Lợn tăng giá phi mã, Bộ Công Thương khuyên dùng thịt đông lạnh

Bộ Công Thương khuyên người dân sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thịt lợn nóng
Bộ Công Thương khuyên người dân sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thịt lợn nóng
TPO - Bộ Công Thương cho hay, đã có văn bản gửi yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có có nhu cầu; tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn nóng.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ cuối tháng 10 đến nay, giá thịt lợn đã tăng khoảng 25-30% so với tháng 9. Nguyên nhân của việc tăng giá do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên phạm vi toàn quốc, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo. Bên cạnh đó, việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, đàn lợn cả nước tháng 10/2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Còn theo Bộ NN&PTNT, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1% . Thịt lợn hiện là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm. Sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương từ 9-10% so với năm 2018 ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm trong nước.

Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ Nông NN&PTNT ước tính do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh (CP, Japfa) nên cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm.

Bộ Công Thương cho hay, đã có văn bản gửi yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, TP có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có có nhu cầu. Cùng đó, tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng thịt lợn đông lạnh thay thế thịt lợn nóng nhằm giảm sức ép cho nguồn cung trong nước...

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT, hai bên đã thống nhất sơ bộ số liệu dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu khoảng 200 nghìn tấn, tương đương mỗi tháng sẽ thiếu 70 nghìn tấn thịt hơi. Tại cuộc họp ngày 18/11/2019 tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo hai bộ đánh giá đầy đủ, thực chất mức độ thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt lợn và có kế hoạch tái đàn, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn cụ thể từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung cho thị trường trong nước”, Bộ Công Thương cho hay.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối thực phẩm nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Các địa phương có trách nhiệm định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường việc đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn mới (như thịt kho tàu, nhân bánh trưng, chân giò muối…) được chế biến từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam gồm: Argentina, Úc, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungari, Ấn Độ, Irelen, Litva,  Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Niuzelan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Mexico. 

MỚI - NÓNG