Lũ lụt ở Trung Quốc diễn biến phức tạp

Thị trấn Do Đôn, Giang Tây ngập do vỡ đê hôm 13/7
Thị trấn Do Đôn, Giang Tây ngập do vỡ đê hôm 13/7
TP - Diễn biến gần đây, lũ lụt ở Trung Quốc đã làm 141 người chết và mất tích; 28.000 ngôi nhà bị đổ; gây thiệt hại kinh tế trực tiếp là 86,16 tỷ Nhân dân tệ (hơn 12 tỷ USD). Dự báo diễn biến phức tạp…

Cơn lũ thứ hai trên sông Dương Tử trong năm nay được hình thành vào 17/7 dự kiến sẽ đến Vũ Hán trong vòng 4 đến 5 ngày nữa. Bộ phận thủy văn dự báo đỉnh lũ mới sẽ đi qua thành phố Trùng Khánh. Mực nước tại trạm Thốn Thán đạt 19,88 mét vào lúc 11 giờ sáng 18/7 - mực nước cao nhất kể từ đầu mùa lũ năm nay.

Cục Quản lý An toàn Hàng hải Trùng Khánh đã đưa ra cảnh báo áp đặt tạm thời cấm giao thông trên các sông nhánh và dòng chính sông Dương Tử. Trong khi đó, ở trung và hạ lưu mực nước sông Dương Tử và các hồ Động Đình, Phàn Dương, Thái Hồ đều rất cao, đã xuất hiện vỡ đê ở nhiều nơi gây ngập lụt nghiêm trọng.

Tại Giang Tô mực nước tại trạm Nam Kinh trên sông Dương Tử đã tăng lên 10,26 mét lúc 7h50 sáng thứ Bảy; nhà chức trách quyết định nâng cấp thành cảnh báo lũ màu Đỏ (mức cao nhất). Trạm thủy văn Vương Gia Bối trên dòng chính của sông Hoài Hà ở An Huy đã đón Cơn lũ số 1 Hoài Hà năm 2020 vào thứ Sáu (17/7), mực nước đang tiếp tục tăng nhanh. Trong 3 ngày tới, vẫn sẽ có mưa lớn trên toàn tỉnh An Huy. Trước tình hình cực kỳ nghiêm trọng hiện nay, Sở Thủy Lợi An Huy đã quyết định ban hành Lệnh ứng phó khẩn cấp cấp 1 (cấp cao nhất) vào lúc 3 giờ chiều ngày 18/7.

Ngày 17/7, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã  họp bàn nghiên cứu và triển khai công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai. Ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư đã phát biểu chỉ ra rằng, các địa phương phải đặt việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân lên hàng đầu. Hiện nay vẫn mưa rất nhiều tại khu vực trung, thượng lưu Trường Giang, các địa phương phải chuẩn bị sẵn, “thà chuẩn bị sẵn mà không dùng, quyết không để khi cần dùng không có sẵn”. Cuộc họp cũng nhấn mạnh cần phải làm tốt công tác phục hồi và tái thiết sau thiên tai, phân bổ quỹ cứu trợ thiên tai kịp thời và nhanh chóng khôi phục trật tự sản xuất và cuộc sống trong khu vực bị thiên tai.

Lũ lụt ở Trung Quốc diễn biến phức tạp ảnh 1 Đê vỡ ở huyện Phàn Dương, Giang Tây

Theo The Paper, ông Ngạc Cánh Bình, Bộ trưởng Thủy Lợi, Phó tổng chỉ huy phòng chống thiên tai quốc gia chiều ngày 16/7 đã chủ trì hội nghị và chỉ ra rằng lưu lượng dòng chảy của Hồ chứa Tam Hiệp dự kiến sẽ có một đỉnh mới và tiếp diễn tình trạng lưu lượng nước rất lớn bất lợi đổ vào. Cần phối hợp tình hình kiểm soát lũ của thượng, trung và hạ lưu sông Dương Tử để điều độ hồ Tam Hiệp. Ông cũng tuyên bố rằng việc kiểm tra và bảo vệ đê trong lưu vực hồ Thái Hồ và xả lũ hết mức vẫn là ưu tiên hàng đầu hiện nay, phải tiếp tục kiểm tra, bảo vệ lưu vực Thái Hồ và xả lũ hồ Thái Hồ hết công suất. Ông cũng nói tình hình phòng chống lũ ở lưu vực sông Hoài tồi tệ hơn dự kiến.

