Lạnh nhìn đập Tam Hiệp, quy trình chế một trái bom

Hình ảnh Tam Hiệp ngày 6/7/2020 trên truyền hình Trung Quốc
Hình ảnh Tam Hiệp ngày 6/7/2020 trên truyền hình Trung Quốc
TP - Đập thủy điện Tam Hiệp được thiết kế chủ yếu để kiểm soát lũ lụt, nhưng bây giờ nó chính xác là làm tăng nguy cơ lũ lụt. Cả thượng lưu và hạ lưu đều chịu áp lực rất lớn, nếu không xả nước, thượng lưu sẽ bị ngập. Xả nước thì hạ lưu bị ngập. Kết quả là hai phía đều bị ảnh hưởng.

Ông Phan Gia Tranh, người được mệnh danh là «kiến trúc sư trưởng của đập Tam Hiệp», là một chuyên gia hàng đầu về thủy lợi, khi về già có viết một quyển sách, tựa là “Giấc mộng Tam Hiệp”. Ông kể đã mơ một giấc mơ khủng khiếp:  Bị dẫn độ ra “tòa án quốc tế về sinh thái môi trường”. Tại đó ông bị thẩm vấn, bị buộc tội và cuối cùng bị tuyên án. Lời tuyên án ghi rõ, bị can Phan Gia Tranh bị khai trừ khỏi loài người, bị ném xuống ma đạo, dẫn đến địa ngục, phải chịu mọi cảnh đau đớn không nguôi…

Là một chuyên gia hàng đầu về thủy lợi, ông Phan Gia Tranh biết rõ lợi hại của Dự án Tam Hiệp. Ông đã liệt kê ra đến 20 điểm khuyến cáo coi là không phù hợp nếu xây dựng đập. Nhưng rồi được sự “giúp đỡ giáo dục” sau đó ông lại trở thành chuyên gia hàng đầu của Dự án... Ông đã khuất phục trước áp lực chính trị. Công trình Tam Hiệp đã hoàn thành, hậu quả xấu đã nhãn tiền. Ông Phan mang một gánh nặng tinh thần. Và ông đã cho ra đời cuốn sách hy vọng làm vơi nhẹ phần nào, cuốn “Giấc mộng Tam Hiệp”.

Lạnh nhìn đập Tam Hiệp, quy trình chế một trái bom ảnh 1 Cột mốc biểu thị độ cao của đập Tam Hiệp so với mặt nước biển

Từ điển Wikipedia cho biết, đập Tam Hiệp được lấy tên từ 3 hẻm núi lớn theo hướng tây-đông: Hẻm núi Cù Đường, Võ Hiệp và Tây Lăng. Các hẻm núi này kéo dài khoảng 200km dọc theo thượng và trung lưu của sông Dương Tử. Đập được làm từ bê tông và thép, có chiều dài 2.355m, đỉnh đập cao 185 mét trên mực nước biển, lớn gấp 5 lần so với đập Hoover của Mỹ. Công trình đã sử dụng 27,2 triệu mét khối bê tông (chủ yếu cho thành đập cao 181 mét so với nền đá), 463.000 tấn thép, đào 102,6 triệu mét khối đất. Mực nước cao tối đa của đập là 175m trên mực nước biển, cao hơn mực nước sông ở hạ nguồn 110 m, vùng hồ chứa có chiều dài trung bình khoảng 660 km và rộng 1,12 km. Vùng hồ chứa có thể tích 39,3 km3 và tổng diện tích bề mặt nước 1045 km2.

Năm 1919, Tôn Trung Sơn lần đầu tiên đề xuất xây đập trên sông Dương Tử, đoạn qua tỉnh Hồ Bắc. Ông tin rằng, đập thủy điện được xây dựng ở đây có thể giúp bảo vệ các cộng đồng dân cư ở lưu vực sông khỏi lũ lụt nặng nề. Nhưng ý tưởng này cuối cùng đã bị bỏ dở vào năm 1947 do nội chiến giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng.

Nước CHND Trung Hoa ra đời năm 1950, muốn đại nhẩy vọt lên CNXH. Tháng 2/1953, trong một chuyến thăm sông Dương Tử, Chủ tịch Mao Trạch Đông phàn nàn rằng các dự án kiểm soát lũ trên các nhánh sông Dương Tử không hiệu quả. Từ tháng 6 đến tháng 9/1954: 1/3 thành phố Vũ Hán bị nhấn chìm trong lũ lụt ảnh hưởng đến 18,8 triệu người. Các trận lụt lội lớn đã làm sống lại ý tưởng của Tôn tiên sinh và chính quyền Trung Quốc đã chấp thuận dự án đập Tam Hiệp vào năm 1954.

