Lo 'nghèo hóa' khi bãi bỏ quy định lương hưu tối thiểu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất khiến người lao động lo ngại có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 27/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tính lương hưu cần có tính chia sẻ

Tại phiên thảo luận, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) quan tâm đến việc giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 25 xuống 15 năm.

Theo bà Hương, chính sách này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển.

Lo 'nghèo hóa' khi bãi bỏ quy định lương hưu tối thiểu ảnh 1

Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) - Ảnh: Như Ý

Quy định này cũng tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hà Giang cho rằng, do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp vào mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp, lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất như quy định hiện hành. Theo bà Hương, đây là điều mà nhiều người lao động đang rất băn khoăn và lo ngại có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai.

Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp, để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Kim Yến (TP HCM) cho rằng, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng. Đồng thời, dự thảo Luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu.

“Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai”, nhấn mạnh điều này, bà Yến đề nghị thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp; theo đó, mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%.

“Cần xây dựng chế độ hưu trí hấp dẫn, lương hưu phải đủ mức sống tối thiểu của bản thân họ (cá biệt hiện nay có một lượng người hưởng hưu trí thấp hơn mức lương tối thiểu)”, bà Yến lưu ý.

Lo 'nghèo hóa' khi bãi bỏ quy định lương hưu tối thiểu ảnh 2

Đại biểu Trần Kim Yến (TPHCM). Ảnh: Như Ý

Tích lũy cho tương lai khi về già

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đánh giá, nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, bà đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Về điều kiện hưởng BHXH một lần, đại biểu cho rằng, hai phương án được đưa ra trong dự thảo luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao.

Để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, theo bà Thu, phương án 1 cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua.

Về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng BHXH một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội, giảm gánh nặng cho cả xã hội.

Chủ trương này cũng hướng dần tới nguyên tắc phổ quát của BHXH là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai khi về già trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng. Bởi nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.

MỚI - NÓNG