Lồng bè vừa đóng mới đã hư hỏng: Ngư dân kêu trời

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lồng bè nuôi trồng thủy hải sản đóng bằng vật liệu nhựa HDPE được ngư dân trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) mới đưa vào sử dụng nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập khiến ngư dân ngán ngẩm. Họ mong muốn được sử dụng vật liệu truyền thống bằng gỗ, phuy nhựa.

Lồng bè nuôi cá vừa đóng mới đã hỏng

Ông Trần Văn Nhân (66 tuổi, ở huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) cho biết, gia đình ông có truyền thống hơn 20 năm nuôi thủy hải sản trên vịnh Cát Bà. Năm 2021, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết 05 quy định hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. 450 cơ sở nuôi trồng thủy sản được vận động tháo dỡ, thành phố bố trí khu vực tái nuôi trồng cho 117 hộ đủ điều kiện tại khu vực quy hoạch mới.

Cuối năm 2021, người dân được các sở, ngành chức năng hướng dẫn, khuyến khích, ưu tiên các hộ sử dụng vật liệu làm lồng bè, phao nổi bằng nhựa HDPE.

“Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của thành phố về quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy hải sản. Bằng kinh nghiệm hàng chục năm, chúng tôi nhận thấy lồng bè truyền thống có nhiều điểm ưu việt, tiết kiệm, thuận lợi việc nuôi trồng, bảo vệ môi trường... Do đó, mong muốn thành phố chấp thuận cho bà con được sử dụng, đóng lồng bè truyền thống để tiếp tục theo nghề”, ông Đinh Như Đang

Gia đình ông Nhân là 1 trong 9 hộ thuộc diện tái nuôi trồng thủy sản đã đóng lồng bè mới bằng nhựa HDPE và đưa vào sử dụng sớm nhất. Gia đình ông đóng 16 ô lồng và nhà nổi phục vụ ăn ở, sinh hoạt, chứa thức ăn nuôi cá với tổng chi phí hơn 600 triệu đồng. Theo ông, chi phí đóng lồng bè mới tốn kém hơn khoảng 200-300 triệu đồng so với lồng bè truyền thống bằng gỗ và thùng phuy nhựa.

Sau một năm sử dụng, gia đình ông nhận thấy rằng, lồng bè mới còn nhiều bất cập. Theo ông, móng lồng bè bằng phao liền khối, không có khoảng trống khiến mặt nước tù đọng khó thoát rác thải và vệt dầu loang. Cầu nối giữa các ô lồng kết nối bằng ống nhựa nhỏ yếu dễ lún. Ván nhựa trên bề mặt ô lồng mỏng, thường xuyên bị vỡ vụn, hư hỏng. Căn nhà ở cho người chăn nuôi bằng mái tôn và tường thạch cao không chịu được gió bão lớn, các mối hàn kim loại theo thời gian sẽ bị nước biển ăn mòn, xuống cấp.

Lồng bè vừa đóng mới đã hư hỏng: Ngư dân kêu trời ảnh 1

Ông Trần Văn Nhân vớt rác trong ô lồng nuôi cá mới đóng bằng nhựa HDPE. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Theo ông Nhân, sau khi đưa vào sử dụng ít tháng, nhà của hộ kế bên gia đình ông bị nghiêng, nguy cơ bị đắm. Các hộ khác cũng phản ánh những bất cập nêu trên tới đơn vị đóng ô lồng mới cho ngư dân. Ngay sau đó, đơn vị này đã cử người xuống gia cố, bổ sung móng bằng phao cho nhà nguy cơ bị đắm chìm. Đồng thời, sửa chữa, bổ sung phao và thay thế ván nhựa cho các hộ khác.

Đóng lồng bè tiền tỷ vẫn chưa dám nuôi cá

Là hộ dân duy nhất đóng lồng bè hoàn toàn bằng vật liệu nhựa HDPE (mẫu thiết kế mới nhất), gia đình ông Cao Xuân Hải (hơn 60 tuổi, ở huyện Cát Hải) phải bỏ ra 2,3 tỷ đồng, gấp khoảng 7 lần chi phí đóng lồng bè truyền thống bằng gỗ và thùng phuy nhựa.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng nhận nhà và lồng bè mới, gia đình ông Hải vẫn chưa thả lưới nuôi cá. Ông Hải chia sẻ, lồng bè của ông chắc chắn hơn 9 lồng bè của các hộ đóng trước đó nhưng chi phí cao hơn gần 4 lần.

Đáng nói, móng lồng bè mới này vẫn khép kín, không có khoảng trống thoát nước mặt nuôi cá, thành của các ô lồng nhô quá cao, bất tiện cho việc thả lưới, chăm sóc, thu hoạch cá. Ngoài ra, căn nhà ở của gia đình ông không có khoảng sân dựng bạt che nắng khiến gia đình chật vật trong những ngày hè nắng nóng.

“Ô lồng mới bằng vật liệu nhựa HDPE khá chắc chắn, gọn gàng nhưng còn nhiều bất tiện nên gia đình vẫn chưa thả lưới nuôi cá”, ông Cao Xuân Hải nói.

Còn gia đình ông Đinh Như Đang (quê huyện Thủy Nguyên) đã có hơn 24 năm theo nghề nuôi trồng thủy sản ở Cát Bà chia sẻ, lồng bè truyền thống làm bằng gỗ và thùng phuy nhựa có chi phí rẻ hơn rất nhiều. Giữa các phao bằng phuy nhựa có khe thoáng, mặt nước lưu thông liên tục giúp cá khỏe mạnh, nhanh lớn và không tồn đọng rác.

Hơn nữa, ô lồng bằng gỗ giúp ngư dân dễ dàng thả lưới nuôi giống, thu hoạch hay gom ô lồng vệ sinh khi cần thiết. Theo ông Đang, vật liệu truyền thống không gây ô nhiễm môi trường, rất chắc bền, có thể sử dụng hàng chục năm và tiết kiệm chi phí cho người dân.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.