Loạn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chứa chất cấm

0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan chức năng thanh kiểm tra phát hiện nhiều chất cấm “ẩn mình” trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ ảnh: L.N
Cơ quan chức năng thanh kiểm tra phát hiện nhiều chất cấm “ẩn mình” trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ ảnh: L.N
TP - Qua kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện nhiều thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chứa chất cấm, trong đó có cả sildenafil và tadalafil - những hoạt chất trị rối loạn cường dương. 

“Ngậm” đầy chất cấm

Đỉnh điểm của tình trạng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) chứa chất cấm là vào cuối năm 2020, khi Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phát đi thông báo 7 loại sản phẩm của Singapore chứa chất nguy hại, trong đó có kẹo sâm Hamer. Loại này được rao bán tràn lan trên mạng có chứa chất kích dục Tadalafil.

Chưa hết, nhiều sản phẩm khác như Coco Curv, Choco Fit, Nutriline Cleansline, Kimiso Dark Chocolate... cũng được cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo do chứa chất cấm sibutramine. Mới đây, Cục An toàn thực phẩm cho biết nhiều lô TPBVSK như viên giảm cân Giáng ngọc Eva, Health- Belief- Effective Detox Slimming Capsules, trà thảo mộc giảm cân Golean Detox, trà giảm cân Vy&Tea chứa chất cấm sibutramine.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hợp chất sibutramine có trong sản phẩm trà thảo mộc giảm cân Golean Detox và trà giảm cân Vy&Tea (của Cty TNHH Một thành viên Dịch vụ thương mại Hà Vy) được sử dụng trong tân dược để giảm sự thèm ăn, thường dùng điều trị bệnh béo phì. Hợp chất này được quản lý chặt chẽ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấm sử dụng từ tháng 10/2010, do có nguy cơ làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và gây nguy hiểm cho những người có tiền sử bệnh về động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim hoặc đột quỵ, thậm chí gây chết người. Tuy nhiên, vì lợi nhuận và bán được hàng, các nhà sản xuất vẫn cố tình cho TPBVSK “ngậm” chất cấm này.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm còn phát hiện sản phẩm thực phẩm chức năng Avena plus chứa chất sildenafil, một loại tân dược trị rối loạn cường dương bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Đây là sản phẩm của Công ty Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu Việt Nam Canoves ở Hà Nội.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS- TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết, TPBVSK góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn chân chính, xuất hiện không ít tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh bất chấp quy định của pháp luật.

“Nhiều doanh nghiệp sử dụng các chất chỉ được làm thuốc, phải được kê toa của bác sĩ vào trong TPBVSK, gây nguy hại cho người dùng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người sử dụng”- ông Nguyễn Thanh Phong nói và cho biết qua công tác thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm đã phát hiện nhiều TPBVSK chứa chất cấm sử dụng trong thuốc trị cường dương như sildenafil và tadalafil; chất tăng chuyển hoá mỡ, chất kích thích ăn ngon cyprohetadine, chất tạo nạc salbutamol; các chất corticoid trong điều trị cơ xương khớp...

Lợi dụng kẽ hở

Tại Hội nghị góp ý dự thảo quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh TPBVSK diễn ra tại TPHCM hôm qua (19/3), ông Đặng Văn Chính- Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM cho biết, không chỉ chất cấm sildenafil được đưa vào trong thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị rối loạn cương, nhiều thực phẩm được phát hiện có chứa hoạt chất verdenafil, có tác dụng tương tự sildenafil, nhưng ít được cơ quan quản lý để ý, gây nguy hại đến người sử dụng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch.

“Nhiều thực phẩm khi chúng tôi phát hiện ra có chứa các chất trị bệnh tiểu đường. Không ít bệnh nhân uống dài ngày bị nhiễm toan chuyển hoá phải nhập viện vì các dược chất cấm này”- ông Chính dẫn chứng.

Ông Phạm Văn Hinh- Trưởng phòng Quản lý Sản phẩm thực phẩm- Cục An toàn thực phẩm, cho biết theo Điều 317 Bộ Luật Hình sự quy định sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản hoặc cung cấp thực phẩm, nếu biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Tuy nhiên, theo ông Hinh, Bộ luật Hình sự và các văn bản của pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể chất cấm, hoá chất cấm sử dụng trong thực phẩm nói chung hoặc TPBVSK nói riêng là những chất nào do chưa có danh mục cụ thể. “Từ kẽ hở, khoảng trống của pháp luật này, nhiều tổ chức cá nhân đã lợi dụng để dùng các chất cấm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm”- ông Hinh cho biết.

Theo PGS- TS Nguyễn Thanh Phong, do chưa bị xử lý một cách thích đáng, đúng người đúng tội mà chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm về hành chính, không đủ tính răn đe nên việc sử dụng chất cấm trong TPBVSK vẫn diễn ra thường xuyên.  

Sẽ ban hành danh mục 55 chất cấm

Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, tới đây Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục chất cấm sử dụng trong kinh doanh TPBVSK. Danh mục này có 55 chất cấm được thông qua sau khi Bộ Y tế lấy ý kiến cụ thể các Ban quản lý, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. “Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dùng chất cấm sẽ bị rút giấy phép kinh doanh, xử phạt nặng, truy cứu trách nhiệm hình sự”. 

MỚI - NÓNG