Lũ quét, lở đất do mất rừng: Ai chịu trách nhiệm?

Lũ quét, lở đất do mất rừng: Ai chịu trách nhiệm?
TP - Thời gian qua, cứ mưa lớn là có lũ quét, sạt lở đất và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt là các tỉnh miền núi từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc. Cùng với những biến đổi bất thường về khí hậu, những cánh rừng -“lá phổi xanh” đang bị “cạo trọc” dần để cho những sân golf, thủy điện, resort… mọc lên, khiến thiên tai khốc liệt hơn.
Lũ quét, lở đất do mất rừng: Ai chịu trách nhiệm? ảnh 1

Mưa lớn kéo dài 4 ngày khiến gần 200m Quốc lộ 6 qua huyện Mai Châu, Hòa Bình bị ngập sâu gần 2m, giao thông tê liệt (trong ảnh: Người dân dùng bè chở xe máy qua đoạn ngập). Ảnh: Hiếu Lê.

9 tháng, 1.700 vụ phá rừng

Trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện gần 1.700 vụ  phá rừng trái pháp luật... Riêng khu vực Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay phát hiện 757 vụ, tăng 88 vụ (13%), diện tích rừng bị thiệt hại gần 420 ha, tăng 145 ha (trên 50%) so với cùng kỳ 2016.

Điển hình như tại Đắk Nông, diện tích rừng bị phá từ đầu năm đến nay tới 225 ha, tăng gần 100 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh này đã phải huy động công an, quân đội, kiểm lâm để ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân, buông lỏng quản lý để mất rừng; yêu cầu công an khởi tố nhiều vụ án phá rừng trái pháp luật.

Tại Kon Tum, lực lượng chức năng  phát hiện vụ khai thác rừng trái pháp luật tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, huyện Sa Thầy và tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Ngọc Hồi, huyện Ngọc Hồi với tổng khối lượng gỗ vi phạm gần 750 m3.

Trong khi đó, tâm điểm phá rừng thời gian qua ở khu vực phía Bắc được nhắc đến nhiều là ở tỉnh Điện Biên. Tại huyện Mường Nhé, từ năm 2016 đến 9/2017, đã phát hiện 295 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 288 ha rừng. Hiện cơ quan chức năng địa phương đã yêu cầu lực lượng liên ngành, triển khai các giải pháp và theo đánh giá bước đầu, tình trạng phá rừng đã được ngăn chặn. Đáng lưu ý, gần đây, lợi dụng chủ trương trồng hoa Anh Đào, Công ty CP Hoa Anh Đào Trần Lệ cũng đã phá rừng đặc dụng Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) với lý do lấy đất trồng hoa.

Còn tại Bắc Kạn, vụ khai thác cây gỗ nghiến trái pháp luật quy mô lớn tại Vườn quốc gia Ba Bể, khối lượng trên 250 m3 gỗ, cũng đang được tỉnh này chỉ đạo khẩn trương xử lý theo quy định của pháp luật...

Đáng lưu ý, một số vụ phá rừng nghiêm trọng ở các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Bắc Kạn, Điện Biên được phát hiện chậm.Theo Bộ NN&PTNT, chính việc xử lý thiếu kiên quyết, không nhất quán, thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng, gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng, gây bức xúc trong xã hội.

Lũ quét, lở đất do mất rừng: Ai chịu trách nhiệm? ảnh 2

Những cánh rừng phòng hộ ở Quảng Nam bị phá thời gian qua. Ảnh: Hoài Văn.

Gần 90% diện tích rừng bị mất là do sân golf, thủy điện, resort

Gần đây, do nhu cầu cần đất để làm thủy điện, sân golf, xây dựng khu nghĩ dưỡng, nênviệc chuyển đổi mục đích dụng rừng và đất lâm nghiệp diễn ra  ồ ạt ở nhiều địa phương.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), chỉ hơn 5 năm qua (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%.

Từ tổng hợp của 58 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, trong khoảng 5 năm qua, các cơ quan nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng gần 38.300 ha/1.892 dự án. Trong đó rừng tự nhiên gần 19.000 ha, rừng trồng hơn 15.800 ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp trên 3.500 ha.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 13 (12/1/2017) của Ban Bí thư về hạn chế thấp nhất việc chuyển mục đích sử dụng rừng, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật, Bộ đã đề nghị các địa phương rà soát việc chuyển đổi trên từ nay đến năm 2020.

Theo đó, đến hết tháng 9/2017, qua báo cáo từ 30 địa phương, diện tích rừng đã, đang và sẽ có kế hoạch chuyển đổi đến năm 2020 hơn 60.100 ha với 1.071 dự án. Trong đó, rừng tự nhiên gần tự nhiên gần 16.900 ha, rừng trồng gần 29.000 ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp gần 14.300 ha. Với diện tích trên, nếu phân chia theo loại rừng, sẽ có 880 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ gần 9.600 ha và gần 50.000 ha rừng sản xuất sẽ biến mất.

Bộ NN&PTNT cho rằng, việc các địa phương đề nghị chuyển đổi 60.100 ha, trong đó rừng tự nhiên gần 16.900 ha là rất lớn, cần phải được xem xét kỹ lưỡng, quản lý đúng pháp luật.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, trong thời gian qua, một số địa phương đã giải quyết chuyển mục đích sử dụng rừng thiếu chặt chẽ, quản lý lỏng lẻo, để xảy ra sai phạm.

“Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án ở một số địa phương không được điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng nên dẫn đến tình trạng quy hoạch luôn bị phá vỡ, nhiều dự án chưa chấp hành nghĩa vụ trồng rừng thay thế và đánh giá tác động môi trường”.

Ông Tuấn cũng lưu ý, những sai phạm tại các dự án trồng cao su trước đây vẫn tồn tại, chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí một số nơi có biểu hiện vì lợi ích trước mắt, cục bộ địa phương.

Có thể thấy, hàng loạt sai phạm  làm mất rừng diễn ra ở Phú Yên, trong đó có dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam và dự án đầu tư Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, tỉnh Phú Yên.

Trong đó, dự án New City Việt Nam chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, nhưng địa phương đã cho triển khai thi công, đốn hạ rừng là trái quy định. Riêng dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại hai tiểu khu rừng 310, 311 ở huyện Sông Hinh, không có trong quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt…Với dự án này, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp khi chưa có phương án trồng rừng thay thế là vi phạm các quy định.

Hay tại dự án siêu nghĩa trang, lấy đất rừng phòng hộ ở khu vực núi Ngang (xã Bồ Lý, Tam Đảo) ở Vĩnh Phúc cũng gặp sự phản đối của dư luận. Trước sức ép đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy cho dừng chủ trương nghiên cứu triển khai lập quy hoạch dự án. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình sau đó cũng yêu cầu Vĩnh Phúc kiểm tra, làm rõ thông tin trong báo chí phản ánh, việc “Vĩnh Phúc: Chặt rừng phòng hộ làm nghĩa trang hay đào khoáng sản”.

Mất rừng và cái giá đánh đổi

GS Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia đầu ngành lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: “Khi lũ lụt, sạt lở, hạn hán xảy ra, bên cạnh nguyên nhân do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thì  chúng ta biết rõ là do mất rừng và vai trò của rừng quan trọng đến đâu”.

Theo GS Lung, tại sao trước kia ít bị hạn hán, thiên tai, vì lúc thời đó rừng tự nhiên che phủ rất nhiều. GS Lung cũng cho biết, rừng nhiệt đới có nhiều tầng, có cây 40-50m, dưới còn có thảm thực vật và các tầng cây khác. Nếu lượng mưa không lớn, nước chỉ ở trên tầng các lá cây, thậm chí không rơi được xuống đất. Còn khi nước mưa xuống đất, đã có lớp đầu thảo mục (cành, lá cây mục…) sẽ giữ nước tới 80-90% và ngấm dưới đất tạo thành mạch nước ngầm. Còn nước mặt 10-20% là lượng nhỏ, ít có khả năng gây lũ ống, lũ quét cho con người.

“Khi có rừng nhiệt đới, dù đất dốc cũng không cảm thấy lo ngại về lũ quét, sạt lở. Do vậy, cho dù rừng tự nhiên hết gỗ, nhưng nó vẫn có tác dụng vẫn đảm bảo môi sinh, điều tiết nước được, dù là rừng nghèo kiệt”-GS Lung nói.

Trong khi đó, theo vị chuyên gia này, với các loại rừng khác, chỉ có tác dụng cản lũ và giữ nước khoảng 20-50% so với rừng tự nhiên.

“Muộn còn hơn không, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp lý để đóng cửa rừng tự nhiên. Nếu cứ thi nhau chuyển đổi, lấy rừng để làm thủy điện, làm dự án nghỉ dưỡng, chúng ta sẽ trả giá rất lớn”- GS Lung cảnh báo.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống Thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, chỉ trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người, thiệt hại bình quân hàng năm 20.000 tỷ đồng (chiếm 1-1,5 GDP). Trong đó, riêng năm 2016, hơn 40.000 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD) đã “trôi sông” do thiên tai và từ đầu năm 2017 đến nay, con số thiệt hại cũng bằng gần một nửa so với năm ngoái.

Tại cuộc họp trực tuyến về bảo vệ và phát triển rừng cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm ba chủ trương. Theo đó, một là tiếp tục thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên.

 Hai là, kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư và Nghị quyết 71 của Chính phủ. Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện.

Ba là, không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học. Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển. Không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng.

Tìm thấy thêm 3 thi thể trong vụ lở đất tại Hòa Bình

Lũ quét, lở đất do mất rừng: Ai chịu trách nhiệm? ảnh 3
Ngày 15/10, lực lượng cứu nạn tìm thấy thêm thi thể 3 nạn nhân trong vụ sạt lở đất vùi lấp 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình). Các nạn nhân được tìm thấy là chị Đinh Thị Sinh (36 tuổi), Bùi Thị Son (SN 2008) và Đinh Công Thắng (SN 2017). Được biết, cả 3 nạn nhân đều là người trong gia đình. Trong đó, cháu Đinh Công Thắng mới được hơn 3 tháng tuổi.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại đã có 13 thi thể được phát hiện, 5 người khác vẫn mất tích trong vụ sạt lở đất. Lãnh đạo UBND xã Phú Cường cho biết: “Hiện nay, lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm theo hình thức cuốn chiếu, để tránh sót lại các nạn nhân. Chiều 14/10, lực lượng đã cho nổ mìn phá đá để tìm kiếm các nạn nhân còn lại”.    

                Xuân Ân

MỚI - NÓNG