> Thủ khoa 11 tuổi và bài văn điểm 10
Người mẹ bị ngã xe, cô bé 15 tuổi thờ ơ đứng nhìn; cậu con trai thuộc làu sở thích cùng cách ăn mặc của ca sĩ hâm mộ, trong khi mù tịt về nghề nghiệp và sở thích của chính những người sinh thành ra mình.
Đáng lưu ý những câu chuyện đáng chê trách kiểu này đang xảy ra khá phổ biến, nhất là tại các gia đình ở đô thị lớn có mức sống khá giả.
Trước đó, đề văn nghị luận xã hội về “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội” cũng đã được Bộ GD&ĐT đưa vào đề thi quốc gia môn ngữ văn trong đợt thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
Trước hết đây là biểu hiện đáng mừng trong việc thay đổi cách dạy văn và học văn trong trường phổ thông, tránh lối học vẹt, sáo rỗng, xa rời thực tiễn cuộc sống; tránh được cách dạy rập khuôn, máy móc, thậm chí áp đặt ở một lĩnh vực vốn rất cần lối tư duy độc lập, sáng tạo.
Hiện tượng cả một lớp tiểu học nhất loạt tả về cây hoa phượng, với câu mở đầu “Một trong những loài hoa em thích nhất là hoa phượng...” khi làm đề văn “hãy tả về loài hoa mà em yêu thích nhất” không hề hiếm.
Lý do đơn giản vì cô giáo đã dạy như thế, đã vô tình “bắt” các em chỉ được thích mỗi loài hoa phượng. Vô hình trung, càng học tư duy của các em càng bị xơ cứng trong lối hành văn, lối cảm thụ văn học.
Hậu quả là, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12, thậm chí cả đại học, vẫn không viết lên được chính kiến của mình một cách sâu sắc về bất kỳ một vấn đề nào.
Điều này lý giải, vì sao khả năng viết một bài luận của HS Việt Nam thường thua kém so với HS của nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến.
Song đáng chú ý, những căn bệnh đáng lo ngại nhất trong đời sống văn hóa xã hội hiện nay đã lần lượt được các chuyên gia giáo dục đưa vào đề thi cho tuổi học trò.
Điều này cho thấy, tư duy hay triết lý giáo dục dường như đã bắt đầu có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đó là việc rèn luyện đạo đức, lối sống, dạy cách làm người đã được chú trọng hơn, thay vì nhồi nhét một mớ kiến thức suông.
Đã đến lúc, những hành vi và lối sống văn minh, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội phải được dạy dỗ một cách chu đáo trong nhà trường.
Những vấn nạn nhức nhối mà cả xã hội đang quan tâm như thói giả dối, nạn tham nhũng, quan liêu... cũng rất cần được các công dân tương lai hiểu biết để rồi biết cách phòng tránh, trừ diệt trong tương lai.
Trang bị đầy đủ không chỉ kiến thức mà còn đạo đức, trách nhiệm công dân để các công dân Việt tương lai đủ trí tuệ, sức mạnh và bản lĩnh tiếp bước cha ông, đưa đất nước phát triển chính là mục tiêu cuối cùng của sự nghiệp giáo dục, chứ hoàn toàn không phải là những tỉ lệ đỗ tốt nghiệp “đẹp” đến mức đáng lo ngại như hiện nay.
Đằng sau những con số 99, 100% kia biết đâu lại đang làm hỏng chính nhân cách các em vì thói giả dối, vì bệnh thành tích ?