Lo ngộ độc thực phẩm, nhiều người 'trồng rau nuôi cá' tại nhà

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nếu ở nông thôn từng có (và có thể vẫn còn) tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” thì ở đô thị, nhiều người chọn làm nông tại nhà nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm.

Chiều 6/6, tại hội thảo “Nông nghiệp đô thị - Lợi ích kép cho người dân đô thị” do báo Kinh tế và Đô thị tổ chức, GS.TS Nguyễn Văn Bộ - Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cư dân đô thị tăng nhanh theo mức độ đô thị hóa, do đó nhu cầu thực phẩm của các thành phố cũng tăng lên. Tại Việt Nam, dân số hiện đã gần 100 triệu dân, dự báo tỷ lệ này sẽ vượt 50% sau năm 2030. Do đó, việc cung ứng đủ nhu cầu lương thực thực phẩm cho cư dân đô thị là rất lớn.

Lo ngộ độc thực phẩm, nhiều người 'trồng rau nuôi cá' tại nhà ảnh 1
Vấn đề an toàn thực phẩm đang được người dân quan tâm

Theo thống kê, năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 người chết. Trong khi đó, năm 2022 chỉ xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc và 18 người tử vong.

“Nếu ở nông thôn từng có (và có thể vẫn còn) tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” thì ở đô thị, nhiều người chọn làm nông tại nhà ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, một lý do khác cho sự cần thiết phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT) chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm” – ông Bộ nói.

Theo định nghĩa của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), NNĐT là trồng trọt và chăn nuôi trong và xung quanh thành phố, để cung cấp thực phẩm tươi sống, tạo việc làm, tái chế chất thải và tăng cường khả năng phục hồi của thành phố trước biến đổi khí hậu. Tuy nhiên ông Bộ cho rằng, các hoạt động trong NNĐT có thể rộng hơn, dùng chung cho cả nông nghiệp trong nội đô và vùng ven đô.

Cũng theo ông Bộ, NNĐT của Việt Nam đang phát triển theo hướng tự phát. Đến nay chưa có một chủ trương, chính sách nào của Nhà nước liên quan đến NNĐT. Tại TPHCM mới phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị” hồi cuối năm 2023 và chưa thể đi vào đời sống. Tại Hà Nội chỉ mới phê duyệt “Đề cương đề án nông nghiệp đô thị” mà chưa có đề án chính thức.

Lo ngộ độc thực phẩm, nhiều người 'trồng rau nuôi cá' tại nhà ảnh 2

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận, quá trình đô thị hóa khiến sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, do đó NNĐT là giải pháp đáp ứng một phần về nhu cầu lương thực, rau quả của người dân. Tuy nhiên, NNĐT chưa phát triển, còn manh mún, nhỏ lẻ của các hộ gia đình tranh thủ thời gian rảnh canh tác tại nhà. Hình thức này không được xem là NNĐT, bởi NNĐT là một ngành công nghiệp gồm các hoạt động vận chuyển, chế biến, tiếp thị, kinh doanh và các dịch vụ phi nông nghiệp do cư dân đô thị thực hiện.

“Hoạt động nông nghiệp hiện nay làm phát sinh khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, với NNĐT sẽ giúp giảm tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính” – ông Nghĩa cho biết.

Mặc dù TPHCM có thế mạnh về sản xuất hoa và rau nhưng vì sao chưa đáp ứng được 30% nhu cầu của cư dân đô thị? TS Vũ Thị Quyền - trưởng ngành Công nghệ sinh học Khoa Công nghệ ứng dụng Trường Đại học Văn Lang lý giải, ngoài quỹ đất nông nghiệp giảm thì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng NNĐT để ứng dụng công nghệ cao; thiếu lao động qua đào tạo. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, dịch bệnh gây thất thoát mùa màng.

TS Quyền đề xuất một số mô hình NNĐT tại TPHCM, cụ thể với vùng trung tâm áp dụng canh tác ở quy mô nhỏ và vừa với các loại cây rau, hoa, cây cảnh và thú cưng; vùng ngoại thành có thể trồng rau, nấm, hoa nền, nuôi bò, lợn…

MỚI - NÓNG
Cựu Bí thư Tỉnh uỷ và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị hầu tòa
Cựu Bí thư Tỉnh uỷ và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị hầu tòa
TPO - TAND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành thông báo về việc đưa vụ án hình sự "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" tại dự án Hạc Thành Tower ra xét xử. Trong vụ án có cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng và 9 bị cáo khác.
Nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do tái diễn mưa lớn tại Thừa Thiên-Huế
Nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do tái diễn mưa lớn tại Thừa Thiên-Huế
TPO - Theo dự báo của cơ quan chức năng, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) sẽ có mưa, mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 150 - 400mm, có nơi trên 500mm; gây nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối tại nhiều huyện, thị xã.