> Lớp học bên kia ánh hào quang
Đứng lớp là một bà giáo đã về hưu. Mấy chục em nhỏ lốc nhốc đủ mọi độ tuổi được chia làm ba nhóm vỡ lòng, lớp một, lớp hai nhưng gần như chỉ có một mình bà giáo Năm “với khuôn mặt hình trái tim” ấy trông coi, chạy qua chạy lại giảng bài.
Bà Năm cứ thế đứng lớp dạy mấy chục trẻ nghèo, những đứa trẻ vẫn thường ngày vất vưởng vì cha mẹ chúng, những anh phụ hồ, những chị quét rác còn bận đôn đáo, sáng sáng vượt tường rào qua bên kia, một thế giới sang trọng và hào nhoáng của Phú Mỹ Hưng, khu đô thị đẹp và hiện đại bậc nhất Việt Nam, nhặt nhạnh lo toan cho gia đình cái ăn cái mặc. Thì giờ đâu, và tâm trí đâu mà lo cho chuyện học hành của con cái.
Khi miếng ăn còn là một nỗi canh cánh triền miên thì cái chữ, niềm hy vọng đổi đời của con cái cũng phải ngậm ngùi gạt qua một bên.
Cứ như thế, lớp học tối tối diễn ra trong tiếng muỗi vo ve, trong ánh sáng rực rỡ hắt qua từ “khu nhà giàu”, nơi có những con đường đẹp long lanh, nơi người ta thỉnh thoảng lại mang cả dàn xe siêu sang trưng ra cho thiên hạ lé mắt chơi.
Và bà giáo Năm, cũng như một số tình nguyện viên vẫn tiếp tục dạy học. Không thấy bà nói gì, không có những mỹ từ bay bướm, những lý tưởng cao xa và to tát được gắn với chuyện tổ chức một “ngôi trường” không ngày khai giảng, không học phí, chẳng phụ thu hay các khoản đóng góp như thường thấy.
Nhưng ít ra, dù các em nhỏ có phải học bài bên mái hiên ngôi nhà của một người tốt bụng, bên sạp tạp hóa tí tẹo của bà chủ nhà, bên cái ao tù nước đọng quẩn quanh như cuộc đời lam lũ của cha mẹ chúng, thì với những người như bà Năm, tương lai của lũ trẻ cũng đã được gieo một chút gì đó gọi là mầm hy vọng về một sự thay đổi.
Chỉ có điều, ngay ở một đô thị phồn hoa như TPHCM, vẫn còn những lớp học như thế thì cả nước sẽ còn biết bao nhiêu em nhỏ phải vất vưởng, lang thang, chẳng dám mơ tới chuyện cắp sách đến trường.
Phải có thêm bao nhiêu người như bà Năm có "khuôn mặt hình trái tim" ấy để mọi trẻ em nghèo trên đất nước ta đều được cắp sách tới trường đây?