Loạt câu hỏi về việc doanh nghiệp bán lẻ được nhập xăng dầu từ nhiều nguồn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một số doanh nghiệp đầu mối và Bộ Công Thương cho rằng, việc cho doanh nghiệp bán lẻ được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn sẽ buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau gay gắt hơn, nhưng cũng sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn.

Cần công khai danh sách không đủ điều kiện

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ ở TPHCM cho biết, việc chỉ cho các doanh nghiệp được lấy từ một nguồn trong khi các đầu mối, thương nhân phân phối được ‘thả cửa’ lấy từ nhiều nguồn là vấn đề gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp suốt thời gian qua.

Việc Bộ Công Thương đề xuất trong dự thảo sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo hướng cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy xăng, dầu từ nhiều nguồn là động thái tích cực ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp trong suốt thời gian qua. Cho doanh nghiệp lấy nhiều nguồn sẽ giúp thúc đẩy các doanh nghiệp cạnh tranh để giữ chân khách hàng.

Trong góp ý cho dự thảo sửa đổi về việc doanh nghiệp lấy nhiều nguồn, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc ở Trà Vinh - cho rằng, thực tế có tình trạng các doanh nghiệp vẫn lách luật bằng việc tách ra, thành lập thêm 2 hoặc 3, thậm chí là 4 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu riêng biệt để lấy từ các nguồn khác nhau. Điều này đã làm tăng số lượng doanh nghiệp nhưng không tăng về chất lượng cũng như nghĩa vụ đóng thuế của doanh nghiệp. Nếu cho doanh nghiệp được lấy nhiều nguồn, sẽ có một cuộc sáp nhập hàng loạt doanh nghiệp để chủ doanh nghiệp dễ quản lý.

Một chuyên gia xăng dầu cho PV Tiền Phong biết, việc cho doanh nghiệp bán lẻ lấy nhiều nguồn, nếu không kiểm soát chặt chẽ về nguồn cung cũng như hoạt động, sẽ gây ra nhiều vấn đề về quản lý.

Theo vị này, việc mở quyền sẽ giúp doanh nghiệp bán lẻ linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm nguồn hàng, nhất là trong trường hợp địa bàn kinh doanh của doanh nghiệp rộng. Tuy nhiên, cũng không phải doanh nghiệp nào được hưởng lợi từ việc mở quyền này, đặc biệt là các doanh nghiệp ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, xa kho cảng. Khi đó, dù có chọn được thêm nhà cung cấp, chi phí vận chuyển đội lên cũng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí bị nhà cung cấp từ chối bán do đã quay lưng khi thị trường thuận lợi.

Loạt câu hỏi về việc doanh nghiệp bán lẻ được nhập xăng dầu từ nhiều nguồn ảnh 1

Bộ Công Thương, doanh nghiệp bán lẻ ủng hộ cho lấy nhiều nguồn nhưng các đầu mối lại tỏ ra khá băn khoăn.

“Trong kinh doanh, cứ chỗ nào bán rẻ là tôi nhập hàng, đó là nguyên lý. Nhưng ở khía cạnh đầu mối, thương nhân phân phối, họ sẽ có cơ sở để nói: Khi có lãi thì anh bỏ tôi, chọn nơi cắt chiết khấu tốt nhất để mua. Đến khi giá giảm, chiết khấu thấp, anh lại quay sang đòi nhập hàng. Vậy, cớ gì tôi phải bán cho anh? Chưa kể, việc nhập xăng dầu phải theo kế hoạch tháng, quý, không thể đùng một cái tôi phải bán cho anh ngay được. Các ngân hàng cũng vậy, khi vay tiền thì anh lại tới đòi vay lãi suất thấp nhất trong khi gửi tiền, anh lại chọn đối thủ của tôi để gửi để lấy lãi sao? Kinh doanh phải hài hoà, lúc này lúc khác”, vị này phân tích.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối lớn cho rằng, việc cho lấy nhiều nguồn sẽ khiến kéo theo tình trạng nhập nhằng giá bán khi không thể xác định được mức giá bán của đầu mối và thương nhân phân phối nào. Cùng đó, nếu đại lý được lấy hàng từ nhiều đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu thì điều kiện được cấp giấy phép cho đầu mối sẽ ra sao?

Với thực trạng hiện nay, cùng với việc gây khó cho chủ động nguồn hàng của đầu mối, thương nhân phân phối, sẽ có tình trạng doanh nghiệp bán lẻ tận dụng lợi thế được nhập từ nhiều nguồn để gây sức ép ngược với nhà cung cấp nhằm ép giá mua xăng dầu. Tình trạng này hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt với các thương nhân phân phối không đủ điều kiện về kho, đại lý trực thuộc hoặc đồng sở hữu nhưng vẫn được cấp giấy phép kinh doanh hiện nay.

“Để giữ được giấy phép khi bị kiểm tra, đầu mối, thương nhân phân phối sẽ chấp nhận bắt tay tăng chiết khấu cho bán lẻ để được ghi tên doanh nghiệp vào danh sách cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu để qua mặt cơ quan chức năng" - vị này phân tích.

Ông cũng cho rằng, để minh bạch, cùng với cho lấy nhiều nguồn, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần công khai tất cả các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối '3 không', chưa đáp ứng đủ điều kiện để người dân và các doanh nghiệp cùng giám sát.

Sẽ thúc đẩy thị trường cạnh tranh hơn

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, việc quản lý chất lượng xăng dầu bán ra thị trường là câu chuyện không chỉ người dân mà cơ quan quản lý cũng hết sức lưu tâm. Việc cho doanh nghiệp bán lẻ lấy từ nhiều nguồn cũng là một giải pháp tốt thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, như với lĩnh vực an toàn thực phẩm, khi vào một cửa hàng ăn, nếu thực khách bị ngộ độc thực phẩm, trước tiên cửa hàng phải chịu trách nhiệm. Tương tự với bán lẻ xăng dầu, tất cả các cửa hàng khi nhập hàng về sẽ phải lưu mẫu. Nếu cửa hàng bán xăng có vấn đề về chất lượng, chỉ cần kiểm nghiệm từng mẫu lưu là biết ngay nguồn hàng của đơn vị cung cấp nào có vấn đề.

Về lo ngại việc cho doanh nghiệp bán lẻ lấy nhiều nguồn sẽ tạo ‘cầu ảo’ cũng như gây cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, thực tế việc quản lý sẽ phức tạp hơn nhưng sẽ giúp đạt mục tiêu hướng tới việc các doanh nghiệp cạnh tranh hơn về giá và người tiêu dùng sẽ được lợi khi mua được xăng với giá tốt nhất.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, với việc đề xuất cho doanh nghiệp bán lẻ lấy nhiều nguồn là quan điểm rất mới của Bộ trong việc quản lý. Nhưng cùng với đó, doanh nghiệp bán lẻ sẽ chịu sức ép giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý về nguồn cung và chất lượng.

Quan điểm của Bộ Công Thương là ngày càng để thị trường vận động mở, cạnh tranh hơn. Cùng với việc cho phép lấy từ nhiều nguồn, cơ quan quản lý sẽ đồng bộ sửa các quy định liên quan trên giấy phép cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp bán lẻ được lấy nhiều nguồn mà vẫn không có hàng để bán, hàng bán ra không đạt chất lượng, cơ quan quản lý sẽ vào cuộc xử lý ngay lập tức. Lúc đó không thể vin lý do lỗ hay do đầu mối, thương nhân phân phối không có hàng để bán để trốn tránh nghĩa vụ không bán hàng của mình”, Đại diện Bộ Công Thương nói.

MỚI - NÓNG