Bức xúc tỉnh nghèo xây trụ sở nguy nga
Mong muốn các nghị quyết và luật được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống, cử tri Phạm Đăng Cương (phường Chương Dương) đề nghị Quốc hội phải giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng. Cử tri Đặng Tài Tính (phường Cống Vị) cũng đề nghị việc giám sát của Quốc hội phải sát sao hơn. Ông Tính dẫn dụ việc thực hiện Luật Thủ đô chưa tốt, chưa thấy trách nhiệm của lãnh đạo thành phố Hà Nội, điển hình như vụ nhà 8B Lê Trực. Thậm chí, cử tri Phùng Duy Mận (phường Hàng Buồm) còn mong muốn Quốc hội giám sát chặt chẽ hơn nữa để người bệnh “đi nằm viện chứ không phải ngồi viện” vì tình trạng quá tải hiện nay.
Đặc biệt liên quan đến tình trạng “vung tay quá trán” của các địa phương, cử tri Nguyễn Vi Yên (phường Ngọc Khánh) đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ việc xây trụ sở hoành tráng tại các tỉnh, thành phố. “Có tỉnh nghèo năm nào ngân sách Trung ương cũng phải trợ cấp nhưng vẫn xây trụ sở nguy nga như cung điện. Một số tỉnh gần đây như Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Hải Dương, Hải Phòng trình đề án xây trụ sở cỡ hàng nghìn tỷ đồng trở lên, cá biệt Hải Phòng xây trụ sở 10 nghìn tỷ đồng, trong đó xin ngân sách Trung ương hỗ trợ 7.000 tỷ đồng. Xây dựng trung tâm hành chính không phải lúc này khi kinh tế khó khăn, nợ công cao, trong khi bệnh viện, trường học đang thiếu. Nếu cứ đi vay để xây trụ sở hàng ngàn tỷ đồng là không thể chấp nhận được”, ông Yên bày tỏ.
Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, khi có luật rồi giờ phải triển khai thực hiện theo luật. Tổng Bí thư cho biết, các tỉnh, thành phố đã Đại hội xong, giờ phải đẩy mạnh công việc sau Đại hội, triển khai các nghị quyết đề ra chứ không phải cứ ra nghị quyết là xong. Biến nghị quyết đi vào cuộc sống, thành hiện thực đó mới là điều khó. Tổng Bí thư cho rằng, các ý kiến phản ánh từ cử tri rất chính xác, đây cũng là những việc trăn trở, lo lắng hiện nay. “Trung ương cũng rất trăn trở, lo nghĩ làm sao sắp tới giữ đất nước ổn định, phát triển, làm sao giữ được chế độ, thành quả này”, Tổng Bí thư chia sẻ.
Kỳ vọng nhân sự Đại hội tới
Liên quan đến vấn đề nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, cử tri Đỗ Bá Quát (phường Quán Thánh) đề nghị phải chọn cho được người nói được nhưng phải làm được. Để mang lại hiệu quả cao, cử tri cho rằng, cần công khai dân chủ cho dân biết để dân lựa chọn cho hợp “ý Đảng, lòng dân”. “Từ bao lâu nay dân đã tin Đảng, bảo vệ Đảng, vậy thì Đảng phải tin dân, giao cho dân được quyền tham gia lựa chọn người”, ông Quát cho hay.
Còn cử tri Đặng Tài Tính (phường Cống Vị) phản ánh, người dân và cử tri mong muốn nhiệm kỳ này phải thực hiện đúng theo các tiêu chí Ban chấp hành Trung ương đã đề ra, đặc biệt cần phải đề cao tinh thần đoàn kết trong Đảng. “Đảng kêu gọi nhân dân đoàn kết thì phải đoàn kết ngay trong Đảng. Không để một bộ phận trong Đảng không đoàn kết, làm mất uy tín trong Đảng”, ông Tính nêu.
Băn khoăn trước thực trạng tham nhũng, lãng phí ngày càng tinh vi nghiêm trọng nhưng chống tham nhũng lại chưa đạt được mục tiêu mong muốn, cử tri Bùi Minh Dần (phường Vĩnh Phúc) cho rằng, tham nhũng không đứng một người mà có sự dây mơ rễ má. “Tham nhũng thế này làm kinh tế thiệt hại, lòng dân chưa yên. Thực tế đó là do người đứng đầu chưa nghiêm, chưa cải cách mạnh mẽ bộ máy, kể cả trong Đảng”, ông Dần nhìn nhận, đồng thời cho biết cử tri rất mong đợi vào nhân sự Đại hội Đảng lần thứ 12.
Trước những băn khoăn của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, vấn đề nhân sự đang triển khai tích cực theo từng bước, từng khâu một cách chặt chẽ, bài bản, chắc chắn nhưng cũng còn khó khăn. Trước lo ngại về bộ phận hư hỏng trong Đảng, Tổng Bí thư cho rằng, phải làm sao xây dựng, lựa chọn cho được cán bộ gương mẫu, cơ sở phải vững chắc, cơ sở mà có vấn đề thì là từ gốc rễ rồi. Đại hội tới, làm sao lựa chọn được đội ngũ lãnh đạo kiên định, trình độ nhưng gắn bó với dân, được nhân dân ủng hộ.
Muốn như vậy, trước tiên bản thân người đó phải trong sáng, bởi nếu tham nhũng, hư hỏng thì dân có tin được không? Tổng Bí thư khẳng định, xây dựng Đảng là vấn đề then chốt, trong đó cán bộ là nhân tố quyết định, mà trước tiên phải đề cao phẩm chất đạo đức, như Bác Hồ đã nói “đức là gốc”. Muốn vậy phải biết dựa vào dân, dựa vào cử tri để sáng suốt trong lựa chọn.
Trước ý kiến của cử tri về vụ 8B Lê Trực, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, quan điểm của Hà Nội là kiên quyết xử lý và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo đúng giấy phép xây dựng được cấp. Vừa qua chủ đầu tư đã có văn bản xin lỗi Thủ tướng, thành phố và nhân dân. Hiện nay công trình này đang trong quá trình triển khai tháo dỡ phần sai phép. Trong trường hợp tiến độ không đảm bảo thì thành phố sẽ giao Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình thực hiện phá dỡ.
Cùng ngày, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng, ông Phạm Quang Nghị, chỉ đạo Đảng bộ Hà Nội cũng cho biết, đề xuất hiến phần vi phạm tại 8B Lê Trực cho Nhà nước sử dụng là không thể chấp nhận được, không thể khuyến khích việc làm sai. “Làm vậy chẳng khác nào Nhà nước đi sử dụng sản phẩm trái phép, thậm chí nói nặng lời là sử dụng của gian. Rồi sau ông này, ông kia cứ theo bài đấy mà làm, nếu bị phát hiện thì nộp cho Nhà nước, không bị phát hiện thì hưởng lợi. Những việc ấy dứt khoát không thể chấp nhận được”, ông Nghị nói.
DN