Loạn thần do thuốc

Loạn thần do thuốc
Loạn thần là một tác dụng phụ không mong muốn trong khi sử dụng thuốc. Nguy cơ bị rối loạn tâm thần do thuốc tăng ở các trường hợp như: uống nhiều loại thuốc, uống liều cao, bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị bệnh về tâm thần, bệnh nhân suy gan, chuyển hóa chậm, bệnh nhân quá nhỏ tuổi hay quá cao tuổi...

Loạn thần do thuốc

Loạn thần là một tác dụng phụ không mong muốn trong khi sử dụng thuốc. Nguy cơ bị rối loạn tâm thần do thuốc tăng ở các trường hợp như: uống nhiều loại thuốc, uống liều cao, bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị bệnh về tâm thần, bệnh nhân suy gan, chuyển hóa chậm, bệnh nhân quá nhỏ tuổi hay quá cao tuổi...

Việc chẩn đoán các rối loạn này rất khó khăn vì triệu chứng rất giống với rối loạn tâm thần nguyên phát.

Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet.
 

Một số loại thuốc gây nguy cơ loạn thần

Seduxen: Là thuốc giải lo âu, được chỉ định chính trong điều trị các trường hợp rối loạn lo âu. Một đặc điểm của rối loạn lo âu là bệnh nhân thường mất ngủ, khi dùng seduxen bệnh nhân ngủ được. Chính vì vậy nhiều người vẫn cho rằng, seduxen là một loại thuốc ngủ, điều này là không chính xác.

Đối với bệnh nhân có rối loạn lo âu, trước tiên nên sử dụng nhóm thuốc giải lo âu không gây nghiện như buspirone, stresam…

Khi cần phải chỉ định dùng seduxen, cần cân nhắc cẩn thận. Không nên sử dụng seduxen ở những bệnh nhân có xu hướng phụ thuộc thuốc, đặc biệt ở những người không có sự nâng đỡ của gia đình, xã hội; bệnh nhân có sử dụng nhiều loại thuốc kèm theo; bệnh nhân có sự lạm dụng các chất gây nghiện khác như rượu, heroin….

Việc sử dụng seduxen không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng phụ thuộc thuốc và khi không sử dụng có thể dẫn đến trạng thái cai thuốc với các biểu hiện:

- Bệnh nhân có biểu hiện căng thẳng, bồn chồn, có thể có kích động và những cơn hoảng sợ, giảm sút về trí nhớ, độ tập trung và rối loạn về ý thức; tăng nhạy cảm với ánh sáng, tiếng động; có thể có trầm cảm, mất ngủ trở lại. Ở mức độ nặng, bệnh nhân có thể có ảo giác, hoang tưởng.

- Bệnh nhân có biểu hiện khô miệng, vã mồ hôi, run tay chân, đau đầu, buồn nôn, mạch nhanh, nặng có thể dẫn đến co giật.

Thông thường, liều dùng trong khoảng dưới 15mg/ngày thì nguy cơ gây nghiện thấp, nhưng khi sử dụng trên 30mg/ngày và sử dụng kéo dài hơn một tháng thì nguy cơ gây nghiện cao. Vì vậy, thời gian sử dụng thuốc cho bệnh nhân không nên kéo dài quá một tháng, nên dùng gián đoạn và liều lượng thuốc nên thay đổi, không nên cố định liều và khi giảm thuốc thì phải giảm liều một cách từ từ, không nên dừng thuốc một cách đột ngột. Trước khi dừng thuốc cho bệnh nhân cần phải kết hợp thêm các liệu pháp điều trị hỗ trợ như tâm lý liệu pháp, thư giãn luyện tập, điều trị các bệnh lý đi kèm với tình trạng này.

Corticoid: Glucocorticoid (GC) tự nhiên là hormon do tuyến vỏ thượng thận sản xuất, gồm hai chất là hydrocortison và cortison. Ở nồng độ sinh lý, chúng có vai trò quan trọng duy trì chuyển hóa năng lượng, duy trì huyết áp, giúp cân bằng nội môi, tăng sức chống đỡ của cơ thể với stress và duy trì các chức năng khác của cơ thể. Sự thiếu GC sẽ dẫn đến các rối loạn nghiêm trọng như suy nhược, hạ đường huyết, sốc và có thể tử vong nếu không điều trị tích cực.

Mặc dù đem lại những lợi ích lớn lao trong điều trị nhưng các thuốc nhóm corticoid thường có khá nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như gây viêm loét dạ dày - tá tràng, suy giảm miễn dịch, loãng xương, đục thủy tinh thể, rối loạn tâm thần...

Theo nghiên cứu của nhiều tác giả, 20-63% số người trưởng thành và 50% số trẻ em có sử dụng glucocorticoid đường uống hoặc tiêm truyền gặp phải các bất thường về tâm lý, hành vi hoặc rối loạn tâm thần thực sự, 6% trong đó là các biểu hiện loạn thần mức độ nặng. Khoảng 10-30% số bệnh nhân loạn thần do glucocorticoid có ý tưởng tự sát.