Cùng với việc khơi lại dự án Tam Hiệp, vào năm 1954-1957, Chủ tịch Mao bắt đầu nhấn mạnh khẩu hiệu “nhân định thắng thiên”, tuyên bố cải tạo làm sạch sông Hoàng Hà: Thực hiện dự án thủy lợi “Tam Môn Hiệp”. Dự án do các chuyên gia Liên Xô thiết kế được trình lên. Chính phủ từ chối tiếp nhận những ý kiến phản biện của chuyên gia Hoàng Vạn Lý, một giáo sư đại học Thanh Hoa, cũng là người sau này kiên quyết phản đối xây dựng đập Tam Hiệp. Người Trung Quốc khi đó kiêu hãnh nói rằng, Quốc dân đảng được tư vấn của chuyên gia Mỹ, dự kiến công trình trị thủy sông Hoàng tốn cả trăm năm, nước Trung Quốc mới sẽ chỉ làm nó trong 6 năm.

Năm 1960, đập Tam Môn Hiệp đã tích nước, nhưng hoàn toàn thất bại trong việc điều chỉnh lũ lụt, làm sạch sông Hoàng. Các sông ở thượng lưu là Vị Hà, Đồng Quan cùng 80 vạn mẫu ruộng phì nhiêu của Quan Trung bị ngập nước. Sau đó, không ít lần Mao Trạch Đông và lãnh đạo chính phủ nói rằng, nếu không thể khắc phục thì có thể phá bỏ đập. Nhưng chính phủ kế tục không biết thừa nhận sai lầm, rút ra bài học kinh nghiệm. Họ lặp lại nó ở Tam Hiệp. Dù rằng việc xây dựng đập Tam Hiệp chỉ đến năm 1993, sau 17 năm Mao Trạch Đông chết, mới được bắt đầu. 

Nhìn lại thì thấy, việc xây dựng đập Tam Hiệp đã được thảo luận từ những năm 1950, nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra và ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực hết sức trái ngược. Đến cuối những năm 1980, khi Triệu Tử Dương nắm quyền Tổng bí thư, tính đến sự phản đối mạnh mẽ từ bên ngoài đảng, Triệu đã trình bầy với Đặng Tiểu Bình xin đình chỉ Dự án.

Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình nói rằng, khởi động Dự án có những vấn đề chính trị, nhưng không khởi động thì còn nhiều vấn đề chính trị hơn, vì vậy vẫn phải khởi động. Ý kiến của Đặng Tiểu Bình rất rõ ràng, không chấp nhận ai đó bên ngoài đảng chống lại. Càng nhiều người phản đối, càng phải kiên trì.

Dự án đập Tam Hiệp còn được ủng hộ mạnh mẽ và tích cực thúc đẩy bởi hai lực lượng. Một là lực lượng làm điện lực đứng đầu là thủ tướng Lý Bằng. Hai là Tiền Chính Anh bộ trưởng thủy lợi và hệ thống liên quan. Sự hỗ trợ của hai lực lượng này để khởi động Dự án Tam Hiệp cho thấy có một nền tảng của lợi ích ngành (nhóm) trong việc hình thành các chính sách.

Lẽ dĩ nhiên Dự án đập Tam Hiệp liên tục được các quan chức nhấn mạnh là đem lại lợi ích kinh tế to lớn. Không có gì phải nghi ngờ Dự án Tam Hiệp có thể tăng sản lượng điện. Nhưng ngoài lợi ích kinh tế, những thiệt hại khác do một dự án lớn gây ra, chẳng hạn như các vấn đề đời sống của người chuyển cư, những thiệt hại không thể khắc phục đối với vô số di tích lịch sử văn hóa, những tác động tiêu cực đến môi trường nói chung… đã không được quan tâm. Trung Quốc muốn phát triển kinh tế bằng mọi giá. Một dự án lớn như vậy, ngay cả khi buộc phải chính thức thừa nhận rằng sau một thời gian, lợi ích sẽ giảm dần, nhưng đối với các nhà hoạch định chính sách, đó là tương lai, họ sẽ để những người tương lai giải quyết.

Năm 1989, Giang Trạch Dân và Lý Bằng với tư cách Tổng bí thư và Thủ tướng bắt đầu thúc đẩy dự án. Lý Bằng trong “Nhật ký Tam Hiệp” đã viết: “Đồng chí Đặng Tiểu Bình, người thiết kế chính của cải cách và mở cửa của Trung Quốc, đã đưa ra một quyết định lớn về việc xây dựng Dự án Tam Hiệp. Sau năm 1989, tất cả các quyết định lớn về Dự án Tam Hiệp được đưa ra bởi đồng chí Giang Trạch Dân, người đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng Dự án”.

Dưới đây là một số mốc thời gian. Năm 1979, Bộ Thủy lợi Trung Quốc trình đề xuất xây dựng đập Tam Hiệp lên Quốc vụ viện. Năm 1982, Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cam kết xây dựng đập Tam Hiệp. Tháng 6/1986, Bộ Thủy lợi Trung Quốc thành lập một nhóm gồm 412 chuyên gia làm báo cáo các nghiên cứu khả thi mới. Năm 1987, Phái đoàn Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc đến thăm khu vực Tam Hiệp và cảnh báo dự án là không khả thi.

