Năm đã xa, lên Phú Thọ nhân có việc khánh thành Đền và tượng danh nhân Hoàng giáp Ngô Quang Bích, một yếu nhân phong trào Cần Vương tại Cẩm Khê, Phú Thọ, tôi may mắn được đi cùng một người đa tài, họa sĩ ( HS) Ngô Quang Nam. Ông nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ Vĩnh Phú.
Thời điểm đó ông Nam là Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật Bộ Văn hóa. Nhưng những chức danh ấy không bầu lên một Ngô Quang Nam đang nổi trội trong giới hội họa với nhiều cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước (riêng ở nước ngoài đã 7 cuộc) cùng những tập thơ tày tặn bắt mắt người coi. Tượng danh nhân Ngô Quang Bích được trang trọng đặt trong Đền thờ ở Cẩm Khê do người cháu tứ đại của cụ Hoàng giáp Ngô Quang Bích, Ngô Quang Nam thực hiện.
Thấy tôi hỏi han và có ý định tìm về Đồng Lương xã của nhà thơ Bút Tre ở Cẩm Khê, anh em viết ở Phú Thọ chỉ ngay ông Nam mà rằng, việc này phải gọi ông này tiên sư … Rằng, HS họ Ngô đây là một nhà Bút Tre học!
Rồi chuyện cứ nối chuyện trong cả suốt chuyến đi khiến tôi cứ bám riết lấy ông bởi ý nghĩ, còn phải tìm đâu xa nữa hoặc chẳng cứ lọ phải về tận làng Đồng Lương của Bút Tre thì mới tỏ tường được Bút Tre?
Hóa ra trước khi tu nghiệp ở Tiệp Khắc, HS Ngô Quang Nam từng công tác ở Ty Văn hóa Phú Thọ rồi Vĩnh Phú dưới quyền ông Đặng Văn Đăng. Những năm ở xứ người, cánh bạn bè thi thoảng hứng lên buột ra những câu mà nguyên bản của Bút Tre thì ít mà hơi hướng khẩu khí Bút Tre thì nhiều họ cũng khó mà tin được ngay sát sạt đây có một người từng gần gụi với Bút Tre bằng xương bằng thịt như thế. Tu nghiệp xong về lại đất Phú Thọ, phải hai thời giám đốc (GĐ) Sở nữa thì HS Ngô Quang Nam mới đảm nhận việc phụ trách Sở Văn hóa Vĩnh Phú. Suốt những ngày đó HS Ngô Quang Nam vẫn giành thời gian qua lại thăm nom ông Đặng Văn Đăng cho đến khi cụ mất (1987). HS Nam từng ngủ đêm ở làng Đồng Lương ngay nhà thi sĩ Bút Tre không có cửa giả chỉ có tấm phên bằng mấy tàu lá cọ che hờ. Và trên bức tường thấp xây bằng đá ong đậu chi chít thứ tài sản mà Bút Tre trân quý nhất. Đó là những cuốn sách, cuốn tiểu thuyết đa phần bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Nguyên GĐ Sở Đặng Văn Đăng đọc thông thạo hai thứ ngoại ngữ này.
Chuyện của ông họa sĩ khiến tôi mỗi lúc một tò mò về người có nghệ danh là Bút Tre với những câu như vè dân dã. Ngộ nghĩnh tưởng như ngớ ngẩn nữa! Người mà cứ như dạng tiên khởi dưới gầm giời Nam dám ép chữ vào khuôn thơ lục bát. Vâng, chính cái sự hụt hẫng câu từ đó đã bầu lên cái duyên lạ của Bút Tre. Và thời buổi kinh tế thị trường này, dạng lục bát theo trường phái Bút Tre (đã và đang xuất hiện dày đặc) dường như là thứ van xả có sức lây lan, thư giãn cực kỳ hiệu quả.
