Liên quan đến những bức thiết của nhiều người dân tại Thủ đô Hà Nội đang phải sống trong cảnh chật chội, thiếu đất, thiếu nhà, quỹ nhà giá rẻ luôn trong tình trạng “khan hiếm” thì ngay giữa Thủ đô lại tồn tại “nghịch cảnh” ký túc xá được đầu tư nghìn tỷ xây xong “ế” sinh viên, hoặc có những khu cả trăm căn hộ tái định cư bỏ hoang không có người đến ở.
Ngày 14/5/2018, Báo điện tử Xây dựng đã có bài viết: “Hà Nội: Nghịch cảnh hàng ngàn căn hộ nhà ở xã hội, tái định cư bị bỏ hoang”. Theo đó, dãy nhà bỏ hoang trên thuộc điạ bàn phường Thượng Thanh, quận Long Biên thuộc Dự án khu phố cổ Hà Nội. Mặc dù tọa lạc ở một vị trí tương đối thuận lợi nhưng những hộ dân thuộc diện giãn dân khu phố cổ Hà Nội lại không “mặn mà” với những căn hộ khang trang lộng lẫy này. Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 168/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án giãn dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm”, đây là một chủ trương lớn và có ý nghĩa với quận Hoàn Kiếm – nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước.
Cũng chung tình cảnh tương tự, khu nhà ở học sinh, sinh viên ở Pháp Vân thuộc khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thuộc Sở Xây dựng Hà Nội làm Chủ đầu tư, có mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng, gồm 6 tòa nhà cao 19 tầng với diện tích tương đối lớn, số phòng trên 1.400 phòng có thể phục vụ hơn 10 ngàn sinh viên. Nhưng nhiều năm qua, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng vẫn còn thừa khá nhiều, thậm chí nhiều diện tích còn bị bỏ hoang.
Theo đó, khu nhà ở cho học sinh, sinh viên được xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với diện tích hơn 40.000 m2, nằm trong Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), cách trung tâm thủ đô khoảng 20 km. Khu nhà có 6 tòa cao 19 tầng, với hơn 1.400 phòng, cung cấp nhu cầu nhà ở cho khoảng 22.000 sinh viên. Bốn năm qua, nhiều hạng mục đã thi công xong phần thô nhưng dừng triển khai do chưa có nguồn vốn. Với 3 tòa nhà đi vào hoạt động, số sinh viên đến thuê chỉ chiếm khoảng 30% công suất phòng, do cách xa trường học, thiếu khu vui chơi giải trí.
Được biết, để giải quyết những “tồn tại” này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo giao cho Sở Xây dựng Hà Nội nhanh chóng phát triển nhà ở xã hội cho những người có nhu cầu, đặc biệt là các đối tượng: Học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp.
Ngày 20/5, tại buổi đối thoại của Thủ tướng với công nhân các khu công nghiệp đồng bằng sông Hồng, một công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) nêu vấn đề nhà ở, an sinh xã hội. Được Thủ tướng chỉ định trả lời câu hỏi về nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, thành phố đang triển khai nhiều chương trình, chính sách về an sinh xã hội phục vụ đời sống công nhân tại các khu công nghiệp. Tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, thành phố đã xây dựng trường mầm non Kim Chung (Đông Anh), bước đầu đáp ứng việc trông giữ khoảng 300 cháu có bố mẹ làm tại khu công nghiệp.
Thành phố đã giao huyện Đông Anh mở rộng trường mầm non, xây dựng các trường trung học. Tháng 11 tới, hai trường sẽ đi vào hoạt động. Cũng tại Đông Anh, quy hoạch chi tiết dự án thí điểm nhà ở xã hội tập trung đã được thành phố công bố với tổng diện tích trên 44 ha, quy mô 12.500 người.
Một dự án nhà ở xã hội khác được ông Chung thông tin là việc chuyển đổi chức năng một số toà nhà tại khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở cho công nhân khu vực phía Nam. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 1.900 tỷ đồng, đã xây xong phần thô nhưng bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ông cho biết khi chuyển đổi công năng, ở đây sẽ có các căn hộ tối thiểu là 35 m2, giá từ 200-400 triệu/căn.
Một số ý kiến cho rằng, nhiều khu tái định cư nằm ở những vị trí khá biệt lập, xa khu vực trung tâm nên khả năng kết nối cộng đồng kém hay cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tiện ích quá thiếu thốn, chất lượng thấp hơn như không có trường học, không có chợ, bệnh viện, thậm chí không có đường vào... đã khiến nhiều người dân không mấy mặn mà với loại hình nhà ở này. Việc bố trí nhà tái định cư không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của các hộ thuộc diện di dân là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều khu nhà bị bỏ hoang như hiện nay.
Để tránh đi vào các “vết xe đổ” này, Hà Nội cần thay đổi lại “cơ chế” xây các khu TĐC theo kiểu “bao cấp”, rồi bàn giao cho đơn vị khác quản lý. Ngoài ra cũng cần phải giám sát chặt chẽ chất lượng của các dự án này, không để tình trạng chưa đưa vào sử dụng xuống cấp.