Lo ngại về an ninh, Nhật bắt tay Anh – Ý chế tạo tiêm kích mới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhật, Anh và Ý sẽ gộp các dự án máy bay chiến đấu thế hệ mới sau khi quyết định thành lập quan hệ đối tác xuyên châu lục. Đây là dự án công nghiệp quốc phòng quốc tế lớn đầu tiên của Nhật với đối tác không phải Mỹ kể từ Thế chiến 2.
Lo ngại về an ninh, Nhật bắt tay Anh – Ý chế tạo tiêm kích mới ảnh 1

Thiết kế mẫu tiêm kích Tempest được trưng bày tại Anh năm 2018. (Ảnh: Reuters)

Thỏa thuận này đặt mục tiêu đưa dòng máy bay chiến đấu tiên tiến vào hoạt động từ năm 2035, bằng cách kết hợp dự án Hệ thống chiến đấu không quân tương lai của Anh, còn gọi là Tempest, với chương trình F-X của Nhật trong liên doanh mang tên Chương trình chiến đấu không quân toàn cầu (GCAP), 3 quốc gia cho biết trong thông cáo đưa ra ngày 9/12.

Trong bối cảnh Nhật Bản lo ngại với cuộc xung đột tiếp diễn ở Ukraine và Trung Quốc gia tăng hoạt động gia tăng ở khu vực, thỏa thuận này có thể giúp Tokyo đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn của nước láng giềng khổng lồ và giúp Anh đóng vai trò an ninh lớn ở khu vực đang là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

“Chúng tôi cam kết duy trì trật tự quốc tế tự do, cởi mở và dựa trên luật lệ, điều quan trọng hơn bao giờ hết vào thời điểm những nguyên tắc này bị thách thức, những mối đe dọa và hung hăng ngày càng tăng”, tuyên bố chung của 3 nước cho biết.

Khi môi trường an ninh khu vực suy giảm, Nhật Bản trong tháng này thông báo sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% GDP trong 5 năm tới.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Anh cần nắm bắt những công nghệ quốc phòng hiện đại và thỏa thuận mới sẽ tạo ra việc làm mới.

Các hãng BAE Systems của Anh, Mitsubishi Heavy Industries của Nhật, và Leonardo của Ý sẽ thiết kế máy bay, trang bị công nghệ AI và chiến tranh điện tử tiên tiến, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết.

Hãng tên lửa châu Âu MBDA cũng sẽ tham gia dự án, cùng với Mitsubishi Electric, Rolls-Royce PLC, IHI Corp và Avio Aero.

Tuy nhiên, 3 quốc gia chưa quyết định một số phần cụ thể của dự án, bao gồm cách chia sẻ công việc và nơi phát triển.

Anh cho biết các nước khác có thể tham gia dự án, nhằm tạo ra những chiếc tiêm kích thay thế máy bay chiến đấu Typhoon và bổ sung cho phi đội F-35 Lightning, tương thích với đội máy bay chiến đấu mà các đối tác của NATO đang sử dụng.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Washington ủng hộ dự án hợp tác này.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.