Đặng Văn Đăng - Bút Tre dung mạo thế nào? Theo như ông Nam thì ông Đăng mắt sáng, mũi thẳng hơi nhọn, lông mày hơi xếch, tai dài. Mới ngoài ngũ tuần mà ngó hom hem tợn. Mang răng giả. Luôn rong ruổi chiếc xe đạp không có gác đờ bu (chắn lốp) lẫn gác đờ xe (chắn xích), lốp thì chằng buộc vằn vện. Ăn nhanh nói cũng nhanh, thi thoảng xen vài từ tiếng Anh tiếng Pháp. Thuở ấy có ông GĐ Sở GD mỗi khi họp hành trao đổi công việc riêng lẫn chung thì hai người dùng toàn tiếng Pháp nên không ít người dị nghị. Có lẽ cũng phải thôi, Đặng Văn Đăng đỗ tú tài Tây toàn phần. Ông từng viết (không thường xuyên) cho các tờ Đông Pháp, Tiểu thuyết thứ Bảy với bút danh Lục Y Lang (chàng áo xanh). Rồi theo cách mạng, tham gia kháng chiến. Hòa bình về công tác ở Bộ Ngoại giao. Từng là Bí thư thứ hai ĐSQ Việt Nam tại Rumani. Rồi thư ký riêng cho ông Ung Văn Khiêm, từng tháp tùng Bác Hồ trong chuyến thăm Ấn Độ. Nhà văn Nguyễn Tuân khi ấy từng biết về một Đặng Văn Đăng thông thạo tiếng Pháp đã từng đứng đầu một sở hành chánh có tên là văn hóa của một tỉnh thuộc ngạch bộ Học đã hơi khó chịu! Nguyễn Tuân xẻ cái khó chịu ấy cho nhà văn Nguyễn Văn Bổng rằng hắn không thể hạ những thứ văn vần tầm thường như thế được! Để cứu hắn, toa phải gặp mà động viên hắn sửa văn vần thành thơ hoặc trực tiếp chữa cho hắn! Nguyễn Văn Bổng tình thực ngỏ lại với Đặng Văn Đăng thì ông phá lên cười vui vẻ rằng, thơ tớ chữa thế đếch nào được! Chớ nên dùng thơ bác học mà chữa thơ dân gian. Rằng, bút của các ông nhà văn nhà thơ ở dưới Hà Nội là Bút Máy còn tớ là Bút Tre. Rằng thơ của tớ là thơ nghỉ. Còn thơ các đằng ấy là thơ… nghiêm! Thế nào là thơ nghỉ? Nguyễn Văn Bổng tò mò. Nghỉ là nghỉ ngơi chứ chẳng phải nghĩ ngợi đâu nhé. Rồi ông ứng khẩu luôn Nôm na viết tập thơ đầu/Vận cho nhịp sống theo câu văn vần. Rồi cứ như là tiên đoán Trăm năm dân dã cùng nghe/Một Bút Tre thành Bút Tre vạn làng. Những câu dân dã như vè ấy được Bút Tre gom lại và Sở Văn hóa Phú Thọ khi ấy cho in mấy tập thơ (cũng cần nói thêm, hiện HS Ngô Quang Nam còn lưu giữ được ba tập thơ của Bút Tre. Ông vẫn tiếc hùi hụi vì bị thất lạc mất 2 tập. Gọi tập nhưng mỏng lắm. Được in trên giấy thủ công vàng, xám có trang còn lưu lại mấy cọng rơm bởi giấy xeo không kỹ. Sách do Quốc doanh in Kiến thiết Phú Thọ in năm 1961).
Trở lại với câu chuyện giữa Bút Tre và Nguyễn Văn Bổng. Thế còn thơ nghiêm là sao? Nhà văn tò mò tiếp… Là thơ các đằng ấy nghiêm như… hội nghị chứ còn sao nữa! Thế là đổ ra cười.
Như một nhà văn hóa dân gian nhưng theo ông Nam, Bút Tre còn là một chiến lược gia văn hóa.
