> Xăng tăng lên 22.900 đồng/lít
Giá các loại xăng tăng thêm 2.100 đồng từ 16 giờ chiều qua. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Tác động tới lạm phát
Như vậy, xăng A92 tăng 2.100 đồng lên 22.900 đồng một lít (tăng hơn 10%); xăng A95 lên 23.400 đồng/lít; Dầu diezen tăng 1.000 đồng lên 21.400 đồng một lít. Dầu hỏa tăng 600 đồng lên 20.800 đồng mỗi lít trong khi giá bán dầu mazut được áp dụng là 18.800 đồng, tăng 2.000 đồng.
Theo Bộ Tài chính, trước tình hình giá thế giới leo thang tăng mạnh, so với 30 ngày bình quân trước đó thì mức điều chỉnh này chỉ tương đương 12,5% - 41% mức cần phải điều chỉnh theo Nghị định 84.
“Nếu tính đủ thuế theo barem thì giá bán xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng khoảng 4.200 - 6.500 đồng/lít. Bởi tính đến ngày 5-5 giá xăng Ron 92 tăng thêm 7,01% lên 130,05 USD/thùng; các loại khác tăng ít nhất 1,99%”- Bộ Tài chính tính toán.
Theo nguồn tin của phóng viên, tại phiên họp Chính phủ ngày 6-3, Bộ Tài chính đã trình 2 phương án điều chỉnh giá. Phương án 1 với mức điều chỉnh dự kiến tăng 1.000 đồng/lít xăng và từ 550 đồng - 700 đồng cho các loại dầu hỏa, diezel.
Theo tính toán sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,43% (tác động vòng 1 ở mức khoảng 0,12% và vòng 2 là 0,31). Phương án 2 giảm thuế suất nhập khẩu diesel từ 3% xuống còn 0%, điều chỉnh tăng 2.050 đồng/lít xăng; tăng 900 đồng/lít dầu diezel, tăng 600 đồng/lít dầu hỏa, 2.000 đồng/kg mazut.
Theo Bộ Tài chính, với mức điều chỉnh này, sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng cả 2 vòng về lý thuyết ở mức cao 0,85% (vòng 1 trực tiếp 0,24%; vòng 2: tác động đến các ngành sử dụng xăng dầu 0,61%).
Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ thực hiện phương án 2 như trên, đi kèm việc giảm mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xuống còn 300 đồng/lít. Cơ quan này tính toán ưu điểm của phương án chính là giảm bớt khó khăn cho DN, giảm tình trạng buôn lậu qua biên giới vì giá xăng Việt Nam hiện đang thấp hơn từ 4.000-7.000 đồng/lít so với các nước trong khu vực.
Thực tế, việc tăng giá xăng và dầu diezel lần lượt thêm 50 đồng và 100 đồng/lít so với phương án 2 của Bộ Tài chính, vì có sự thay đổi cập nhật giá dầu thế giới sát hơn.
Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng các kịch bản, nếu giá xăng dầu thế giới còn tăng. Kịch bản hiện được các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới dự báo nhiều nhất là xăng 135,11 USD/thùng; dầu diezel 145 USD/thùng, dầu hoả 144 USD/thùng, mazut 746,7 USD/tấn. Khi đó thì phải điều chỉnh giá xăng dầu trong nước tiếp, bởi không còn công cụ nào (thuế đã bằng 0%, quỹ bình ổn hết tiền) để có thể kìm giá.
Sẽ có đợt tăng giá mới?
Một nguồn tin từ Bộ Tài chính, cho biết tại phiên họp Chính phủ ngày 6-3, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng rất cân nhắc và đề nghị cơ quan điều hành phải phân tích kỹ việc tăng giá xăng dầu thời điểm này.
“Bởi cùng thời điểm này năm ngoái tỷ giá điều chỉnh mạnh biên độ, giá điện tăng. Còn năm nay, tỷ giá ổn định, lãi suất dự kiến sẽ giảm. Đó là những điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, liên bộ vẫn rất thận trọng vì biết việc tăng giá xăng dầu vẫn làm tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng”- Một đại diện Bộ Tài chính nói.
Trao đổi với Tiền Phong, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, về cơ bản, thời điểm tăng giá xăng không có gì là bất ngờ do thời gian qua giá thế giới đã tăng quá cao, nhà nước không thể cứ bù lỗ mãi cho doanh nghiệp. Để tính ảnh hưởng tới CPI cả năm thì phải đợi đến hết tháng 4-2012, vì rất có thể trong thời gian tới sẽ có sự điều chỉnh giá điện, và hiệu ứng tâm lý từ việc lương cơ bản sẽ được điều chỉnh từ 1-5.
Nhiều mặt hàng sẽ vin cớ giá xăng, giá điện, lương cơ bản tăng để điều chỉnh giá bán. Khi đó sẽ khó có thể tránh được vòng xoáy lạm phát. Với những tác động dây chuyền như trên thì ngay chính sách tài khoá cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Ánh, có thể khẳng định chắc chắn CPI tháng 3 sẽ bị tác động rất mạnh từ việc giá xăng tăng. Trong thời gian tới cần thay đổi cơ bản cách điều hành giá xăng dầu, vì đến nay cơ chế điều hành vẫn như năm 2005, trong khi vấn đề xử lý lỗ cho doanh nghiệp sau mỗi lần tăng giá vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Về tác động của việc tăng giá xăng dầu, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nhận định, đây là mức tăng rất cao và là thách thức rất lớn đối với mục tiêu đưa lạm phát về một con số.