Theo trang web của Cục quản lý lưu vực hồ Thái Hồ của Bộ Thủy Lợi, mực nước hồ đã tăng lên 4,65 mét. Lúc 8 giờ sáng ngày 17/7, cơ quan quản lý Thái Hồ phát lệnh báo động Đỏ (mức nghiêm trọng  nhất về lũ lụt), nhấn mạnh tình hình đã ở mức “cực kỳ nghiêm trọng” và khởi động ứng phó khẩn cấp phòng chống lũ cấp 1 (cấp cao nhất), yêu cầu sở Thủy Lợi của các tỉnh, thành phố Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải... trong lưu vực đồng loạt xả lũ Thái Hồ.

Liệu trận lũ số 2 trên sông Dương Tử hình thành vào ngày 17/7 ảnh hưởng đến đập Tam Hiệp như thế nào? Có làm cho tình hình kiểm soát lũ ở lưu vực sông Dương Tử trở nên nghiêm trọng hơn... Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) tối 17/7 đã phỏng vấn ông Trương Kiến Quân, Viện sĩ Công trình, Viện trưởng Viện nghiên cứu bảo tồn và phát triển Xanh sông Dương Tử. 

 Ông Trương cho rằng hồ chứa Tam Hiệp sẽ không mang lại bất kỳ ảnh hưởng đặc biệt nào. Tuy nhiên, ông cảnh báo do đỉnh Cơn lũ số 1 vẫn đang trong quá trình rút, mực nước ở trung và hạ lưu sông Dương Tử nói chung vẫn rất cao; tình hình chống lũ hiện khá căng thẳng, khu vực nguy hiểm vẫn là hai hồ Phàn Dương, Động Đình và một số nhánh sông. Cơn lũ số 1 khiến mực nước ở 10 trạm vượt quá mực nước cao nhất lịch sử.

Các khu vực này có thể bị nặng thêm do Cơn lũ số 2 sông Dương Tử và lượng mưa trong khoảng thời gian tới. Ngoài ra, tại một số nhánh sông, như sông Tần Hoài ở Giang Tô và hồ Sào Hồ ở An Huy, mực nước hiện đang ở mức cao, đã vượt quá hoặc tiếp cận mực nước cao nhất trong lịch sử và vượt mức nước được bảo đảm. Tình hình lũ lụt hiện rất nghiêm trọng, cần coi trọng cao độ.

Mưa lũ đã gây nên thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo ông Trịnh Quốc Quang, tổng thư ký Ủy ban phòng chống thiên tai quốc gia và Thứ trưởng Bộ quản lý khẩn cấp, tính đến 7 giờ sáng ngày 13/7, lũ lụt đã khiến 38,73 triệu người ở 27 tỉnh, khu tự trị và đô thị trên cả nước bị ảnh hưởng, 141 người chết và mất tích; 28.000 ngôi nhà bị đổ; gây thiệt hại kinh tế trực tiếp là 86,16 tỷ Nhân dân tệ (hơn 12 tỷ USD).

Tại An Huy, tính đến 11 giờ ngày 15/7, 2.791.000 người đã bị ảnh hưởng, 543.000 người đã được di dời khẩn cấp, 265,3 nghìn ha diện tích cây trồng bị tàn phá. Tại Giang Tây, tính đến ngày 13/7, lũ lụt đã khiến 6 triệu người bị ảnh hưởng, 589 nghìn người đã được di dời, tái định cư và 196 ngàn người phải cứu trợ khẩn cấp, thiệt hại kinh tế trực tiếp 11,17 tỷ NDT... Dự báo, do tình hình mưa lũ đang tiếp tục diễn biến phức tạp nên thiệt hại về người và của trong thời gian tới tại các địa phương có thể sẽ rất nghiêm trọng.

MỚI - NÓNG