm đơn tố giác ông Long có phải chịu trách nhiệm pháp lý không?

Ai làm đơn tố cáo, đơn tố giác, đều phải chịu trách nhiệm pháp lý về những điều mình trình bày trong đơn. Điều này đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tố cáo. Quy định như vậy là để hạn chế và loại trừ hành vi tố cáo, tố giác thiếu căn cứ, thậm chí vu khống.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Theo luật sư, có cần thiết phải khởi tố vụ án “vu khống”?

Theo tôi, 2 người phụ nữ tố cáo ông Long “hiếp dâm” đã có dấu hiệu của hành vi “vu khống”. Việc khởi tố vụ án để điều tra là cần thiết. Kết luận họ có thực hiện hành vi này hay không, tôi đương nhiên không có thẩm quyền, việc này thuộc về Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang, hoặc Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn thấy trước, để kết luận ai đó có hành vi “vu khống” là rất khó.

Quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy 04 bản án sơ - phúc thẩm với Hàn Đức Long của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã chỉ ra rất nhiều sai sót trong hoạt động điều tra, xét xử trước đó. Những sai sót này ai phải chịu trách nhiệm, thưa luật sư?

Trong vụ án này đã có dấu hiệu của hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ án” và các hành vi “dụ cung”, “bức cung”, “nhục hình” (có những tài liệu điều tra bị đưa ra khỏi hồ sơ, cho người nhà bị hại vào buồng giam gặp bị can để “vận động, thuyết phục”…). Ai sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và truy cứu theo tội danh nào, theo tôi, thẩm quyền thuộc Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao. Còn họ có tội hay không, đương nhiên phải chờ một bản án có hiệu lực pháp luật.

Các luật sư trong hành trình minh oan cho ông Long cũng phản ánh, họ bị cơ quan điều tra cản trở rất nhiều trong việc tiếp cận hồ sơ, tiếp xúc với bị án. Trong tiến trình cải cách tư pháp, ông có đề xuất gì để hạn chế tình trạng này?

Luật sư bị cản trở khi tham gia hoạt động tố tụng đúng pháp luật là câu chuyện dài tập chưa có hồi kết. Chuyện này, đừng đổ lỗi cho riêng cơ quan điều tra. Mới đây, tôi bị “mời” ra ngoài, không cho ngồi cùng người khiếu nại trong một buổi tiếp công dân, mặc dù tôi đã phát biểu Luật Khiếu nại cho tôi cái quyền được tham gia buổi làm việc hôm đó. Người “mời” tôi ra ngoài là Phó chủ tịch một quận của Hà Nội. 

Nguyên nhân của hiện tượng này có nhiều lắm, trong phạm vi cuộc trao đổi này xin không kể ra. Tôi chỉ muốn khẳng định nếu những người trong bộ máy công quyền không tôn trọng quyền của người dân, quyền của bị can, quyền của luật sư - những quyền đã được Hiến định và Pháp định - thì những vụ án oan tương tự như vụ Hàn Đức Long sẽ còn tiếp tục xảy ra.

Xin cảm ơn luật sư!

Theo ông, bài học lớn nhất từ vụ án Hàn Đức Long là gì?

Như tôi vừa phát biểu, bài học lớn nhất là: Các cán bộ tiến hành tố tụng phải tôn trọng quyền con người, quyền công dân của nghi can, đã được Hiến định và Pháp định. Đây cũng là một trong các mục đích của cải cách tư pháp, sửa đổi Hiến pháp mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện.

MỚI - NÓNG