Tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cùng Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 21/9, đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khẳng định, thị trường rối như hiện nay do tồn tại quá nhiều bất cập từ điều hành cũng như các quy định hiện hành do những công chức “đút chân gầm bàn” xây dựng trong Nghị định.
“Cơ quan quản lý cần tránh việc lấy thành tích khi hạ giá xăng dầu mà không biết diễn biến thị trường ra sao. Cơ quan quản lý cần hiểu tình hình của các doanh nghiệp bán lẻ. Hạ giá xăng dầu mà doanh nghiệp không còn nguồn vốn để mua xăng dầu thì làm sao mà đảm bảo được thị trường”.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa)
Nói lên tiếng nói của “người trong cuộc”, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Sơn Hải cho biết, bức xúc nhất hiện nay của các doanh nghiệp chính là chiết khấu hoa hồng từ tháng 7 đến nay rất thấp, có những lúc bằng 0 đồng, có lúc chỉ 50 đồng/lít. Ông đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối, giám sát việc chiết khấu xăng dầu sao cho các đại lý sống được.
Giá xăng giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm
Chiều 21/9, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, xăng E5 RON 92 giảm 450 đồng/lít xuống còn 21.781 đồng/lít; xăng RON95 giảm 631 đồng/lít còn 22.584 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu giảm mạnh trong kỳ điều hành lần này. Cụ thể, dầu diezen 0.05S giảm 1.644 đồng về mức 22.536 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 1.977 đồng, còn 22.441 đồng/lít. Dầu mazut giảm 383 đồng, xuống còn 14.656 đồng/kg.
Với kỳ điều hành này, giá xăng trong nước đã có lần giảm thứ 3 liên tiếp. Tính đến nay, mặt hàng này đã trải qua 25 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 11 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm giữa tháng 10/2021.
Dương Hưng
Theo ông Hạnh, tổng chi phí cho mỗi lít xăng chi phí từ đầu nguồn đến bán lẻ từ 1.250 - 1.300 đồng/lít, chi phí cho dầu là 1.130 -1.250 đồng/lít. Chiết khấu 0 đồng khiến doanh nghiệp không đủ vốn để kinh doanh, lỗ chồng lỗ trong khi chịu đủ mọi loại chi phí từ lương, thuê nhân sự, vận chuyển, phí bảo hiểm, công đoàn.
Các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối cần trả đủ chiết khấu để các cửa hàng có thể tồn tại. Ảnh: Như Ý |
Bà Nguyễn Thị Sinh, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) nói thẳng, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không cần có lãi nhưng cơ quan quản lý phải làm sao để doanh nghiệp có đủ chi phí trả lương cho người lao động. Bà Sinh tố doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang hưởng chiết khấu 0 đồng/lít, trong khi chi phí vận chuyển từ kho Đức Giang đến các đại lý mất khoảng 700 đồng/lít. Với mỗi lít bán ra, doanh nghiệp lỗ 1.200-1.300 đồng/lít, không thể chịu đựng nổi. Đã thế, tình trạng khan hiếm, đứt hàng từ các doanh nghiệp đầu mối xảy ra liên tục, không có hàng để cấp.
“Thời điểm cấp hàng nhiều là khoảng 27 m3 xăng dầu/ngày, trong khi nhu cầu thực tế của 5 cửa hàng và 10 đại lý của Công ty gấp khoảng 2,5 lần con số đó. Điều này dẫn tới tình trạng khi doanh nghiệp nhập xăng dầu về không biết phân chia sản lượng thế nào cho các cửa hàng, đại lý trong hệ thống trong khi quản lý thị trường, Sở Công Thương xuống kiểm tra, yêu cầu không được đóng cửa hàng, đóng cửa bị thu hồi giấy phép”, bà Sinh nói.
Ông Trần Bảo Sơn, đại diện Công ty Xăng dầu Trung Sơn (Hà Nội) nói doanh nghiệp bán lẻ đang khổ đủ đường vì các quy định do các công chức ngồi phòng lạnh soạn thảo.
Dẫn các quy định rất “trời ơi”, ông Sơn cho biết, để có một cây xăng, doanh nghiệp phải trải qua cả rừng thủ tục kéo dài đến 5 năm, thậm chí 10 năm. Khi cây xăng xuống cấp, nhưng để sửa thì lại vướng hàng loạt quy định, từ an toàn môi trường, cảnh quan, kiến trúc, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Bất cập nhất là quy định phải có phương án xử lý sự cố tràn dầu trong khi quy định này chỉ hợp lý với các phương tiện vận tải thủy.
Thị trường méo mó
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa) cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ đang bị các đầu mối ép đủ đường và chỉ có đầu mối được hưởng lợi. Theo đó, trong quy định của luật, các chi phí định mức đã có đủ các loại chi phí từ lưu thông, vận tải, hao hụt nhưng thực tế hiện nay, các DN đầu mối để chi phí bằng 0 cho doanh nghiệp lẻ là không sòng phẳng.
Dẫn hàng loạt quy định bất cập kéo dài nhiều năm của các Nghị định 83 và 95, bà Hường cho rằng, khi thị trường có biến động, cơ quan quản lý cần chủ động kiến nghị rút ngắn thời gian điều hành giá. Cùng đó các quy định về ngày điều chỉnh giá đã có trong luật thì phải thực hiện nghiêm túc. Còn hiện nay những kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày, 7 ngày, thậm chí 9 ngày mà không được điều chỉnh khiến thị trường méo mó, trở lại như thời bao cấp.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Bùi Ngọc Bảo cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, nhìn nhận vào hệ thống và trách nhiệm của mình cũng như với doanh nghiệp. “Với chiết khấu bằng 0 đồng như hiện nay, không có doanh nghiệp nào tồn tại được cả. Chúng tôi đã kiến nghị với liên bộ cần đảm bảo cho doanh nghiệp có chi phí lưu thông. Chính sách hiện nay không thực sự rõ ràng, không có chế tài nào hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ cả”, ông Bảo nói.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Hoàng Anh Tuấn, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, về chi phí định mức, Vụ đã tham mưu gửi Bộ Tài chính để tiếp cận sát thực tế thị trường. Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên vấn đề này đến nay vẫn chưa được giải quyết.