Sự kiện Bác Hồ nói chuyện với một đơn vị thuộc Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hạ, khi ấy ông Đặng Văn Đăng đương là Phó Trưởng ty Tuyên truyền thuộc Ủy Ban hành chính kháng chiến tỉnh Phú Thọ. Ông kịp thời có mặt và ghi tóm lược nội dung Bác nói chuyện cùng câu nói nổi tiếng ngày nay nghiêm ngắn trên những tượng đồng bia đá. Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
Trên báo của Đại đoàn quân Tiên phong còn lưu lại bài phóng sự tường thuật lại sự kiện cũng có câu như vậy!
Nhưng số phận của cụm từ cấu thành nên câu ấy đã không ít những thăng trầm.
Sau đó ít lâu câu ấy được chỉnh sửa lại trên một số tư liệu văn kiện và cả trên báo chí là. Các vua Hùng đã có công dựng đất nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy đất nước.
Ông Đặng Văn Đăng tá hỏa. Hỏi khắp các nơi ở Phú Thọ, chả ai biết? Lao cả ngày đường về Hà Nội bằng cái xe đạp tòng tọc đến Ban tuyên giáo, ông được giải thích thế này. Sở dĩ có thêm chữ đất vào vì Bác Hồ đã từng phát biểu tại Hội nghị thủy lợi toàn quốc năm 1959 rằng ít nước quá thì hạn. Nhiều nước thì lụt nên nhiệm vụ của ngành thủy lợi là phải điều hòa…
Vậy một khi đã nói đến nước thì phải nói đến đất. Đất là cơ sở để làm cái việc điều hòa nước.
Thế là cái cách hiểu máy móc nước thủy lợi chệch sang đất nước, Tổ quốc!
Và rồi từ đất cùng câu ấy một thời gian dài đã được khắc in vào những nơi sang trọng trên những chất liệu cũng sang trọng không kém.
Vẫn chưa hết. Một thời gian sau câu của Bác được sửa lại là Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ nước.
Ông Đăng và không ít người cũng được giải thích đại khái. Sở dĩ phải đổi vế trên là đã có công thì vế dưới thì phải ra sức thì mới là đối ý mới chỉnh theo kiểu tư duy đối Hán tự (!?).
Không biết bây giờ có cơ quan chức năng hay Tòa báo nào còn lưu lại lá đơn nào đó của ông Trưởng ty Văn hóa Phú Thọ Đặng Văn Đăng tức Bút Tre và cả thời gian sau khi nghỉ hưu tha thiết đề nghị nên sửa lại câu ấy cho chuẩn? Chuẩn là theo ông phải như vầy.
(Không chỉ có đơn thư, ông còn nhiều lần hàng trăm cây số bằng chiếc xe cố vấn- quấn dây nhợ quanh lốp- ông dong đến những nơi cần đến. Có một lần gặp cả cụ Phạm Văn Đồng).
Khi gay gắt, lúc mềm mỏng nhưng không kém phần quyết liệt. Rằng, thưa với các anh, Bác của chúng ta luôn dùng lời ăn tiếng nói dân dã để nói với dân với quân chứ thời điểm ấy ông Cụ có ý làm vế đối gì mà niêm với luật? Bác dùng từ cùng nhau lúc đó tôi trực tiếp có mặt nên nhớ rõ lắm, mặc dù khi ấy tại đó không có máy ghi âm. Bác muốn gắn mình với dân tộc là một mà cùng nhau giữ lấy nước. Phải giữ lại, chữ lấy mới có ý nhấn mạnh. Nếu nói giữ nước hoặc giữ nhà mà thêm được chữ lấy thì bao giờ cái nghĩa cũng được nhân đôi. Hoặc ta nói giữ lấy mình thì hiệu ứng ngữ nghĩa bao giờ cùng trội hơn là giữ mình!
Không biết cái kênh đơn thư hay cuộc gặp trực tiếp nào của ông Đặng Văn Đăng hữu hiệu? Mãi đến khi trực tiếp lật coi sổ vàng lưu bút tại Đền Hùng thấy những dòng của các vị lãnh đạo như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… đều ghi là Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
Khi ấy ông Đặng Văn Đăng, Bút Tre mới… chịu! Và cũng từ thời điểm ấy, vắng bặt đi những sự sửa sang lẫn biên tập!
(Còn nữa)