Long đong số phận tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù pháp luật quy định, các đơn vị cung cấp dịch vụ, tiểu thương phải nhận tiền có mệnh giá nhỏ 200 đồng, 500 đồng. Tuy nhiên trên thực tế hiện có rất ít nơi chịu nhận tiền có mệnh giá này.

Tờ tiền 500 đồng từng là một phần không thể thiếu trong ví tiền của người dân, giờ đây lại trở nên "vô dụng" trong các giao dịch nhỏ lẻ. Với giá trị quá nhỏ so với mặt bằng giá cả hiện nay, tờ tiền này dường như đã mất đi giá trị thực tế, khiến nhiều người tiêu dùng gặp phải tình huống khó xử.

Anh Tùng (ở TPHCM) cho biết có tờ 500 đồng để trong ví 2 năm nay không tiêu được, anh quyết định không tiêu nữa và coi đó là một đồng tiền kỷ niệm.

Anh Quý (sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể lại, anh sử dụng tờ tiền 500 đồng để trả tiền một gói bánh nhưng người bán hàng đã từ chối nhận với lý do "giờ này ai còn dùng 500 đồng nữa".

Long đong số phận tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng ảnh 1

Hiện nay, tờ tiền 500 đồng gần như không còn giá trị trong tiêu dùng hàng ngày. Ảnh: Hồng Nhung.

Thực tế, với mức giá từ vài nghìn đồng trở lên cho các mặt hàng thông dụng, tờ tiền 500 đồng gần như không còn giá trị trong mắt người tiêu dùng.

Chị Minh Phương (sống tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Thông thường trong các siêu thị và cửa hàng tạp hoá, nếu mua đồ có giá thừa 500 đồng, người bán hàng hoặc thu ngân sẽ trả lại bằng cho 1 chiếc kẹo vì họ không có 500 đồng trả lại”.

Việc giữ lại tờ 500 đồng cũng trở thành “vô dụng” với người tiêu dùng, bởi tờ tiền này không còn hữu ích trong các hoạt động chi tiêu hàng ngày. Nhiều người thậm chí đã chọn cách "bỏ xó" tờ tiền này, coi nó như một kỷ vật hơn là một công cụ giao dịch thực tế.

Trong bối cảnh lạm phát và giá cả leo thang, việc tờ 500 đồng dần mất đi giá trị là điều không thể tránh khỏi. Các giao dịch có giá trị nhỏ lẻ như qua phà, mua hàng hóa lặt vặt, giờ đây trở thành những trường hợp hiếm hoi mà tờ tiền này vẫn còn tồn tại, dù chỉ với vai trò rất mờ nhạt.

Anh Lê Đình Minh (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cứ cuối tuần lại đưa gia đình về thăm quê ngoại ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Con đường gần nhất mà anh Minh hay đi là qua phà Cát Lái, giá cho xe máy là 4.500 đồng/chiếc, xe máy cộng với người ngồi sau là 6.500 đồng/chiếc cho một lần qua phà.

“Tôi ngạc nhiên khi bây giờ, phà Cát Lái giờ vẫn còn sử dụng tiền 500 đồng. Khi nhân viên thối tiền 500 đồng, tôi không lấy thì họ bảo giữ lại để đi lượt về”, anh Minh nói.

Long đong số phận tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng ảnh 2

Phà Cát Lái vẫn nhận tiền mệnh giá nhỏ.

Tại siêu thị Emart ở quận Gò Vấp, các quầy tính tiền vẫn nhận những tờ mệnh giá nhỏ như 200 đồng, 500 đồng… Thế nhưng, các chợ truyền thống ở TPHCM lại ngại nhận những tờ tiền có mệnh giá nhỏ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, tiền với mệnh giá 200 đồng, 500 đồng vẫn đang được lưu hành do đây là tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. “Đây là đồng tiền pháp định, bắt buộc người cung cấp dịch vụ phải nhận tiền này”, ông Hiếu nói.

Vị chuyên gia khẳng định, Khoản 3 Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 cấm hành vi từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

Hành vi từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông và Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương thu hồi là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm trong Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, pháp luật chưa có chế tài xử phạt về hành vi này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, trên thực tế, rất ít người và nơi cung cấp dịch vụ còn dùng tiền lẻ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc có nên tiếp tục phát hành tiền có mệnh giá này hay không. Bởi chi phí in tiền, vận chuyển… khá lớn nhưng hiệu quả sử dụng không cao.

MỚI - NÓNG