Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định: “Hệ thống pháp luật quá phức tạp, chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) còn hạn chế, tính khả thi chưa cao, tình trạng luật “ống”, luật “khung” còn tồn tại nhiều trong khi việc ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm, không kịp thời".
Đại biểu Trần Thị Dung, nhắc lại nghi vấn về lợi ích nhóm trong soạn thảo luật và việc ban hành luật mới có chấm dứt được tình trạng này? Hiện tượng một số bộ, ngành ban hành VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật cần được xử lý như thế nào?
Ban soạn thảo cho biết theo tinh thần mới của Hiến pháp, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội là “công xưởng” của Quốc hội, với xu hướng tăng số lượng đại biểu chuyên trách và nâng cao chất lượng của bộ máy giúp việc. Việc giao nhiệm vụ chủ trì chỉnh lý các VBQPPL cho các cơ quan của Quốc hội nhằm góp phần thể hiện đầy đủ nhất ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, “lợi ích nhóm” trong hoạch định và ban hành chính sách, pháp luật.
Về thẩm quyền ban hành và hình thức của VBQPPL, Dự thảo luật quy định: VBQPPL của Quốc hội là Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, đồng thời không quy định Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là VBQPPL.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc giữ quy định về hình thức Nghị quyết của Quốc hội.
“Hiến pháp có quy định Quốc hội có quyền phủ quyết những văn bản của Chủ tịch nước, Thủ tướng. Nếu Nghị quyết không có giá trị quy phạm pháp luật thì làm sao phủ quyết được văn bản quy phạm pháp luật. Tôi cho rằng Nghị quyết của Quốc hội phải có giá trị như luật pháp", ông Nguyễn Bá Thuyền nói.
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết phải đơn giản hóa hệ thống VBQPPL, song đề nghị nên cân nhắc việc giữ quy định về hình thức Nghị quyết của Quốc hội vì đây là điều cần thiết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo chức năng hoạt động của Quốc hội.