Ngày 13/7/1990, một ngày trước khi kết thúc thảo luận về Báo cáo khả thi dự án Tam Hiệp, Giang Trạch Dân và Lý Bằng mời các lãnh đạo và chuyên gia tham dự họp ăn tối. Tại bữa ăn, Châu Bồi Nguyên, phó chủ tịch Ủy ban quốc gia của Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính Hiệp), nói: “Ngày mai Thủ tướng Lý Bằng có thể sẽ đưa ra quan điểm chính thức về Dự án Tam Hiệp. Nhưng Dự án vẫn còn một số vấn đề không thể không nghiên cứu kỹ, đặc biệt là vấn đề an ninh quốc phòng”. Giang Trạch Dân đã chặn lời Châu Bồi Nguyên, nói: “Dự án Tam Hiệp nhất định phải hoàn thành và sẽ mang lại lợi ích cho các thế hệ tương lai”. Châu Bồi Nguyên vẫn giữ ý kiến phản đối. Ông chết bệnh vào năm 1992.

Tháng 4/1992, Quốc hội Trung Quốc chính thức phê duyệt dự án, nhưng 1/3 số đại biểu bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng.

Năm 1992, Thủ tướng Lý Bằng đi cùng các lãnh đạo địa phương thị sát Tam Hiệp. Lý Bằng vào thăm nhà một người dân vừa chuyển cư lên trên mốc trữ nước ở đỉnh cao 175 mét. Ngài thủ tướng văn vẻ nói với người dân chuyển cư: Anh bạn hãy nhìn xem, trong tương lai, ngôi nhà mới của anh sẽ nằm cạnh sông Dương Tử. Và con sông sẽ biến thành một hồ nước lớn. Cái vườn sau nhà anh có thể trồng cam. Khi con tầu chở khách kéo còi chạy qua, những trái cam chín đỏ sẽ rung rinh theo và rơi xuống.

Người dân chuyển cư nở một nụ cười ngơ ngơ. Anh ta thực sự không thể hiểu, tại sao thủ tướng nói rằng khi tiếng còi vang lên trong không trung, những quả cam trên cây của anh ta sẽ rơi xuống?

Đứng trên cột mốc 175 mét độ cao, Lý Bằng thực sự là một cột mốc. Cột mốc chỉ dấu cho tương lai khó lường của người chuyển cư nhường nhà ở, đất đai cho lòng hồ và cho cả đập Tam Hiệp.

Trung Quốc tổ chức khởi công xây dựng đập Tam Hiệp vào tháng 12/1994. Và tiến hành chặn dòng Dương Tử vào tháng 11/1997. Đến tháng 5/2006, con đập cao 185 m với khoảng 16 triệu mét khối bê tông được hoàn tất. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, trong quá trình xây dựng đập, hơn 100 công nhân đã chết.

Khoảng 1,3 triệu người đã phải tái định cư. Hàng chục địa điểm kiến trúc và văn hóa bị dìm sâu trong lòng hồ. Trong số các di tích này, đáng chú ý nhất là di tích của nhóm người cổ sống trong khu vực này khoảng 4.000 năm trước. Chi phí cũng tăng cao. Các báo cáo chính thức thông tin ngân sách xây dựng đập Tam Hiệp ở mức 24 tỉ USD. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, chi phí thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số công bố, có thể lên đến 88 tỉ đô la. Có một điểm đáng lưu ý, hai nhiệm kì Hồ Cẩm Đào làm Tổng bí thư, xuất thân là cựu sinh viên đại học Thanh Hoa, kĩ sư thủy lợi, nhưng ông không một lần đặt chân đến Tam Hiệp.

Theo dự báo và cũng là thực tế đã xảy ra, tháng 7 năm nay có mưa lớn chưa từng thấy ở miền thượng lưu sông Dương Tử. Dư luận Trung Quốc lo ngại “đại hồng thủy”, đập Tam Hiệp đã nhiều lần phải mở cửa xả lũ, có thể không chống đỡ nổi, khiến 400 triệu dân dưới hạ lưu, bao gồm Vũ Hán, Thượng Hải bị đe dọa.

Như vậy đập thủy điện Tam Hiệp được thiết kế chủ yếu để kiểm soát lũ lụt, nhưng bây giờ nó chính xác là làm tăng nguy cơ lũ lụt. Cả thượng lưu và hạ lưu đều chịu áp lực rất lớn, nếu không xả nước, thượng lưu sẽ bị ngập. Xả nước thì hạ lưu bị ngập. Kết quả là hai phía đều bị ảnh hưởng. Những tin tức xấu không ngừng được tiết lộ. Tân Hoa Xã đưa tin các sông ở thượng lưu Dương Tử, các sông Ô giang, Mân giang, Đà giang đều mưa to lũ lớn, lượng nước đổ vào hồ thủy điện Tam Hiệp tăng gấp đôi. Huyền thoại có thể là hoang ngôn. Từ khi đập Tam Hiệp bắt đầu tích nước cho đến nay, thời gian đủ dài để có thể nhìn lại hiện thực và suy ngẫm.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.