Các rối loạn tâm thần kinh do glucocorticoid có hai dạng cơ bản là rối loạn tâm thần và rối loạn nhận thức. Các biểu hiện rối loạn tâm thần thường gặp nhất là thay đổi tính tình, lo lắng, sợ hãi, kích thích, cáu bẳn, hưng phấn hoặc lãnh đạm, thờ ơ, mất ngủ, li bì, trầm cảm. Các biểu hiện này có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc phối hợp và dễ xảy ra hơn ở những người có nhân cách tiền bệnh lý. Ở trẻ em, biểu hiện thường gặp nhất là các rối loạn hành vi như nói lắp hoặc quấy khóc. Nói chung, những bệnh nhân dùng glucocorticoid ngắn ngày thường có biểu hiện hưng cảm, kích thích, trong khi đó, những bệnh nhân điều trị kéo dài thường có xu hướng bị các triệu chứng trầm cảm. Bên cạnh các rối loạn tâm thần, các rối loạn về nhận thức được ghi nhận trong cả điều trị ngắn hạn và dài hạn với glucocorticoid còn gây ra các thiếu hụt trí nhớ về ngôn ngữ hoặc lời nói, có thể xuất hiện chỉ sau dùng thuốc 4-5 ngày, phụ thuộc vào liều dùng và thường hồi phục sau khi ngưng thuốc.

Biện pháp đầu tiên trong điều trị các rối loạn tâm thần kinh do glucocorticoid là ngưng dùng hoặc giảm liều glucocorticoid đến mức thấp nhất có thể. Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện loạn thần nặng do glucocorticoid nhưng không thể ngưng dùng hoặc giảm liều glucocorticoid, cần phối hợp điều trị với các thuốc tâm thần, việc lựa chọn thuốc tùy thuộc vào biểu hiện của loạn thần.

Thuốc trị sốt rét (mefloquin và chloroquin): Mefloquin có thể gây loạn thần, hoang tưởng, lú lẫn, ảo giác và thậm chí có ý tưởng tự tử. Các phản ứng thần kinh hoặc tâm thần có thể xuất hiện trong vòng vài giờ sau liều đầu tiên hoặc xảy ra trong khi điều trị, cũng có khi xuất hiện sau 2-3 tuần ngừng thuốc. Khi dự phòng sốt rét bằng mefloquin, nếu thấy xuất hiện các rối loạn như lo âu, trầm cảm, kích động hoặc lú lẫn, cần ngừng thuốc.

Chloroquin có thể gây kích động, hung hăng, quên, lú lẫn, trầm cảm, ảo giác và hưng cảm. Thuốc chậm đào thải nên thời gian hồi phục cũng kéo dài. Trẻ em điều trị bằng chloroquin sẽ có nguy cơ bị loạn thần cao.

Metronidazon: Tác dụng phụ thường gặp là lú lẫn, dị cảm, chóng mặt, choáng váng và mất điều hòa. Hiếm gặp hơn là tình trạng co giật và bệnh lý não. Metronidazon có thể gây độc cho não ngay ở liều thông thường. Tần suất tác dụng phụ này sẽ tăng 25% khi bệnh nhân sử dụng thuốc lâu dài hoặc với liều cao hơn. Nếu dùng thuốc này mà uống rượu sẽ làm trầm trọng hơn các tác dụng phụ về tâm thần.

Lời khuyên

Khi sử dụng thuốc để điều trị phải xem xét, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc để lựa chọn thuốc phù hợp với đặc điểm bệnh nhân và tình trạng bệnh tật. Nếu hiểu biết đầy đủ về thuốc sử dụng, đặc điểm người bệnh và các yếu tố ảnh hưởng làm tăng nguy cơ gây tác dụng không mong muốn thì có thể hạn chế được các tác dụng không mong muốn này.

Tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc, chỉ dùng thuốc khi có ý kiến của bác sĩ. Trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện rối loạn tâm thần khi dùng thuốc, bệnh nhân cần được theo dõi giấc ngủ, số giờ ngủ được trong ngày, khi ngủ có mê, có thức giấc giữa đêm không...

Do người bệnh thường bị hoang tưởng, ảo giác, kích động, không chăm sóc được bản thân nên gia đình phải hết sức chú ý. Người nhà phải luôn có thái độ tôn trọng, giúp đỡ, không phân biệt đối xử đối với bệnh nhân, lắng nghe ý kiến, thực hiện các yêu cầu, nguyện vọng của họ trong điều kiện cho phép, khi từ chối, nên giải thích cho người bệnh hiểu. Phải tuân thủ các chỉ định của nhân viên y tế, không tự ý cho người bệnh dùng thuốc và kịp thời báo những biểu hiện bất thường cả về cơ thể và tâm thần.

Theo ThS. Nguyễn Vân Anh
Sức khỏe & Đời sống

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG