Thay thế 'mức lương cơ sở' bằng 'mức tham chiếu' từ 1/7/2024, cần lưu ý những gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo lộ trình thực hiện, từ 1/7/2024 sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.

Hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 27/5, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Liên quan đến điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án.

Trong đó, phương án 1 được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định hiện hành.

Thay thế 'mức lương cơ sở' bằng 'mức tham chiếu' từ 1/7/2024, cần lưu ý những gì? ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. (Ảnh: Như Ý)

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13.

Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng: Bối cảnh và yêu cầu đặt ra khi xây dựng các phương án về bảo hiểm xã hội một lần phải bảo đảm mục tiêu kép, vừa thể chế hóa mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, vừa hài hòa quyền lợi của người lao động, phù hợp với thực tiễn và nguyên lý của bảo hiểm xã hội.

“Mặc dù hai phương án Chính phủ trình đều chưa phải là những phương án tối ưu, có thể chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chưa dự kiến phòng ngừa được phản ứng tập thể người lao động, song đây đang là các phương án chiếm ưu thế, nhất là phương án 1”, bà Thúy Anh nêu.

Bên cạnh đó, có ý kiến đồng tình với phương án 2 để không tạo “lát cắt” giữa đối tượng tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực. Ý kiến khác đề nghị tích hợp phương án 2 vào nhóm 2 của phương án 1. Theo đó, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng từ sau ngày 1/7/2025 đến 30/6/2030 thì vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo lộ trình giảm dần.

Cơ quan thẩm tra cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến.

Thay thế 'mức lương cơ sở' bằng 'mức tham chiếu' từ 1/7/2024, cần lưu ý những gì? ảnh 2

Các đại biểu tham dự tại phiên họp. (Ảnh: Như Ý)

Thay thế “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu

Về việc thay thế “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu”, bà Nguyễn Thúy Anh dẫn, Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định bãi bỏ “mức lương cơ sở” khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ 1/7/2024 sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội.

Nội dung này chưa được dự liệu đầy đủ khi Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 6 nên trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, qua nhiều lần đề nghị, ngày 15/5/2024, Chính phủ mới đề xuất thay “mức lương cở sở” bằng “mức tham chiếu” trong dự thảo Luật.

Do đây là nội dung mới được đặt ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tác động và nghiên cứu bổ sung một số nội dung trong dự thảo Luật về nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu trong dự thảo Luật, theo hướng bảo đảm tuân thủ quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 28-NQ/TW;

Quy định giao Chính phủ hằng năm báo cáo Quốc hội về việc xây dựng và tổ chức thực hiện mức tham chiếu này đối với các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Quy định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW để hài hòa với khu vực Nhà nước sau cải cách tiền lương, bảo đảm mọi người lao động khi về già có mức lương hưu đủ sống, không thấp hơn mức sống tối thiểu.

Chỉ đạo việc rà soát bổ sung đầy đủ quy định điều khoản chuyển tiếp trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến “mức lương cơ sở” để ban hành hoặc trình ban hành quy định mới.

Về chế tài xử lý các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, trong đó, chế tài tạm hoãn xuất cảnh quy định theo hướng áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn do chưa thống nhất với quy định của pháp luật về thuế.

MỚI - NÓNG