Lý do soạn thảo Đề án sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự:

Luật còn thiếu quyền gỡ tội…

Dự luật mới đã quy định nhiều quyền có lợi cho bị can, bị cáo (Ảnh minh họa). Ảnh: BT
Dự luật mới đã quy định nhiều quyền có lợi cho bị can, bị cáo (Ảnh minh họa). Ảnh: BT
TP - Còn thiếu những quyền căn bản liên quan đến việc gỡ tội, quyền, nhiệm vụ của cơ quan tố tụng còn thiếu, ảnh hưởng đến hoạt động, chất lượng của quá trình giải quyết các vụ án, quy định về thẩm quyền chưa chặt chẽ, dẫn đến chồng chéo giữa các cấp…

Đó là những lý do căn bản khiến Viện KSND Tối cao đang chủ trì soạn thảo Đề án sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự. Đề án vừa được trình lên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

7 vấn đề thiếu sót của luật hiện hành


Viện trưởng Viện KSND Tối cao - ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định, có 7 vấn đề của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành cần tháo gỡ. Cụ thể, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng còn thiếu, có nội dung chưa phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tố tụng… Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là người trực tiếp giải quyết vụ án, nhưng chỉ được giao thẩm quyền rất hạn chế, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, tiến độ giải quyết vụ án. Hoặc như quy định về thẩm quyền chưa rõ ràng, dẫn đến việc cơ quan tố tụng trung ương “làm thay” cơ quan tố tụng địa phương…

Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, luật hiện hành còn thiếu một số quyền quan trọng đảm bảo cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa thực hiện tốt việc bào chữa, gỡ tội; quy định về căn cứ tạm giam còn định tính và chủ yếu dựa vào sự phân loại tội phạm; quy định về một số biện pháp cưỡng chế tố tụng còn chưa cụ thể, thiếu biện pháp áp dụng trong tình huống người tham gia tố tụng không chấp hành luật định. Quy định về chứng cứ chưa phù hợp với tình hình diễn biến tội phạm, chưa thể hiện được yêu cầu tranh tụng đã trở thành nguyên tắc Hiến định... 

Đề án dự thảo nội dung Bộ luật Tố tụng hình sự mới cho thấy, đã có những điều chỉnh căn bản so với đạo luật hiện hành. 

Với cơ quan kiểm sát, dự thảo thể chế hóa chủ trương của Đảng về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra”. Cụ thể, dự luật quy định cơ quan công tố phải thực thi quyền công tố từ khi cơ quan điều tra giải quyết đơn tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung chứng cứ, phê chuẩn lệnh, quyết định của cơ quan điều tra hoặc trong trường hợp phát hiện dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật.

Đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội

Dự luật cũng yêu cầu cơ quan công tố phải trực tiếp hỏi cung bị can trong những trường hợp luật định. Đối với cơ quan xét xử, dự luật bổ sung một số quyền để đảm bảo tốt công tác tư pháp, như việc xem xét, kết luận về tính hợp pháp các hành vi, quyết định tố tụng của điều tra viên, kiểm sát viên, người bào chữa, xem xét, kết luận tính hợp pháp các chứng cứ, tài liệu do các chủ thể tố tụng thu thập, cung cấp.

Cũng tại dự thảo, một nội dung được đánh giá rất cao về tính nhân văn, nhân đạo trong quá trình xây dựng luật, đó chính là nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo đó, cụ thể hóa nội dung của Hiến pháp 2013: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, dự thảo quy định “suy đoán vô tội” là một nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự, qua đó khẳng định: “Mọi hoài nghi về tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu chưa được làm sáng tỏ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì phải xử lý theo hướng có lợi cho họ”.

Ngoài ra, đạo luật này còn nêu rõ: “Tòa án sẽ không mở phiên tòa nếu có căn cứ xác định việc điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nếu đã mở phiên tòa thì yêu cầu cơ quan điều tra, viện kiểm sát điều tra bổ sung để khắc phục vi phạm hoặc tuyên bố tính vô hiệu của chứng cứ đó”.

Và ghi nhận “quyền im lặng”

Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, trong quá trình xây dựng đề án, về căn bản, đại đa số đã tán thành những nội dung chính trong dự thảo, song vẫn còn xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Đơn cử như chế định quy định quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không phải đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình (hiểu ở góc độ khác chính là “quyền im lặng”).

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, đạo luật hiện hành đã quy định rõ: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định rõ hơn “quyền im lặng”, theo hướng: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình”.

Dự luật cũng lấy ý kiến thêm về nội dung “có hay không cho phép bị can đọc, ghi chép tài liệu trong vụ án”.

Thay mặt Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Trưởng Ban chỉ đạo) đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến và trình cơ quan có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất.

MỚI - NÓNG