Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm chăm lo mọi mặt cho thanh, thiếu niên, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về lý tưởng, đạo đức cách mạng, về văn hoá, khoa học kỹ thuật, rèn luyện năng lực hoạt động thực tiễn v.v... để thế hệ trẻ kế thừa và phát huy được những kinh nghiệm của các thế hệ trước. Cho đến những dòng cuối cùng để lại trong Di chúc, những lời căn dặn của Người vẫn là nền tảng định hướng cho sự phát triển các thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay.
Thanh niên là những người quyết định tương lai của cách mạng, là người chủ tương lai của đất nước. Nhà cách mạng nhiều kinh nghiệm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên Việt Nam - lực lượng xung kích của cách mạng. Năm 1925, trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh” .
Trong những bước chuẩn bị cho việc thành lập Đảng, đối tượng vận động cách mạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là thanh niên. Tổ chức cách mạng đầu tiên, tiền thân của Đảng, do Người thành lập và rèn luyện là một tổ chức thanh niên: Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Trong các giai đoạn cách mạng, Hồ Chí Minh đều nêu cao vai trò xung kích của thanh niên. “Tôi luôn luôn nói đến thanh niên vì trong mọi công việc, thanh niên ta luôn hăng hái xung phong và họ xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng” .
Khi nói chuyện về/và với thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc lại luận điểm: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Chăm lo cho thế hệ trẻ là trách nhiệm của Đảng, của toàn xã hội để một bảo đảm cho tương lai phát triển của đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cần phải giáo dục cho thanh niên nhận thức đúng và hiểu sâu sắc rằng vì lý tưởng đấu tranh cho độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân, bao lớp thanh niên đã lên đường chiến đấu, bao chiến sĩ cộng sản, bao người con yêu quý của dân tộc đã anh dũng hy sinh.
Người luôn chú trọng việc giáo dục truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Nhưng giác ngộ lý tưởng cách mạng chỉ dừng ở việc nhận thức về lý tưởng, thuộc lòng về lý luận thì chưa đủ mà quan trọng hơn là phải có tinh thần và khả năng để kiên quyết thực hiện thành công lý tưởng ấy.
Qua hành động cách mạng, thanh niên mới thể hiện được trình độ giác ngộ lý tưởng và cũng qua hành động cách mạng mà họ bồi dưỡng nâng cao thêm được trình độ giác ngộ lý tưởng của mình.
Đạo đức cách mạng cũng được thể hiện qua hành động cách mạng. Muốn hành động đúng cần có vốn văn hóa nói chung cũng như vốn tri thức nghề nghiệp vững vàng - đó chính là logic của sự rèn luyện toàn diện, chính là logic của việc Rèn đức phải luôn đi đôi với Luyện tài.
Với những luận điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề rèn luyện đầy đủ cả đức và tài trong việc đào tạo, huấn luyện cán bộ nói chung cũng như trong sự nghiệp giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ Việt Nam một cách toàn diện nói riêng, để mỗi thanh niên Việt Nam “mới” có đầy đủ cả phẩm chất và năng lực, vừa hồng vừa chuyên.
Sau khi chiến tranh đã đi qua, đất nước đã thống nhất, Đảng lãnh đạo toàn dân xây dựng lại đất nước. Những thanh niên đã qua thử thách chiến tranh và đã tỏ ra dũng cảm chính là vốn quý của sự nghiệp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đảng cần lựa chọn một số ưu tú nhất để bồi dưỡng đào tạo họ trở thành những cán bộ có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc.
“Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” . Đây là sự chuẩn bị tốt nhất cho lợi ích lâu dài của đất nước vì thanh niên là “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.