Hồi tháng 7-2008, giá xăng A92 tăng kỷ lục 4.500 đồng/ lít trong một lần điều chỉnh “góp phần” đẩy lạm phát cả năm lên gần 20%. Đến năm 2011, giá xăng cũng có bước tăng vọt 2.900 đồng/lít trong tháng 2, là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát năm 2011 đẩy lên 18,13%.
“Sau tăng giá xăng dầu, thị trường sẽ chờ đợt tăng giá mới đối với nhiều sản phẩm, hàng hoá dịch vụ khác không chỉ do tác động trực tiếp từ tăng giá xăng dầu mà còn do tác động tâm lý”, ông Phú nói.
Tại cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước mới đây, đại diện Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính và Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết trong tháng 3, thị trường giá cả sẽ có nhiều biến động do chịu sức ép của nhiều yếu tố gây tăng giá.
Cụ thể, nhóm thực phẩm chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch cúm gia cầm bùng phát. Bên cạnh đó, áp lực tăng giá xăng dầu, giá bán than điều chỉnh tăng 10% từ 25-2 cũng gây áp lực đầu vào cho những hộ tiêu thụ lớn như phân bón, giấy, xi măng...Cùng với đó, việc điều chỉnh tăng nhiều dịch vụ y tế cũng sẽ tác động đáng kể đến CPI.
Người dân choáng váng Đổ xăng cho xe máy tại cây xăng khu vực giao lộ Quang Trung – Đông Đa (Hải Châu, TP.Đà Nẵng), anh Trần Hữu Đông giật mình: nghe đồn xăng chỉ tăng 1.000 đồng, ai ngờ tăng đến 2.100 đồng/lít. Cầm 50.000 đổ mới hơn 2 lít xăng đi chưa đủ cho 2 ngày. Đặc biệt, với nhiều đối tượng đi xe ga, ô tô, mức tăng giá xăng cao kéo theo đội chi phí nhiên liệu. Theo anh Nguyễn Tùng, ước tính trung bình mỗi tháng xe ôtô của anh sẽ phải bù thêm trên dưới 1,5 triệu đồng tiền xăng với mức tăng hiện nay. Tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), anh Trần Ngọc Quý (31 tuổi, trú Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chủ tàu HT - 90019TS cho biết: “Mỗi chuyến đi ngắn 12 - 13 ngày đã ngốn hết 1.000 lít dầu, với giá tăng 1.000 đồng/1 lít dầu diezel hiện nay, cả tàu phải bỏ thêm 1 triệu đồng”. Ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đà Nẵng nhận định: lần tăng giá xăng nào, các đơn vị vận tải trên địa bàn cũng chịu sức ép lớn. Việc kinh doanh vận tải hiện nay đang gánh đủ thứ chi phí từ cầu đường, thuế, bến bãi… nên việc giá xăng biến động, luôn có chiều hướng tăng sẽ khiến các đơn vị hụt hơi. Vận tải dự báo tăng giá 2-5% Trước giá xăng, dầu tăng mức mới, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô VN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chúng tôi tính toán nếu xăng, dầu tăng từ 10% trở lên (kéo theo giá cước vận tải tăng 5%) thì hãy tăng giá cước. Lần này, xăng tăng khoảng 10%, nhưng ô tô vận tải hành khách theo tuyến cố định chủ yếu dùng dầu diezel. Trong khi đó, dầu diezel tăng chỉ mức 5% (giá cước vận tải chỉ tăng theo 2%)”. Cũng theo ông Hùng, taxi chủ yếu dùng xăng nên khó tránh được việc tăng giá. |
Doanh nghiệp xăng dầu vẫn đồng loạt kêu lỗ (?) Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Vương Thái Dũng cho biết, mức tăng giá xăng 2.100 đồng/lít về cơ bản giúp doanh nghiệp giảm lỗ, giảm bớt khó khăn rất nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn bị lỗ do mức tăng giá mới gần bằng mức hòa vốn. “Chúng tôi vẫn chưa thể tính được khoản lỗ từ đầu năm 2012 đến nay do phải giữ giá xăng dầu. Để tính được mức lỗ phải đến hết chu kỳ tháng này”- Ông nói. Tổng giám đốc Saigon Petro Đặng Vinh Sang cũng cho biết, với mức tăng giá này doanh nghiệp cũng chưa đủ bù đắp chi phí. Ngoài ra, theo ông Sang việc Bộ Tài chính chưa điều chỉnh định mức chi phí xăng dầu, vẫn giữ mức 600 đồng/lít theo quy định của nhà nước khiến doanh nghiệp xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn. Nếu tính đủ thì thù lao cho các đại lý phải điều chỉnh lên xấp xỉ 1.000 đồng/lít, ông Sang kiến nghị. |